Tại phòng đẻ ở các bệnh viện phụ sản, có những câu chuyện mà chỉ có y bác sĩ và bệnh nhân biết với nhau, thầm nhủ sẽ không kể với người thứ ba vì những tình huống dở khóc dở cười. Bác sĩ Lê Quang Hòa, khoa D3, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã chứng kiến rất nhiều tình huống hài hước mà chỉ làm bác sĩ đỡ đẻ mới có cơ hội được trải nghiệm. Bác sĩ vẫn còn nhớ sản phụ quê Hưng Yên sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Sản phụ được chỉ định đẻ thường. Khi lên bàn đẻ, tử cung đã mở 8-9 phân bà bầu vẫn cầu xin bác sĩ cho không đẻ nữa với lý do 'đau không chịu được'. 'Trường hợp này bắt buộc bác sĩ phải nghiêm khắc nói to để át được tiếng la hét của sản phụ, yêu cầu không la hét, dặn dò giữ sức để rặn con ra', nam bác sĩ chia sẻ.
Cảnh sản phụ la hét 'xin thôi đẻ' vì quá đau đớn rất thường gặp ở bệnh viện phụ sản. Có chị em trong cơn đau gọi chồng, gọi mẹ, có sản phụ 'bắt đền' chồng để giờ phải chịu đau một mình. Bác sĩ Nguyễn Văn Quyết, công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, còn nhớ sản phụ ở Thái Bình đi đẻ lần đầu nên còn nhiều điều bỡ ngỡ, lo sợ. Mặc áo váy thùng thình của người vượt cạn, sản phụ bước chậm vào phòng đẻ. Chị di từng bước chân như kiểu sắp phải đi đến đoạn đường cùng. Khi bác sĩ yêu cầu cởi váy áo để nằm lên bàn sinh, bà bầu nói: 'Cái bàn đẻ này bé quá, em sợ lúc đẻ đau quá lăn lộn ngã xuống đất thì sao'. Bác sĩ phải trấn an: 'Ở đây chưa bao giờ có chuyện sản phụ ngã xuống đất khi đẻ cả'.
Sản phụ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: L.N
Sản phụ e ngại cởi từng món quần áo sau khi mặc cả với bác sĩ được mặc áo ngực 'để đẻ cho đỡ ngại', nhất khi người đỡ đẻ là bác sĩ nam. Cũng theo bác sĩ, nhiều sản phụ đi đẻ thắc mắc 'sao cả bệnh viện này không có bác sĩ nữ nào?'. Bác sĩ trấn an bệnh nhân: 'Đã đi đẻ sản phụ không nên ngại ngần gì nữa', bác sĩ Quyết cho biết. Cũng theo bác sĩ Quyết, bác sĩ sản khoa nam thì tác phong, thái độ là rất quan trọng. Bác sĩ cần nhẹ nhàng, vui vẻ nhưng phải có tác phong nghiêm túc, không sỗ sàng để bệnh nhân tin tưởng và người nhà bệnh nhân tôn trọng.
Bác sĩ Lê Quang Hòa kể, sản phụ đẻ thường cần rất nhiều sức để rặn đẻ, nhất là khi những cơn gò đến liền nhau. Vì vậy, thay vì la hét gây mất sức, sản phụ nên cố gắng dành sức. 'Trên bàn đẻ, hai tay sản phụ được đặt vào vị trí cố định để nằm chặt, dồn lực xuống phía dưới nhưng cũng có không ít bà bầu không ghìm chặt tay mà huơ lung tung, giơ lên đập xuống rồi la hét', bác sĩ Hòa kể.
Chị Nhung ở Hà Đông, Hà Nội, chuyển dạ, nhập viện và được chỉ định đẻ thường. Trước khi sinh, chị Nhung tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của các mẹ đi trước mách nước nên đã đem vào phòng đẻ vỏ chai nước để bóp giải tỏa cơn đau. Chỉ bóp được vài cái, cảm thấy không có tác dụng, chị vứt đi chai nước lúc nào không hay rồi huơ tay lung tung, bất chợt chị vơ mạnh vào 'chỗ nhạy cảm' của bác sĩ nam đứng bên cạnh. Chỉ khi mẹ tròn con vuông, sức khỏe và tâm lý ổn định trở lại, chị mới cảm thấy xấu hổ vì hành động của mình. Dù ái ngại nhưng các nam bác sĩ cũng coi đó là 'tai nạn nghề nghiệp' mà thôi.
Ngoài việc giúp các sản phụ vượt cạn thành công, các bác sĩ còn phải giải quyết nhiều vấn đề khác bởi sản phụ đẻ xong nhất định không ra viện mà chờ ngày đẹp. Bác sĩ Quyết cho biết, các bệnh viện phụ sản tuyến trên hầu hết đều quá tải nhất là vào những hôm đẹp ngày.
Sản phụ đẻ thường 2 hôm có thể ra viện, còn đẻ mổ thì lâu hơn một chút. Nhiều sản phụ đẻ mổ nên chọn ngày đẹp cho con ra đời và chọn cả ngày đẹp để đưa con về nhà. Khoa dịch vụ D3 Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trung bình mỗi ngày có khoảng 40 sản phụ, có hôm đỉnh điểm lên tới hơn 100 sản phụ hầu hết sinh mổ. Sinh xong, theo dõi 6 tiếng, sản phụ được về phòng thường và gặp con. Bác sĩ tiếp tục kiểm tra sức khỏe của sản phụ và em bé đến khi đủ điều kiện xuất viện.
Theo bác sĩ, có sản phụ đến ngày ra viện thì đưa ra những lý do như 'em đau bụng lắm', hay 'em đi tiểu lạ lắm cho ở lại theo dõi thêm' mà không giải thích được lạ như thế nào. Có sản phụ nói: 'Con em làm sao ấy bác sĩ ạ, nó toàn nhắm mắt, chỉ ti mẹ mới mở mắt' trong khi em bé đang ngủ. 'Chúng tôi biết rõ sản phụ viện lý do để chờ ngày đẹp xuất viện nên phải làm công tác tư tưởng rất kỹ để mẹ con ra viện đúng ngày trong khi có rất nhiều sản phụ khác đang chờ giường trống để nằm', bác sĩ Quyết nói.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!