Nhiều thông tin bất ngờ về căn bệnh khiến nhiều người mắc và tử vong hơn cả ung thư

Thời sự - 11/24/2024

Căn bệnh này xảy ra ở tất cả các lứa tuổi, khác với những quan điểm trước đó cho rằng: Bệnh chỉ có ở người già.

1. Nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế

Hiện nay, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 sau bệnh lý tim mạch và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế trên thế giới, là gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội.

Theo thống kê gánh nặng bệnh tật toàn cầu (2016), có khoảng 80,1 triệu người trên thế giới hiện mắc đột quỵ ở các lứa tuổi (chiếm khoảng 1,1% dân số), tỉ lệ nữ/nam: 1,05/1.

2. Số mắc hàng năm cao gần gấp đôi so với ung thư

Tại châu Âu, có 90-290/100.000 người đột quỵ mới mắc hàng năm. Ở Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ngày một gia tăng và trẻ hóa. Mỗi năm có hơn 230.000 người bị đột quỵ, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.

Nhiều thông tin bất ngờ về căn bệnh khiến nhiều người mắc và tử vong hơn cả ung thư

Cấp cứu một ca đột quỵ não ở người trẻ tuổi tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Ảnh: V.Thu

Trong khi đó, theo GLOBOCAN 2018, ở Việt Nam 2018 có 165.000 ca ung thư mới và 115.000 ca tử vong vì ung thư. Hơn 300.000 bệnh nhân đang sống chung với ung thư.

3. Có tới 25% ca đột quỵ não xảy ra ở người trẻ tuổi

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội – Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Đột quỵ não gia tăng theo lứa tuổi, trước đây đột quỵ não thường xảy ra ở những người cao tuổi, nhưng ngày nay có khoảng 25% ca đột quỵ lại xảy ra ở những người trẻ tuổi.

Thực tế đã có những trường hợp trẻ chỉ mới 10 tuổi, 12 tuổi đã bị đột quỵ não sau một cơn đau đầu dữ dội.

Đột quỵ ở người trẻ đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động: Tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua. Đặc biệt đối với những người lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tình trạng 'béo phì văn phòng'

4. Bệnh có thể phòng ngừa

BS Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Việt Đức cho hay tập thể dục thể thao đều đặn, thường xuyên rất quan trọng, giúp kiểm soát cân nặng, giảm lượng mỡ thừa trong máu, tăng cường sức bền cũng như sức chịu đựng của quả tim và các thành mạch máu. Đồng thời khi chúng ta vận động, nguy cơ hình thành các cục huyết khối (là một trong các nguyên nhân gây tai biến) cũng giảm đi rõ rệt.

Theo khuyến cáo, trung bình mỗi người hãy dành ít nhất 30 phút/ngày, 150 phút/tuần để vận động thể lực phù hợp giới tính, sở thích, độ tuổi, tình trạng bệnh tật.

Những người bị cao huyết áp, đái tháo đườngcần được điều trị và theo dõi chặt bởi bác sĩ chuyên khoa. Đây là hai trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của tai biến mạch não. Đặc biệt, với bệnh nhân tăng huyết áp, trời lạnh như hiện nay là yếu tố thuận lợi để gây bệnh đột quỵ. Bên cạnh đó, bệnh nhân bị rung nhĩ, tăng lipid máu cũng cần được bác sĩ tim mạch theo dõi.

Thuốc lá và rượucũng là hai trong số những yếu tố nguy cơ hàng đầu làm cho các thành mạch bị tổn thương, giảm sức bền, dễ bị vỡ. Từ bỏ thuốc lá là cách phòng bệnh hữu hiệu.

Nên hạn chế ăn mặn, chỉ nên ăn dưới 5 gam muối/ngày, tương đương một thìa cafe muối. Đây là nguyên nhân chính gây tăng huyết áp, là 'kẻ giết người thầm lặng' có thể là nguy cơ đột quỵ.

Các món được chế biến xào - rán - quay - nướng, đồ ngọt, đồ uống có đường, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, dưa cà, mỳ tôm... cũng nên hạn chế.

Nên ưu tiên chế biến thức ăn bằng luộc, hấp, nấu canh, kho nhạt và ăn sống kiểu salad (nếu đảm bảo vệ sinh). Chế độ ăn nên ưu tiên các loại cá tươi, gia cầm, các loại đậu, rau xanh và trái cây.

Giấc ngủ đủ ít nhất 6 tiếng/ngày rất tốt cho sức khoẻ, dự phòng được căn bệnh đột quỵ. Tuy nhiên, nếu ngủ nhiều (trên 10 tiếng/ngày) cũng không tốt cho sức khoẻ và làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não.

Để giúp người dân hiểu rõ hơn về cách phòng, chăm sóc và điều trị các bệnh lý tai biến mạch máu não, ngày 21-22/12, Bệnh viện Việt Đức sẽ tổ chức chương trình Khám, tư vấn miễn phí về các bệnh lý tai biến mạch máu não như: Nhồi máu não, Xuất huyết não, Di chứng tai biến mạch máu não.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!