Nhiễm trùng da nặng sau khi xóa xăm tại cơ sở thẩm mỹ tư nhân

Sống khỏe mạnh - 04/26/2024

Các bác sĩ BV Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận trường hợp nam thanh niên 29 tuổi vào viện vì loét da, chảy mủ trên nền vết xăm cũ vùng vai phải. Đây là dấu hiệu của nhiễm trùng trên nền tổn thương loét tương đối sâu do thực hiện xóa xăm không đúng kỹ thuật...

Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết vì yêu cầu công việc cần phải xóa hình xăm cũ trên vai phải nên đã tới cơ sở thẩm mỹ tư nhân tại TP. Ninh Bình, thực hiện thủ thuật xóa xăm 2 lần bằng máy nhưng không rõ loại máy gì.

Sau thủ thuật, bệnh nhân xuất hiện sưng nề, tấy đỏ, đau rát, ngày sau xuất hiện các vết trợt, loét, chảy mủ tại vị trí xóa xăm, kèm theo đau nhiều, sốt và phải nhập viện tại Bệnh viện Da liễu Trung ương để điều trị.

Sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện tổn thương là các vết loét bờ rõ, đáy vàng bẩn, chảy mủ, khu trú dọc theo vết xăm, một số chỗ đóng vảy tiết dày màu nâu đen.

Theo ThS.BS Vũ Thị Phương Dung – Khoa Điều trị bệnh da nam giới, người trực tiếp điều trị trường hợp này, đây là dấu hiệu của nhiễm trùng trên nền tổn thương loét tương đối sâu do thực hiện xóa xăm không đúng kỹ thuật, đồng thời công tác vô khuẩn trong và sau khi làm thủ thuật không tốt. Hiện tượng này xảy ra khá phổ biến tại các cơ sở không uy tín, không được cấp phép, không có đầy đủ điều kiện chuyên môn, dụng cụ và vệ sinh vô khuẩn.

Nhiễm trùng da nặng sau khi xóa xăm tại cơ sở thẩm mỹ tư nhânCác vết loét có mủ, đóng vảy tiết dọc theo dấu vết xóa xăm ở vùng vai phải.

BSCKII. Đào Hữu Ghi - Trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới cho biết, ngoài biến chứng nhiễm khuẩn, việc làm thủ thuật không đảm bảo vệ sinh còn tiểm ẩn nguy cơ lây nhiễm các bệnh xã hội khác. Vì vậy, người dân phải rất thận trọng và lựa chọn những cơ sở uy tín để thực hiện xóa xăm hay các thủ thuật thẩm mỹ khác.

Xăm (tattoo) đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây, nó như một công cụ để thể hiện cá tính, làm đẹp, hay thể hiện quan điểm tôn giáo,… Phát triển cùng xu hướng tattoo thì nhu cầu xóa xăm cũng ngày càng phát triển vì lí do cá nhân hay xã hội nào đó.

Hiện nay, có rất nhiều cơ sở thực hiện xóa xăm bằng các thủ thuật khác nhau như đốt điện, laser,… Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng đảm bảo an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân, dễ gặp các biến chứng sẹo lồi, sẹo xấu, nhiễm khuẩn tại chỗ,...

Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần đến các cơ sở y tế uy tín, có chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện dịch vụ trong điều kiện vô trùng, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Hiện nay, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương đã ứng dụng công nghệ Laser hiện đại, trên cơ sở lựa chọn bước sóng phù hợp với từng loại mực xăm với độ rộng xung ngắn nano giây hạn chế biến chứng tối đa, phòng tránh tổn thương quá sâu gây loét, sẹo. Tùy theo loại mực xăm, màu mực xăm và độ sâu mà khách hàng cần số lần làm thủ thuật khác nhau.

Theo BS. Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, BV Da liễu Trung ương, rủi ro hay gặp nhất khi xăm là rủi ro về nhiễm trùng, nếu làm thủ thuật này trong môi trường không được vô trùng thì rất dễ bị nhiễm trùng (hay nhiễm nhất là Herpes), lây nhiễm viêm gan b, HIV. Ngoài ra, các khuẩn liên cầu tụ cầu, tình trạng viêm mủ trên da cũng rất dễ gặp phải ở những người phun xăm tại các cơ sở không đảm bảo điều kiện về y tế.

Nguy cơ thứ 2 là tạo sẹo, bản chất của xăm là thủ thuật xâm lấn nên có nguy cơ nhất định về sẹo, đặc biệt những trường hợp bị nhiễm trùng dễ để lại sẹo xấu. Tuy nhiên, việc tạo sẹo ở mỗi người là khác nhau, và tuỳ từng vị trí cơ thể chẳng hạn vùng góc hàm, ngực, vai dễ bị sẹo lồi hơn là vùng mặt, mắt, môi.

Một trong những nguy cơ đáng lo ngại nhất là phản ứng dị ứng, trong đóđặc biệt đáng sợ là sốc phản vệ. Chất sử dụng để xăm được đưa vào da và gây các phản ứng tại chỗ. Các phản ứng dị ứng có thể xảy ra chậm như viêm da tiếp xúc, tạo u hạt. Một số người sau xăm môi liên tục gây tình trạng khô môi bong vảy, tạo hạt nhỏ, u hạt quanh vùng xăm do cơ thể phản ứng lại mực xăm đó, đây là phản ứng chậm.

Còn các phản ứng xảy ra nhanh như phản ứng ngoài da nổi ban đỏ, ngứa mày đay, khó thở, các triệu chứng về tiêu hoá, tai biến, hôn mê. Đặc biệt đáng sợ nhất là sốc phản vệ nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!