THA, Rối loạn mỡ máu - “ứng cử” viên của nhồi máu cơ tim
Theo PGS.TS. Tạ Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, bình thường chúng ta nghĩ quả tim chứa nhiều máu, nhưng thật ra là nó được nuôi dưỡng bởi hệ thống động mạch vòng qua tim, gọi là động mạch vành. Cũng giống như các mạch khác, động mạch vành có thể xơ, tắc hẹp, lúc này dòng máu không đi qua được chỗ tắc đó; cơ tim phía sau chỗ tắc không được nuôi dưỡng gây thiếu máu, tổn thương, hoại tử. Khi đó người ta gọi là nhồi máu cơ tim.
Bệnh nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm, ví dụ nhồi máu cơ tim diện rộng, diện tắc tới 70% thì bệnh nhân tử vong ngay lập tức, hay gọi là bệnh nhân đột tử. Ở diện nhồi máu nhỏ hơn thì cơ tim hoại tử, chỗ cơ tim thủng ra người bệnh tử vong. Các biến chứng khác có thể gặp là rối loạn nhịp tim, suy tim...
Nhồi máu cơ tim là cấp cứu khá thường quy tại Viện Tim mạch Việt Nam, số người bị bệnh chiếm tỷ lệ khá cao.
PGS. Tạ Mạnh Cường cũng cho biết thêm, đáng lưu ý là nếu trước đây nhồi máu cơ tim thường gặp ở người cao tuổi thì nay bệnh gặp ở cả đối tượng trung niên, thanh niên cũng không ít. Di chứng đáng ngại nhất sau khi trải qua giai đoạn cấp của nhồi máu cơ tim là bệnh nhân bị thiếu máu hoại tử cơ tim, suy tim...
“Những người có nguy cơ tim mạch lớn thì sẽ là những “ứng cử viên” của nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch não. Nguy cơ lớn trong tim mạch ở đây là tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu... Những người tăng huyết áp nếu không được kiểm soát huyết áp tốt thì có thể bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Rối loạn mỡ máu (rối loạn lipid máu), người tiểu đường, người hút thuốc lá và tuổi cao, là nam giới gặp nhiều hơn, sau 70 tuổi thì tỷ lệ mắc bệnh như nhau”, PGS. Cường nhấn mạnh.
Hình ảnh nhồi máu cơ tim.
Phòng ngừa thế nào?
PGS. Cường cũng cảnh báo, nhiều người khi thấy có dấu hiệu chứng tỏ cơ tim bị nhồi máu, hoặc mạch não bị thì nghĩ dùng an cung ngưu hoàng hoàn. Và họ cho đây là giải pháp cứu cánh. Tuy nhiên, hiện nay các khuyến cáo của Hội Đột quỵ, Hội Tim mạch thế giới thì quan trọng nhất là người nhà cần liên hệ trung tâm cấp cứu gần nhất để nhân viên cấp cứu có mặt kịp thời tại lúc đó.
“Tất cả cái gọi là xử trí sớm, kịp thời không gì tốt bằng đưa bệnh nhân đến trung tâm đột quỵ, tim mạch lớn càng nhanh càng tốt vì nó có giờ vàng, trong 4 giờ có thể làm được nhiều việc cho bệnh nhân”, PGS. Cường nói.
PGS. Cường cũng chia sẻ thêm, phòng ngừa nhồi máu cơ tim là mục tiêu chung của ngành y tế và bác sĩ tim mạch. Vì khi xảy ra rồi thì hậu quả sẽ khôn lường. Bệnh nhân đang lao động bình thường thành người sống phụ thuộc, gánh nặng với ngành y tế, bản thân người bệnh rất lớn. Do đó, với những người mắc bệnh tăng huyết áp hay rối loạn mỡ máu, cần đi khám bệnh định kỳ và thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Phải dùng thuốc theo chỉ định, cần kiểm tra theo dõi để đạt mục đích điều trị.
Ngoài ra, với người có nhiều bệnh phối hợp thì cũng cần kiểm soát các yếu tố, kiểm soát tốt tất cả các bệnh chứ không nên chỉ kiểm soát tốt một thứ. Nếu không biến cố tim mạch vẫn xảy ra.
Một vấn đề nữa các bác sĩ luôn lưu ý đó là hút thuốc lá. Hút thuốc lá là yếu tố làm xơ vữa động mạch. “Chúng tôi đã cấp cứu nhiều người trẻ bị nhồi máu cơ tim cực kỳ nặng. Điều đáng nói là cơ tim của người trẻ lần đầu tiên nhưng thiếu máu trầm trọng khác với người cao tuổi là thiếu máu dần dần và có sự thích nghi”, PGS. Cường chia sẻ.
Vì vậy, với người đã và đang hút thuốc lá nhiều, nên tầm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch, làm các xét nghiệm máu, nếu có nguy cơ cần điều chỉnh. Khi có cơn đau xuất hiện, cần làm điện tim, siêu âm tim, chụp động mạch vành cắt lớp để phòng nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!