'Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh', câu đối này dường như đã nằm lòng trong mỗi người dân Việt mỗi khi Tết đến xuân về. Dù mấy năm nay, Nhà nước đã ban lành lệnh cấm đốt pháo, song Tết vẫn là dịp để chúng ta nhắc nhớ về tục lệ đã có từ ngàn đời này.
Một truyền thuyết kể lại rằng, ngày xưa, người Việt thường hay bị các hung thần dữ tợn quấy rầy và nhũng nhiễu, trong số đó có một hung thần tên là Na-Á rất dữ tợn độc ác. Hắn có một bà vợ cũng quá quắt không kém chồng, thiên hạ vẫn gọi là bà Na-Á.
Mặc dù hung tợn nhưng hai ông bà Na-Á lại có điểm yếu là sợ ánh sáng và ồn ào cho nên thường chỉ lẩn quẩn trong bóng tối và nhũng nhiễu khi trời tối nhưng cũng đủ làm cho người ta thất điên bát đảo.
Các vị thần phù trợ và bảo vệ dân gian thường phải dùng tất cả các phép thuật, mang hết bản lĩnh của mình ra cũng chỉ có thể kìm hãm và ngăn chặn được hai vợ chồng hung thần, tránh không cho nhũng nhiễu dân gian mà không diệt trừ được họ.
Thế nhưng, đến ngày cuối năm và đầu xuân, các vị thần phù trợ dân gian phải về trời chầu Ngọc Hoàng, vậy là ông bà Na-Á không có ai kiểm soát, thừa lúc tha hồ tác oai tác quái, nhũng nhiễu dân gian, gây nên không biết bao nhiêu sóng gió. Thương dân gian nhưng lệnh về chầu Ngọc Hoàng không thể kháng được, các vị thần rất lo lắng và xót xa cho dân gian.
Thế rồi họ nghĩ ra được cách để trừ cái họa ông bà Na-Á làm lộng trong mấy ngày Tết. Họ mới bày cho dân gian cách đốt pháo, thắp nhiều đèn trong nhà ngoài ngõ để đuổi hai hung thần sợ tiếng ồn và ánh sáng.
Cho nên tối đêm 30 Tết, nhất là từ Giao thừa mọi nhà đua nhau đốt pháo ầm ĩ, vì người ta tin rằng những tiếng pháo nổ lẫn mùi thuốc súng có sức xua duổi vợ chồng hung thần khỏi đến gây chuyện không lành trong ngày đầu năm.
Tục đốt pháo đêm Giao thừa với niềm tin xua đuổi tà ma, xui xẻo, cũng là hy vọng về một năm mới bùng nổ với nhiều may mắn, làm ăn phát tài từ đó đã trở thành một nét văn hóa đi vào truyền thống của người Việt Nam qua nhiều thế hệ.
'Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh' nhắc nhớ về tục đốt pháo đã có từ ngàn đời nay (Ảnh minh họa: Internet)
Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số những câu chuyện được người đời truyền tai nhau, trên thực tế, tục lệ đốt pháo ngày Tết không phải là truyền thống riêng của Việt Nam, cũng không phải của châu Á mà của rất nhiều cộng đồng cư dân thế giới.
Tuy nhiên, tình trạng sản xuất và đốt pháo đã gây ra hàng ngàn vụ tai nạn, cháy nhà, chết người hoặc gây thương tật suốt đời cho rất nhiều người, ảnh hưởng đến trật tự an ninh, tổn thất kinh tế, ô nhiễm môi trường rất lớn…
Theo báo cáo của 44/53 địa phương, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Tuất (1994) đã có 728 vụ tai nạn do pháo gây ra, làm chết 71 người, làm bị thương 765 người và tiêu tốn hàng 20 - 30 tỷ đồng.
Chính vì thế, Chính phủ nước ta phải ra nghị quyết nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước kể từ ngày 1/1/1995.
Hơn 20 năm Việt Nam không còn tục đốt pháo vào ngày Tết, nhiều người vẫn còn tỏ ra ngậm ngùi mỗi khi nhắc nhớ về tiếng pháo tép râm ran và những xác pháo hồng rải khắp mọi con đường ngõ xóm sau đêm Giao thừa. Ngay cả ĐBQH Dương Trung Quốc khi trả lời báo chí cũng không khỏi bồi hồi nhắc nhớ:
'Tôi nhớ ngày xưa, khi còn nhỏ, cái xác pháo đẹp lắm, mùi thuốc pháo thơm lắm. Bởi vì lúc đó người ta chủ yếu làm bằng than của rễ xoan và một chút diêm sinh. Vỏ pháo lúc nổ xé ra thì đẹp như cánh hoa đào.
Nhưng sau này, người ta chỉ cần tiếng nổ, nổ càng to càng tốt. Và nhất là tâm lý người Việt thì thích cạnh tranh nhau dẫn đến nguy hiểm, sự vô ý thức như ném pháo'.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội hoc), chúng ta cần phải ứng xử với pháo như một thứ hàng hóa nhạy cảm và phải có sự quản lý đặc biệt bởi dân mình thường có thói quen tự chế pháo nổ dẫn tới nguy cơ mất an toàn rất cao.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh bản thân pháo không có lỗi, chứ chưa nói đến việc từ lâu pháo đã gắn với văn hóa cộng đồng và dần trở thành một giá trị bền vững ăn sâu vào tiềm thức của người Việt.
Vì thế theo ông, khi xã hội ta trưởng thành hơn, chín chắn hơn và quản lý xã hội tốt hơn thì lệnh cấm pháo sẽ được gỡ bỏ từng phần.
Nguyễn Tâm
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!