Một số vấn đề về tiêu hóa có thể khiến bạn bị đau bụng sau khi ăn như táo bón, nhạy cảm thức ăn, dị ứng thức ăn… Đặc biệt, hai trường hợp nhạy cảm thức ăn và dị ứng thức ăn chính là những nguyên nhân phổ biến khiến bạn bị đau bụng nhưng lại rất dễ nhầm lẫn.
Nhạy cảm thức ăn và dị ứng thức ăn đều gây ra những triệu chứng khó chịu không chỉ đối với hệ tiêu hóa mà với toàn cơ thể. Khi bạn biết được sự khác biệt giữa hai tình trạng này, bạn sẽ có thể dễ dàng phòng tránh và đưa ra hướng xử lý phù hợp.
Tại sao bạn hay bị đau bụng sau khi ăn?
Nếu bạn bị đau bụng sau khi ăn một khẩu phần ăn bình thường thì đây có thể xem như dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe. Đa số cơn đau bụng và khó tiêu thường không nghiêm trọng và không nhất thiết phải đưa đến bệnh viện. Đối với các cơn đau nhẹ, bạn có thể mua thuốc tự điều trị đau bụng tại nhà.
Tuy nhiên, nếu bạn bị đau bụng sau khi ăn dữ dội thì có thể bạn đang gặp phải một số bệnh lý tiêu hóa phổ biến như:
1. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản:Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một tình trạng tiêu hóa mãn tính khi đó axit dạ dày quay ngược trở lại vào thực quản. Quá trình trào ngược axit này sẽ gây kích thích niêm mạc thực quản và có thể gây ra tổn thương cho thực quản.
2. Hội chứng ruột kích thích:Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một tình trạng mãn tính phổ biến ảnh hưởng đến ruột già. IBS có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng, chuột rút, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón…
3. Bệnh Crohn:Bệnh Crohn là một bệnh viêm ruột mãn tính nghiêm trọng. Bệnh gây viêm ở các bộ phận khác nhau của đường tiêu hóa, dẫn đến đau dữ dội, tiêu chảy, đi phân có máu cùng các triệu chứng khác. Đây là một căn bệnh nghiêm trọng với các biến chứng có khả năng đe dọa tính mạng.
4. Loét dạ dày:Loét dạ dày là tình trạng những vết loét phát triển ở lớp bên trong dạ dày và phần trên của ruột non (tá tràng). Triệu chứng phổ biến nhất của loét dạ dày là bị đau bụng dữ dội sau khi ăn. Cơn đau này có thể trở nên trầm trọng hơn khi ăn thức ăn cay.
5. Táo bón:Táo bón xảy ra khi phân di chuyển chậm trong đường tiêu hóa và không thể thoát ra ngoài như bình thường. Táo bón mãn tính kéo dài vài tuần có thể gây đau bụng và đầy hơi. Sau khi ăn, cơ thể bạn lại phải cố gắng tiêu hóa thức ăn mới, nên các triệu chứng táo bón có thể trở nên tồi tệ hơn.
6. Nhạy cảm thức ăn:Một số thức ăn kích thích sự không dung nạp trong bộ máy tiêu hóa. Đó là khi cơ thể bạn không thể phân giải thức ăn đúng cách, hoặc cơ thể bạn phản ứng lại với loại thức ăn mà bạn nhạy cảm.
7. Dị ứng thức ăn:Dị ứng thức ăn xảy ra khi cơ thể bạn “xác định nhầm” một loại thực phẩm nào đó là “có hại” và hệ thống miễn dịch khi đó giải phóng các kháng thể để chống lại nó.
Nhạy cảm thức ăn và dị ứng thức ăn là hai vấn đề tiêu hóa phổ biến song lại dễ bị nhầm lẫn do có nhiều biểu hiện giống nhau. Tuy nhiên, nhạy cảm thức ăn liên quan đến quá trình tiêu hóa, còn dị ứng thức ăn lại liên quan đến hệ thống miễn dịch.
Nhạy cảm thức ăn
Ước tính có tới 20% dân số thế giới có thể bị dị ứng thức ăn hay còn gọi là tình trạng không dung nạp được thức ăn. So với dị ứng thức ăn, nhạy cảm thức ăn thường ít gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn gây ra một số triệu chứng khó chịu với người bị ảnh hưởng.
Triệu chứng nhạy cảm thức ăn
Theo Australian NSW Food Authority (Cơ quan Thực phẩm Bang NSW, Úc), sau đây là những triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng nhạy cảm thức ăn:
- Ho
- Sổ mũi
- Đầy hơi
- Đau bụng
- Nổi mề đay
- Cảm giác mệt mỏi
- Viêm đại tràng co thắt
- Chứng đau nửa đầu, nhức đầu
Nguyên nhân nhạy cảm thức ăn
Nhạy cảm thức ăn có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau:
1. Thiếu hụt enzym tiêu hóa
Gần như tất cả các loại thực phẩm đều cần một loại enzyme để cơ thể tiêu hóa đúng cách và hiệu quả. Theo British Allergy Foundation (Tổ chức Dị ứng Anh quốc), thiếu hụt enzyme là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng nhạy cảm thức ăn.
Những người không dung nạp đường sữa (lactose) không có đủ lactase, một loại enzyme phân hủy lactose thành các phân tử nhỏ hơn mà cơ thể có thể hấp thụ qua ruột. Nếu lactose vẫn còn trong đường tiêu hóa thì có thể gây co thắt, đau dạ dày, đầy hơi, tiêu chảy…
2. Phản ứng lại một số hóa chất
Một số hóa chất trong thực phẩm và đồ uống có thể kích thích sự không dung nạp thức ăn và gây đau bụng sau khi ăn. Nhiều amin trong các loại phô mai và caffeine trong cà phê, trà và chocolate có thể là nguyên nhân gây nhạy cảm thức ăn phổ biến. Một số người sẽ dễ nhạy cảm với các hóa chất này hơn so với những người khác.
3. Độc tố có trong thức ăn
Bạn có thể bị đau bụng sau khi ăn các thực phẩm như trứng hoặc thịt sống chưa được nấu chín kỹ. Một số độc chất tự nhiên có trong thức ăn cũng có thể khiến bạn dễ bị tiêu chảy và buồn nôn.
Đậu chưa nấu chín có aflatoxin có thể gây ra các triệu chứng tiêu hóa cực kỳ khó chịu. Đậu nấu chín hoàn toàn không có độc tố. Do đó, một số người có thể gặp phản ứng với đậu sau một bữa ăn nào đó trong khi bình thường thì không thấy triệu chứng gì.
4. Phản ứng với salicylate
Salicylate được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm và hầu hết mọi người có thể tiêu thụ thực phẩm có chứa salicylate mà không bị bất kỳ tác dụng phụ nào. Tuy nhiên, những người không dung nạp salicylate nên tránh những thực phẩm có chứa hàm lượng cao chất này.
Salicylate có mặt trong hầu hết các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, gồm phần lớn các loại trái cây và rau quả, gia vị, thảo mộc, trà và các chất phụ gia. Chất tạo mùi bạc hà, nước sốt cà chua, và các loại trái cây thuộc họ cam có hàm lượng salicylate cực kỳ cao.
Một số dạng nhạy cảm thức ăn thường gặp
1. Nhạy cảm với lactose
Lactase là một loại enzyme được tìm thấy trong ruột, có chức năng phân hủy đường lactose (một loại đường có trong sữa) thành glucose và galactose. Người không có đủ enzyme lactase sẽ không có khả năng tiêu hóa lactose, dẫn đến các triệu chứng không dung nạp lactose.
Người châu Á và châu Phi chỉ sản xuất loại enzyme nói trên với số lượng thấp hoặc hoàn toàn không có loại enzyme tiêu hóa này nên dễ gặp các triệu chứng không dung nạp. Ngược lại, phần lớn người châu Âu có thể dung nạp đường lactose ở mức độ trung bình.
2. Nhạy cảm với histamine
Histamine là một phân tử hình thành trong các thực phẩm đã qua chế biến như thịt ướp muối, phô mai, rượu vang, bia, giấm, dâu tây, cà chua, chocolate…
Các triệu chứng như phát ban, đầy hơi, đau bụng sau khi ăn hoặc tiêu chảy được cho là do rối loạn chức năng của enzyme diamine oxyase (loại enzyme giúp phân hủy histamine).
3. Nhạy cảm với gluten
Gluten là một thành phần chứa trong nhiều loại ngũ cốc (lúa mì, lúa mạch đen, yến mạch) có thể kích hoạt phản ứng tự miễn phức tạp. Tình trạng này còn được gọi là bệnh celiac.
Các triệu chứng ở trẻ em chủ yếu là rối loạn phát triển và các bệnh về đường tiêu hóa trong khi đó ở người lớn là tình trạng thiếu máu hoặc loãng xương. Để điều trị căn bệnh này thì cần phải loại bỏ gluten ra khỏi chế độ ăn uống của mình.
4. Nhạy cảm với sulphite
Một lượng đáng kể sulphite thường được tìm thấy trong rượu vang trắng, champagne… có thể dẫn đến các triệu chứng đau đầu, buồn nôn và hen suyễn.
Cách chữa nhạy cảm thức ăn
Để kiểm tra xem bạn có bị nhạy cảm với loại thực phẩm nào đó không thì bạn có thể đến bệnh viện và làm một số xét nghiệm máu, nội soi hoặc kiểm tra hơi thở.
Khi đi ăn bên ngoài, bạn cũng nên hỏi nhân viên phục vụ về thành phần món ăn. Một số món ăn có thể chứa chất không ghi rõ trên thực đơn khiến bạn không dung nạp được. Khi mua thực phẩm, bạn nên kiểm tra kỹ nhãn thực phẩm xem có chất phụ gia nào gây nhạy cảm thức ăn với mình không.
Ngoài nhạy cảm thức ăn, dị ứng thức ăn cũng sẽ khiến bạn đau bụng sau khi ăn kèm theo các triệu chứng khó chịu từ những thực phẩm tiếp nhận vào cơ thể.
Dị ứng thức ăn
Khác với nhạy cảm thức ăn, dị ứng thức ăn là một phản ứng hệ thống miễn dịch xảy ra ngay sau khi ăn một loại thực phẩm nhất định. Ngay cả một lượng nhỏ thực phẩm gây dị ứng cũng có thể kích ứng các triệu chứng nguy hiểm. Các nghiên cứu cho thấy, hiện nay tình trạng dị ứng thức ăn đang ảnh hưởng khoảng 250 – 550 triệu người ở các nước phát triển và đang phát triển.
Triệu chứng dị ứng thức ăn
Các triệu chứng dị ứng thức ăn bạn có thể trải qua ngay sau khi ăn hoặc sau đó vài giờ đồng hồ:
- Ngứa, nóng rát trong miệng
- Phát ban, ngứa hoặc nổi chàm
- Nhức đầu, chóng mặt và muốn ngất
- Khó thở, thở khò khè hoặc nghẹt mũi
- Đau bụng sau khi ăn, tiêu chảy, buồn nôn
- Sưng môi, mặt, lưỡi, cổ họng và một số bộ phận khác
Nguyên nhân dị ứng thức ăn
Bạn có thể bị dị ứng thức ăn bởi các nguyên nhân bên dưới:
Dị ứng xuất phát từ miễn dịch
Khi bạn bị dị ứng thức ăn, hệ thống miễn dịch của bạn xác định nhầm một loại thực phẩm hoặc một chất nào đó trong thực phẩm là có hại cho cơ thể.
Khi bạn ăn một lượng nhỏ thực phẩm đó, kháng thể IgE sẽ phát hiện ra và báo hiệu hệ thống miễn dịch của bạn giải phóng một hóa chất gọi là histamine cũng như các hóa chất khác vào trong máu. Những hóa chất này sẽ gây ra triệu chứng dị ứng.
Các yếu tố nguy cơ của dị ứng thức ăn
Bạn sẽ tăng nguy cơ dị ứng thức ăn nếu thuộc các trường hợp sau đây:
• Gia đình có người bị dị ứng thức ăn: Các nhà khoa học tin rằng một số loại dị ứng thức ăn có thể là do gen di truyền từ cha mẹ. Ví dụ như trong gia đình có cha mẹ hoặc anh chị em bị dị ứng đậu phộng thì nguy cơ trẻ bị dị ứng đậu phộng hoặc các loại dị ứng khác sẽ cao gấp 7 lần so với những trẻ khác.
• Đã từng bị dị ứng khác:Nếu bạn đã dị ứng với một loại thực phẩm nào đó thì bạn có nguy cơ cao có thể mắc dị ứng với một loại thực phẩm khác. Tương tự, nếu bạn từng bị các loại dị ứng khác như dị ứng phấn hoa hoặc viêm da dị ứng thì nguy cơ dị ứng thức ăn của bạn cũng sẽ cao hơn.
• Mắc bệnh hen suyễn: Bệnh hen suyễn và dị ứng thức ăn thường xảy ra cùng nhau. Trong trường hợp đó, cả hai triệu chứng dị ứng thức ăn và hen suyễn nhiều khả năng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
• Trẻ bị dị ứng thức ăn: Dị ứng thức ăn thường xuất hiện ở trẻ em, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Theo thời gian, trẻ dễ hết dị ứng với sữa, đậu nành, lúa mì và trứng. Tuy nhiên, dị ứng với một số loại hạt và hải sản nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng trẻ đến suốt cuộc đời.
Một số dạng dị ứng thức ăn thường gặp
Dưới đây là danh sách những loại thực phẩm dễ gây dị ứng nhất cho cơ thể có thể khiến bạn bị đau bụng sau khi ăn.
1. Dị ứng sữa bò
Dị ứng sữa bò thường là do các protein có trong sữa. Loại dị ứng này hay xuất hiện rất sớm ở trẻ sơ sinh và 90% sẽ biến mất ở trẻ sau 3 tuổi.
Bạn có thể thay thế protein sữa bò bằng các nguồn protein khác như protein thực vật (đậu nành hoặc gạo) để hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ.
2. Dị ứng trứng
Trứng, đặc biệt là một số protein được tìm thấy trong lòng trắng trứng, có thể gây ra phản ứng dị ứng thường thấy ở trẻ em hơn ở người lớn. Dị ứng này chiếm 30% dị ứng thức ăn ở trẻ em dưới 15 tuổi nhưng thường sẽ biến mất vào khoảng 4 đến 7 tuổi.
Dị ứng trứng có thể là vĩnh viễn và chiếm 7% dị ứng thực phẩm ở người lớn.
3. Dị ứng đậu phộng
Dị ứng đậu phộng là một trong những dị ứng thực phẩm nguy hiểm nhất vì có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Tỷ lệ dị ứng đậu phộng liên tục gia tăng và đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua.
Nhiều nghiên cứu cho thấy dị ứng đậu phộng sẽ không thể biến mất khi trưởng thành. Nếu phát hiện bị dị ứng, bạn hãy tránh xa loại hạt này để không gặp nguy hiểm đến tính mạng.
4. Dị ứng lúa mì
Dị ứng lúa mì xảy ra do protein có trong lúa mì và loại dị ứng này phổ biến ở trẻ em hơn so với ở người lớn. Các triệu chứng dị ứng lúa mì ở người lớn thường xuất hiện ngay sau khi ăn, hoặc cũng có trường hợp đến 5–6 giờ sau đó mới có triệu chứng.
Lúa mì có mặt trong rất nhiều loại thực phẩm nên rất khó để loại bỏ nó hoàn toàn khỏi chế độ ăn uống hàng ngày.
5. Dị ứng các loại hạt
Một số loại hạt như hạt óc chó, hạnh nhân, hạt dẻ cười (hồ trăn)… là những thực phẩm gây dị ứng phổ biến. Trong hầu hết trường hợp, dị ứng hạt sẽ tồn tại trong suốt cuộc đời bạn.
Cũng như các loại dị ứng khác, bạn nên loại bỏ các loại hạt mình bị dị ứng ra khỏi chế độ ăn hàng ngày để tránh những triệu chứng khó chịu.
6. Dị ứng cá và hải sản
Cá, sứa, tôm, cua và một số loại hải sản khác cũng dễ kích thích dị ứng trong cơ thể. Những người dị ứng với cá không chắc cũng sẽ bị dị ứng với hải sản và ngược lại. Tuy nhiên, tình trạng phổ biến là một số người có thể bị dị ứng với nhiều loại cá khác nhau.
Cá và hải sản thường được chế biến thành nhiều món hấp dẫn và có giá trị dinh dưỡng cao nhưng bạn nên tránh xa chúng để không bị ngứa miệng, nổi mề đay hoặc đau bụng sau khi ăn.
Cách phòng tránh dị ứng thức ăn
Bạn nên chẩn đoán xem mình bị dị ứng với loại thức ăn nào bằng cách thực hiện xét nghiệm dị ứng da (test lẩy da) hoặc xét nghiệm máu để phát hiện thành phần thức ăn gây dị ứng.
Cách đơn giản nhất để tránh bị dị ứng thức ăn là loại bỏ hoặc cắt giảm thực phẩm đó từ từ khỏi chế độ ăn của bạn. Khi bị dị ứng thức ăn, cơ thể bạn có nguy cơ cao bị sốc phản vệ nên hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc epinephrine tự tiêm để bảo vệ mình nhé.
Nếu thấy mình có dấu hiệu bị đau bụng sau khi ăn nghi ngờ do dị ứng thức ăn hoặc nhạy cảm thức ăn thì bạn nên sớm gặp bác sĩ để được chẩn đoán. Không phải trường hợp nào bạn cũng sẽ phải loại bỏ hoàn toàn thực phẩm đó ra khỏi chế độ ăn của mình. Các bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên cần thiết để phòng tránh dị ứng hoặc nhạy cảm thức ăn mà vẫn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
Tuyết Trinh | HELLO BACSI
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Những lưu ý khi dùng thuốc kháng histamin trị dị ứng
- 9 liệu pháp tự nhiên giúp bạn trị chứng dị ứng
- Những thông tin hữu ích về dị ứng thức ăn
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!