Giả thuyết cho rằng số lượng và chất lượng tế bào gốc trong cơ thể con người tỷ lệ nghịch với sức khoẻ và lão hoá.
Ở cùng một độ tuổi, có người trẻ trung và khoẻ mạnh; có người lại già và ốm yếu hơn. Đó là vì quần thể tế bào gốc trong cơ thể họ khác nhau. Người trẻ trung, khoẻ mạnh có quần thể tế bào gốc được duy trì tốt hơn.
Từ giả thuyết này, có thể suy ra rằng nếu có cách nào đó để bảo vệ chất lượng và số lượng tế bào gốc trong cơ thể, con người có thể 'trẻ mãi không già' và khoẻ mạnh hơn.
Một cách làm hợp tự nhiên và ít nguy hiểm đó là thay đổi thói quen, lối sống và chế độ dinh dưỡng.
(Tuy nhiên cần lưu ý trên thị trường hiện nay có nhiều quảng cáo hấp dẫn về việc bổ sung tế bào gốc cho cơ thể bằng cách tiêm/cấy ghép tế bào gốc từ bên ngoài vào.
Đây là một quy trình y học nên cần được thử nghiệm trước khi sử dụng và phải tuân theo nhiều quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân).
Người Hồi giáo đã áp dụng từ rất lâu
Thật ngạc nhiên là nhịn đói CÓ THỂ là một trong những cách giúp bảo trì tế bào gốc trong cơ thể. Đây là kết quả của một công trình nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Cell Stem Cell cách đây ít tuần.
Theo định nghĩa của Wikipedia, nhịn đói (từ gốc tiếng Anh là fasting) là nhịn hay giảm bớt một vài hoặc tất cả thức ăn và thức uống trong một chu kỳ nhất định.
Ví dụ, trong tháng ăn chay Ramadan, người Hồi giáo chủ động nhịn đói từ khi mặt trời lên đến khi mặt trời lặn. Nhịn đói đã trở thành một dạng nghi lễ trong nhiều tôn giáo lớn và được con người thực hiện cả ngàn năm nay.
Tuy vậy, chỉ vài năm trở lại đây, nhịn đói mới trở thành một trào lưu khá phổ biến, một phương pháp đem lại nhiều kết quả tích cực như: Giúp giảm cân, giảm nguy cơ tiểu đường, kéo dài tuổi thọ, v.v...
Nếu tìm kiếm với thuật ngữ 'nhịn đói gián đoạn' (intermittent fasting hoặc periodic fasting), bạn sẽ tìm được rất nhiều website về dinh dưỡng khá thú vị và vô số phương pháp hướng dẫn nhịn đói đúng cách.
Cần phân biệt rõ nhịn đói với hạn chế ăn uống (caloric restriction) và bỏ đói (starvation).
Hạn chế ăn uống là giảm lượng calo tiêu thụ hằng ngày xuống còn 20-40%, nhưng tần suất bữa ăn vẫn được duy trì, còn bỏ đói là dạng thiếu thức ăn, thiếu chất dinh dưỡng trường kì, dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ.
Đến nay, có khá nhiều số liệu lâm sàng và dịch tễ học cùng cho thấy nhịn đói gián đoạn có khả năng làm chậm lão hoá.
Đó là do việc nhịn đói gián đoạn có thể hạn chế được những hư hỏng trên các đại phân tử trong tế bào như protein và DNA, giảm thiểu hiện tượng viêm, tăng cường loại bỏ các bào quan bị hư hỏng trong tế bào, giảm glucose và các yếu tố liên quan đến tiểu đường trong máu.
Nôm na là là nhịn đói gián đoạn góp phần sửa chữa cơ thể, giảm viêm, giảm đường máu.
Tuy chưa có căn cứ khoa học cụ thể và trực tiếp nào giữa nhịn đói và tế bào gốc ở người, nhưng, nhóm nghiên cứu của giáo sư Yilmaz tại đại học MIT đã phát hiện ra mối liên hệ thú vị giữa việc nhịn đói (trong 24 giờ) và tế bào gốc ở ruột của loài chuột.
Nhịn đói 24h, loài chuột tăng sinh tế bào gốc mạnh mẽ
Ruột là một trong những cơ quan có tốc độ thay thế nhanh nhất, vì vậy bên dưới mỗi khe ruột có một loại tế bào gốc liên tục sản xuất ra các tế bào ruột mới.
Với các chú chuột được nhịn đói 24 giờ, sự tăng sinh và chức năng của các tế bào gốc ở ruột được cải thiện nhiều hơn so với nhóm đối chứng (vẫn được cho ăn như bình thường).
Sự thay đổi này là do các tế bào gốc ở ruột chuyển từ việc sử dụng glucose (đường) sang sử dụng acid béo (fatty acid) làm nguồn năng lượng.
Quá trình oxy hoá acid béo đóng vai trò quan trọng đối với khả năng tăng sinh của tế bào gốc ở ruột. Nếu quy trình chuyển hoá acid béo này bị hư hỏng thì các tác động tích cực do nhịn đói cũng theo đó biến mất.
Nghiên cứu này bước đầu giúp chúng ta thấy được mối liên hệ giữa chế độ ăn uống, đặc biệt là nhịn đói và tình trạng tế bào gốc trong cơ thể.
Đây quả là một tin vui đối với các nhà kinh doanh.
Có thể họ sẽ nghĩ ngay đến việc tìm ra một dược chất nào đó có khả năng kích thích tế bào gốc ở ruột thay đổi cách sử dụng nguồn năng lượng, mà không cần yêu cầu người ta phải ăn kiêng hay nhịn đói gián đoạn.
Còn bạn thì sao? Có sẵn sàng nhịn đói chưa?
Nếu bạn muốn thử nhịn đói gián đoạn, hãy dành thời gian nghiên cứu thêm về nó ví dụ như quy trình, thời điểm, thể trạng, ... để chọn cho mình một cách thức thích hợp trước khi thực hiện, vì nếu thực hiện không đúng cách thì có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
Tham khảo:
http://news.mit.edu/2018/fasting-boosts-stem-cells-regenerative-capacity-0503
https://www.cell.com/cell-stem-cell/abstract/S1934-5909(18)30163-2
https://en.wikipedia.org/wiki/Fasting
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!