Ngãng tai vì thói quen nghe nhạc
Chị Vũ Thúy Châm (31 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) đi khám thính lực do nghe khó. Chị được bác sĩ chẩn đoán bị suy giảm thính lực tới 35 %. Chị Châm kể có thói quen đeo tai nghe nhạc khi đi làm hay bất cứ khi nào rảnh. Chị Châm cảm nhận chỉ làm việc được khi đeo tai nghe để giảm các tiếng ồn khác xung quanh mình.
Khi bác sĩ đo âm lượng nhạc chị Châm vẫn nghe thường ngày đã 90 dB, với cách nghe nhạc như thế này bác sĩ cho biết chị đang giết chính đôi tai của mình.
Chính vì thế, thời gian gần đây ai nói chuyện chị Châm vẫn phải hỏi lại là gì. Lúc nào chị cũng bị mẹ mắng nghễnh ngãng dù mới 30 tuổi.
Không riêng chị Châm, anh Đỗ Văn Quý (29 tuổi, quê Thái Bình) đến khám vì anh thường thấy ù tai và khó nghe. Anh Quý làm công nhân đứng máy nhà máy dệt. Suốt ngày tiếp xúc với cường độ âm thanh lớn.
Anh Quý tâm sự thậm chí ở nhà vợ anh nói anh cũng phải hỏi lại. Khi xem ti vi anh mở rất to mới nghe thấy được.
Nghe nhạc to, thói quen xấu ảnh hưởng tới tai
Trước đây, mẹ anh Quý mở ti vi to thường bị anh phàn nàn xem tiếng to quá thì giờ đây anh còn mở ti vi tiếng to hơn.
Nhiều lần nói chuyện với mọi người anh vẫn phải hỏi đi hỏi lại lần thứ 2, thứ 3 mới nghe rõ nếu không sẽ nghe nhầm. Tình trạng này khiến anh luôn lo lắng 'điếc sớm'.
Đặc biệt, trong thời gian qua có đồng nghiệp của anh đi khám cũng được chẩn đoán suy thính lực cấp. Anh Quý vội vàng đi kiểm tra.
Bác sĩ đo thính lực của anh Quý không đáp ứng với các âm thanh khoảng 45 db. Âm thanh anh Quý tiếp xúc hàng ngày đều nằm trong tình trạng ô nhiễm tiếng ồn nặng lên tới trên 85 db.
Thói quen xấu ảnh hưởng tai
PGS Nguyễn Thị Hoài An– Bệnh viện Đa khoa An Việt cho biết, các nghiên cứu gần đây đều chỉ ra rằng giới trẻ hiện nay có nguy cơ lão hóa thính lực sớm. Do môi trường ô nhiễm tiếng ồn, tiếng còi xe, máy nổ và đặc biệt thói quen đeo tai nghe đang là những tác nhân khiến thính lực bị 'teo'.
PGS Anđã từng gặp có nhiều người trẻ chỉ 13 – 14 tuổi cũng không thể nghe được những âm thanh cơ bản. Cô giáo nói trẻ không hiểu và khi đến khám thì mức độ đáp ứng âm thanh rất kém.
Hỏi thói quen của người bệnh thì bố mẹ cho biết cháu thích nghe nhạc bằng tai nghe, vừa nghe vừa hát, nhảy và giới trẻ cảm thấy thích thú, hứng phấn với thói quen đó.
PGS Nguyễn Thị Hoài An - khám cho bệnh nhân.
Tiếp xúc trong một âm lượng cao trên 85dB ảnh hưởng nặng tới khả năng nghe. Âm thanh to trong một thời gian dài làm hại tới tế bào lông của phần tai trong, thậm chí làm cho tế bào lông bị chết, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thính giác.
Âm thanh quá lớn làm giảm độ nhạy cảm, tăng ngưỡng nghe, ảnh hưởng đến quá trình làm việc an toàn. Không những thế, tiếng ồn lớn còn tác động tới các cơ quan khác như hệ thần kinh trung ương gây kích thích, ảnh hưởng xấu đến não bộ, gây chứng đau đầu, chóng mặt, sợ hãi, giận dữ vô cớ.
Đối với hệ tim mạch, tiếng ồn làm rối loạn nhịp tim và sự tuần hoàn máu, làm tăng huyết áp. Tiếng ồn có thể khiến rối loạn quá trình tiết dịch và tăng axit trong dạ dày, làm rối loạn sự co bóp, gây viêm loét dạ dày.
Người bệnh luôn cảm thấy căng thẳng dẫn đến những chứng bệnh thần kinh như trầm cảm hay lo lắng vô cớ, tăng thêm nguy cơ các bệnh về tim mạch và hệ tuần hoàn.
Ngưỡng nghe an toàn của tai là dưới 80 dB, chính vì thế, Tổ chức y tế thế giới đã khuyên mọi người không nên sử dụng thiết bị nghe nhạc cá nhân với tai nghe trong một giờ mỗi ngày và chỉ nghe với mức âm lượng vừa phải.
Với những người làm việc trong môi trường âm thanh lớn như thợ vận hành máy, phòng hát, vũ trường nên sử dụng nút tai để giảm âm lượng trong điều kiện ồn ào và thường xuyên kiểm tra sức khỏe thính giác để đảm bảo tình trạng thính giác tốt nhất.
Décibel (dB) là đơn vị đo tiếng ồn, các mức âm lượng theo dB được tính như sau:
0-20 dB - Gió vi vu qua lá cây được xem là trạng thái yên tỉnh
30 dB - Thì thầm (trong phòng ngủ)
40 dB - Tiếng nói chuyện bình thường
50 dB - Tiếng máy giặt, ồn ở siêu thị, có gây phiền nhưng còn chịu được
55 dB -80 dB - Động cơ xe hơi, xe máy, gây khó chịu, mệt mỏi
80 dB - 85 dB - Máy cắt cỏ, hút bụi, cắt gỗ, làm rất khó chịu
90 dB - 100 dB - phát ra ở Công trường xây dựng, ồn ở mức nguy hiểm
120dB - 140 dB - Máy bay lúc cất cánh, ồn quá lớn gây tổn thương tâm trí.
Những người phải làm việc bằng nghe, đeo tai nghe sau 30 phút nên bỏ tai nghe để thính lực được thư giãn và nên hạn chế nghe nhạc to càng nhiều càng tốt.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!