Nhóm thuốc opioid gây nguy cơ rối loạn chức năng tình dục ở nam giới

Sức khỏe giới tính - 11/24/2024

Trong quá trình sử dụng nhóm thuốc opioid để điều trị giảm đau, một số nam giới bỗng nhiên bị suy giảm chức năng tình dục.Trong trường hợp này, nguyên nhân là do thuốc gây ra các tác dụng phụ, làm rối loạn chức năng tình dục (RLCNTD).

Rối loạn chức năng tình dục ở nam giới

RLCNTD của nam giới với các biểu hiện như: giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương hay rối loạn xuất tinh…

Hoạt động tình dục là một hoạt động sinh lý của con người, diễn ra theo một quá trình phối hợp với các cơ quan trong cơ thể của hệ tuần hoàn, hệ sinh dục, hệ nội tiết… Trong quá trình này có sự hiện diện của nội tiết tố testosteron và các chất dẫn truyền thần kinh dopamin, serotonin…

- Testosteron kích thích sự ham muốn và tăng cường lưu thông máu đến cơ quan sinh dục.

- Dopamin gây hưng phấn hoạt động tình dục.

- Serotonin gây ức chế hoạt động tình dục.

Vì vậy, khi một tác động nào đó làm giảm nồng độ testosteron hay dopamin và ngược lại làm gia tăng nồng độ serotonin trong máu sẽ gây nên sự suy giảm hoạt động tình dục của cơ thể.

Nhóm thuốc opioid gây nguy cơ rối loạn chức năng tình dục ở nam giới

Có nhiều nguyên nhân gây ra RLCNTD ở nam giới :

Tuổi tác: gây ra sự lão hóa chức năng tình dục của cơ thể.

Lối sống: hút thuốc, uống bia, rượu nhiều, ít tập luyện thể dục thể thao…

Thuốc: một số loại thuốc sau khi sử dụng một thời gian dài, sẽ gây ra tác dụng phụ RLCNTD…

Opioid gây nguy cơ rối loạn chức năng tình dục ở nam giới

Hiện nay, các nhà khoa học ước tính có khoảng 25% loại thuốc gây ra các RLCNTD ở nam giới và trong số này có nhóm thuốc giảm đau opioid!

Nhóm thuốc opioid thuộc nhóm thuốc kê đơn và thường được các thầy thuốc chỉ định trong điều trị giảm đau do chấn thương hay do phẫu thuật hoặc trong các bệnh lý mạn tính như ung thư.

Thuốc opioid được chia làm 2 nhóm: Nhóm có nguồn gốc tự nhiên chiết xuất từ thuốc phiện (opium, morphin, codein)và nhóm có nguồn gốc tổng hợp (hydrocodon, heroin, fentanyl, tramadol…).

Cơ chế tác động giảm đau của thuốc opioid là làm giảm phản ứng đau của cơ thể do giảm truyền các tín hiệu đau đến não và tăng ngưỡng chịu đau của cơ thể.

Bên cạnh các tác dụng phụ buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, gây hưng phấn, ảo giác, gây nghiện..., khi sử dụng nhóm thuốc opioid trong một thời gian dài, sẽ gây ra nguy cơ RLCNTD ở nam giới.

Một nghiên cứu vào năm 2013 được công bố trên tạp chí Spine: 11.327 nam giới được chẩn đoán đau lưng, sau khi sử dụng thuốc opioid trong thời gian dài có 909 người bị RLCNTD.

Một nghiên cứu khác được tiến hành ở Đan Mạch vào năm 2018, với sự tham gia của 11.517 người. Kết quả cho thấy: những người sử dụng opioid trong thời gian dài hơn 6 tháng, để kiểm soát cơn đau mạn tính không do nguyên nhân ung thư, bị ức chế ham muốn tình dục hay rối loạn cương dương.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học: nhóm thuốc opioid tác động lên vùng dưới đồi - tuyến yên, ức chế phóng thích gonadotropin (GnRH) nên giảm sản xuất luteinizing. Và kết quả là ức chế sản xuất testosteron, nên gây ra RLCNTD ở nam giới.

Vì vậy, để phòng ngừa nguy cơ RLCNTD ở nam giới, cần tránh việc lạm dụng nhóm thuốc giảm đau opioid trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, cần thay đổi lối sống: hạn chế các thói quen xấu như hút thuốc, uống nhiều bia, rượu, tăng cường tập luyện thể dục thể thao như đi bộ, bơi lội…

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!