Những ai không nên có chuyến đi dài?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Đợt nghỉ lễ dài 30/4 – 1/5 là cơ hội để mọi người có thể đi du lịch, xả stress. Nhưng không phải ai cũng nên đi.

Phụ nữ có thai

Phụ nữ mang thai vẫn có thể tham gia các hoạt động ngoài trời, di chuyển bằng nhiều phương tiện giao thông không nhất thiết chỉ luôn quanh quẩn ở nhà. Tuy nhiên, không phải tất cả bà mẹ mang thai nào cũng có thể tự do làm mọi điều mình thích. Cũng có những lưu ý nhất định về việc không nên đi chơi xa, tham gia những chuyến đi dài ngày với các bà bầu. Tốt nhất bạn nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định đi du lịch.

3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ, thai phụ không nên đi chơi xa vì cơ thể lúc này không thực sự khỏe mạnh và sẽ không tốt cho cả mẹ và thai nhi. Thời điểm tốt nhất là 3 tháng giữa thai kỳ khi tình hình sức khỏe ổn định.

Phương tiện di chuyển cũng phải đặc biệt chú ý. Hãy nghiên cứu các tuyến đường bằng phẳng, không xóc, không quá đông đúc nhằm tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Những ai không nên có chuyến đi dài?

Bà bầu đi du lịch cần lưu ý đến việc di chuyển an toàn (Ảnh minh họa: Internet)

Nếu bị say xe, bà bầu nên tham khảo ý kiến của dược sĩ hoặc bác sĩ để có biện pháp chống say tốt nhất. Đặc biệt lưu ý, hãy uống nhiều nước để cơ thể không bị mất nước trong ngày nắng nóng. Không ăn uống vặt ngoài đường hoặc thức ăn lạ tránh bị rối loạn tiêu hóa.

Dù bạn có thích chuyến đi cùng gia đình và bạn bè đến đâu nhưng nếu thai kỳ của bạn không ổn định, có dấu hiệu dọa sảy, sinh non và cần sự theo dõi y tế đặc biệt thì chắc chắn bạn sẽ phải từ bỏ chuyến vui chơi. Ngoài ra, bạn cần phải thăm khám tình trạng sức khỏe của mẹ và bé cẩn thận trước khi có ý định đi du lịch.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi

Gia đình cần theo dõi tình trạng sức khỏe của bé để quyết định xem có nên đưa trẻ đi chơi cùng hay không.

Một số trẻ sơ sinh từ 3 tháng tuổi trở lên đã được cha mẹ cho đi du lịch cùng nếu sức khỏe của bé tốt. Tuy nhiên, các chuyên gia nhi khoa không khuyến khích việc đưa trẻ dưới 6 tháng tuổi tham gia các chuyến đi xa vì lý do sức khỏe và sự thích nghi khi thay đổi môi trường sinh hoạt của bé.

Những ai không nên có chuyến đi dài?

Cần kiểm tra sức khỏe của trẻ trước khi cho trẻ có chuyến đi xa (Ảnh minh họa: Internet)

Với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, vốn hiếu động, khó quản lý hoặc đang mắc các bệnh phải điều trị như da liễu, hô hấp cũng cần hạn chế tối đa thời gian đi lại bên ngoài. Việc này để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho bé.

Ngay cả khi được đi chơi, cha mẹ cũng cần cho bé ăn đúng bữa, đúng giờ. Ngoài việc chuẩn bị các thực phẩm quen thuộc với trẻ, bạn có thể lựa chọn các dịch vụ ăn uống đảm bảo dành cho trẻ em tại các khu du lịch, điểm dừng nghỉ để bé được ăn các món nóng sốt, tươi ngon.

Người có bệnh về huyết áp, tim mạch

Đối tượng có tiền sử mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch, dù tình trạng bệnh đã ổn định, thậm chí là đang trong quá trình điều trị, cũng nên hạn chế đi du lịch đến những nơi quá đông người, quá heo hút vắng vẻ thiếu thốn điều kiện chăm sóc y tế.

Bạn cần phải chuẩn bị đầy đủ thuốc men và các đồ dùng sơ cấp cứu để sử dụng khi cần thiết. Trong trường hợp này, chuyến đi của người bệnh không nên kéo dài trên 3 ngày với hành trình liên tục.

Thanh Lê

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!