Không nhái giọng địa phương
Có câu 'chém cha không bằng pha tiếng', dù có ác ý hay chỉ là lời bông đùa thì tuyệt đối bạn cũng đừng dại dột nhái giọng địa phương của bất kì ai. Hành động này kém lịch sự vô cùng, nó như sự bỡn cợt về nguồn gốc của họ, và nếu là bạn thì liệu bạn có dám chắc rằng mình không nổi điên lên?
Tôn trọng sự riêng tư của người khác
(Ảnh: Internet)
Đó có thể là lá thư, là tin nhắn, nhật kí... của ai đó, có thể là bạn trai, chị em hay bố mẹ nhưng nếu chưa được phép thì tuyệt đối đừng táy máy, xem trộm nhé. Điều này thể hiện sự thiếu tôn trọng của bạn đến những người xung quanh, đừng ngụy biện bằng việc 'tôi chỉ xem thôi và không nói cho ai biết đâu', chỉ xem cũng đa là hành động không thể chấp nhận được rồi chứ đừng ngụy biện đến việc không kể cho ai. Và bạn nghĩ sao khi sự riêng tư của mình cũng bị thọc mạch như thế?
Nói chuyện với khẩu ngữ 'dạy đời'
Các khẩu ngữ kiểu 'hiểu chưa', 'biết chưa' luôn mang hàm ý lên mặt, dù là bạn dùng nó để nói chuyện với người nhỏ tuổi hơn thì cũng chẳng hay chút nào. Nó tỏ thái độ trịch thượng, kém tôn trọng người khác đấy.
Đừng nhổ thức ăn đã cho vào miệng rồi
Nhất là trên bàn ăn đông người, hành động này sẽ khiến người xung quanh cảm thấy ghê tởm, mất vệ sinh và có thể họ sẽ không tiếp tục bữa ăn được nữa luôn. Nếu thức ăn không vừa ý hoặc bạn bị mắc xương... hãy cúi xuống và dùng một miếng giấy để nhổ ra, sau đó đem đi vứt nhé.
Không ngắt lời người khác
(Ảnh: Internet)
Hay còn được gọi là 'nói leo', dù rằng bạn cùng người đó đang có những quan điểm tranh luận gay gắt, và bạn muốn bảo vệ ý kiến của mình thì cũng hãy đợi họ nói hết rồi hãy từ tốn đáp trả nhé. Nói leo, nhảy bổ vào họng người khác vừa cho thấy bạn là người bất lịch sự lại còn không kiểm soát được hành vi của mình.
Biết nói lời xin lỗi và cảm ơn đúng lúc
Hai từ này nghe có vẻ đơn giản nhưng thực hành chúng có lẽ rất khó với nhiều người. Đôi khi vì cái tôi quá lớn, người ta chẳng chịu mở lời xin lỗi với ai, và cũng như kẻ kiệm lời cảm ơn vì nghĩ những điều người khác làm cho mình là hiển nhiên thì đều không phải người văn hóa dù có học cao đến đâu. Xin lỗi và cảm ơn là hai từ ngữ đơn giản nhưng đủ để đánh giá nhân cách một con người rồi đấy.
Không cười nói quá lớn và nhìn chòng chọc vào người khác
Cười nói lớn tiếng sẽ gây ảnh hưởng đến bầu không khí và mọi người xung quanh nhiều hơn bạn nghĩ đấy. Chẳng ai lại muốn bị làm phiền bởi tiếng cười không biết tiết chế âm lượng của bạn đâu. Và tương tự, nhìn chòng chọc vào một người không hề lịch sự gì cả, nó khiến cho người bị nhìn cảm giác như sắp sửa bị bạn ăn tươi nuốt sống.
Tuân thủ các quy tắc cơ bản trên bàn ăn
(Ảnh: Internet)
Đừng dùng đũa khuấy cả dĩa thức ăn lên chỉ để gắp được thứ mình thích, bạn ăn một mình thì muốn thế nào cũng được, nhưng ngồi với người khác thì chắc chắn họ sẽ nhìn bạn với ánh mắt viên đạn cho mà xem. Ai đời cùng ngồi ăn mà bạn lại bới cả dĩa thức ăn xào xáo lên chỉ để thỏa mãn mình, còn người khác như ăn đồ cặn thế? Một vài điểm lưu ý khác nữa là nếu bạn ngồi gần bát canh, hãy chủ động xới cho mọi người, vá canh sau khi múc cũng cần đặt úp lại nhằm tránh bị trượt rớt hẳn vào tô canh.
Những điều trên tuy rất đơn giản nhưng đôi khi chúng ta vô tình quên mất, khiến hình ảnh mình trở nên xấu xí nhiều trong mắt người đối diện. Làm người lịch sự, văn minh không hề khó đâu, chỉ cần bắt đầu từ những bước nhỏ này thôi là bạn đã trở nên tuyệt vời trong mắt nhiều người rồi.
(Tổng hợp)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!