Ép bụng, lăn lu khi trẻ đuối nước; cầm chân dốc ngược trẻ lên khi sặc sữa; bắt trẻ nuốt cơm, chuối, xôi... khi mắc xương; bó thuốc không rõ nguồn gốc khi có tổn thương xương... Đó là vài cách trong vô số kiểu 'sơ cứu' lạ đời khiến các bác sĩ (BS) nhi khoa phải 'kêu trời' khi tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng còn nặng nề hơn lúc bị tai nạn.
Bỏng cả vùng bụng vì chiếc lu!
'Có trường hợp người lớn vớt trẻ bị đuối nước lên rồi đốt nóng một cái lu, đặt trẻ lên đó với hy vọng chiếc lu nóng sẽ... hút nước khỏi người em bé, dân gian gọi cách này là 'lăn lu'. Không rõ nước có hút ra được hay không, chỉ biết là khi trẻ vào đến bệnh viện (BV), chúng tôi vừa phải cấp cứu đuối nước vừa phải cấp cứu bỏng! Nhiều em bé được sơ cứu theo cách này đã bỏng cả vùng bụng vì chiếc lu' - BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), kể lại.
Đó chỉ là một trong những trường hợp sơ cứu sai mà BS Tiến và các đồng nghiệp đã gặp tại khoa. Cách đây không lâu, một đứa bé mới 10 tháng tuổi ở quận Phú Nhuận, TP HCM cũng vào viện trong tình trạng nguy ngập không chỉ vì đuối nước quá lâu mà còn bị viêm phổi hít. Chứng viêm phổi hít nguy hiểm này thực ra xuất phát từ một động tác đơn giản: người mẹ lúc hoảng loạn đã sơ cứu cho trẻ bằng cách thức từng được 'nghe đâu đó' là ấn bụng mạnh để nước trào ra, bé sẽ thở lại.
Thế nhưng, thao tác này không những không hiệu quả trong việc hồi sinh tim phổi mà còn khiến dịch dạ dày bị trào ngược lên, đi vào đường thở và gây ra viêm phổi hít. May mắn là một người hàng xóm đã kịp thời chạy qua ấn tim, thổi ngạt đúng cách cho cháu bé và đưa ngay vào BV. Sau gần 2 tuần điều trị, bé đã khỏe lại.
Một tai nạn nhỏ nhưng có thể để lại hậu quả lớn mà trẻ hay mắc phải nữa là mắc xương cá, xương gà... khi ăn. Trong nhiều tình huống, phụ huynh cho rằng trẻ không biết cách khạc ra nên tốt nhất là dùng chuối hay một muỗng cơm, xôi lớn cho cháu nuốt trọng để hy vọng xương trôi xuống.
Một cháu bé bị tai nạn đuối nước được cứu sống nhờ sự sơ cứu đúng cách của một người hàng xóm và các biện pháp chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Nhi Đồng 1
'Thật ra, cách nuốt này chỉ có hiệu quả với một số xương nhỏ, có khả năng trôi vào dạ dày và có thể bị dịch dạ dày phân hủy. Với các xương lớn hơn, việc nuốt (cơm, xôi...) vào có thể dẫn đến nguy cơ xương bị găm vào sâu hơn và làm tổn thương đường tiêu hóa nhiều hơn. Xương càng mắc sâu, việc lấy ra càng phức tạp. Động tác khạc ra cũng chưa chắc tốt vì dễ làm co thắt thực quản, khiến xương đâm sâu hơn nên tốt nhất là hãy đến BS' - BS Vũ Hải Long, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng BV Nhân dân 115 (TP HCM) khuyên.
Một số em bé khác bị tai nạn gãy xương, trật khớp thì lại được người nhà bó lại bằng lá, thuốc, băng... vì nghĩ xương con nít dễ lành hơn người lớn. Theo các bác sĩ chuyên khoa, dù khả năng hồi phục và tự điều chỉnh tổn thương xương khớp của trẻ nhỏ tốt hơn người lớn thật nhưng có những tổn thương không thể tự phục hồi. Nhiều trẻ phải nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng vết thương sau bó thuốc do người nhà 'tự xử' theo kinh nghiệm dân gian.
Xử lý đúng không khó
Theo BS Tiến, thực ra, việc sơ cứu những tai nạn thường gặp cho trẻ không quá khó khăn. Ví dụ, với tình trạng bị ngạt nước, nếu tìm cách lay gọi mà trẻ không khóc, không có phản ứng và nghi ngờ ngưng tim, ngưng thở thì có thể dùng lực của một bàn tay để ấn tim (thay vì lực 2 bàn tay như người lớn), ấn ở vị trí cuối xương ức và với công thức 30-2 (30 nhịp ấn tim, 2 lần thổi ngạt). Ngưng tim vì điện giật hay các lý do khác cũng sơ cứu theo cách tương tự.
Với các trường hợp bị sặc sữa vốn phổ biến, nhiều người thân cũng mắc sai lầm khi tìm cách dốc ngược trẻ lên. Đúng ra, nên đặt nghiêng trẻ 10 giây, nếu không có kết quả thì áp dụng phương pháp vỗ lưng, ấn ngực: đặt trẻ nằm sấp vỗ lưng 5 lần, rồi lại lật ngửa lên, ấn ngực 5 lần. Nếu làm 10 lượt như vậy mà trẻ vẫn ngưng tim, ngưng thở thì nên tiến hành ấn tim, thổi ngạt như cách cấp cứu ngưng tim, ngưng thở.
Nên lưu ý trong trường hợp trẻ ngưng tim, ngưng thở thì biện pháp ấn tim, thổi ngạt cần được duy trì cho đến khi trẻ thở lại hoặc cho đến lúc nhập viện. Trường hợp trẻ đã thở lại cũng nên theo dõi sát khi di chuyển, đề phòng tình huống trẻ lại ngưng tim, ngưng thở.
Sặc, nghẹn vì… vừa ăn vừa chơi
Sặc, nghẹn thức ăn cũng là dạng tai nạn hay gặp ở trẻ nhưng thực ra phòng tránh không khó. Ở nhiều gia đình, trẻ khi ăn thường được 'ưu tiên' vừa ăn vừa chơi đồ chơi, xem phim, thậm chí… chạy lòng vòng chứ không ngồi vào bàn.
Theo BS Vũ Hải Long, việc trẻ không tập trung khi ăn uống là nguyên nhân chủ yếu của việc hay bị sặc, nghẹn hơn so với người lớn, vì sự thiếu tập trung dẫn đến hiện tượng rối loạn cơ nuốt.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!