TS BS Trần Nhật Thăng, Trưởng khoa Chẩn đoán trước sinh bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết mới đây khoa tiếp nhận sản phụ Bình (30 tuổi, ở Đồng Nai) mắc đái tháo đường.
Bệnh nhân kể với bác sĩ trước khi mang thai chị là phượt thủ. Tuy nhiên, từ khi có bầu chị không dám vận động và rất 'thèm' đi du lịch. Điều này khiến tinh thần chị luôn căng thẳng. Theo bác sĩ Thăng, lo lắng căng thẳng khiến đường huyết tăng cao và ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Sau khi bệnh nhân giãi bày, bác sĩ khuyên chị nên đi du lịch. Bởi đây là dịp để các mẹ nghỉ ngơi, thư giãn khám phá những địa danh mới và vui vẻ bên người thân.
Thai phụ được bác sĩ sản khoa tư vấn trước khi đi du lịch. Ảnh: N.P.
Tuy nhiên, thai phụ và gia đình nên lưu ý chọn lựa những địa điểm vui chơi, du lịch phù hợp với điều kiện cá nhân và sức khỏe. Quan trọng nhất, thai phụ nên chọn những địa điểm du lịch dễ tiếp cận các cơ sở y tế, trong những trường hợp bất trắc có thể nhận được sự trợ giúp kịp thời từ các bác sĩ.
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Thắm, khoa Phụ sản, Bệnh viện ĐH Y Dược không có bất kỳ khuyến cáo chuyên môn nào về việc hạn chế thai phụ di chuyển. Bà bầu có thể đi du lịch bất cứ lúc nào trong thai kỳ nếu điều kiện sức khỏe cho phép.
Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu, việc di chuyển lâu có thể làm thai phụ nghén nặng hơn. Ba tháng giữa thai kỳ, người mẹ có thể di chuyển thoải mái, an toàn. Ba tháng cuối, thai phụ không nên đi những địa điểm phải di chuyển lâu.
Nếu đi máy bay, bà bầu nên chọn chỗ ngồi gần nhà vệ sinh, tránh ngồi yên một tư thế khá lâu và nên uống nhiều nước trong suốt đường bay.
Nếu di chuyển bằng ôtô, thai phụ nên chọn chỗ ngồi thoải mái. Khi đi xe trên 5 tiếng, các mẹ nên chọn xe giường nằm và sử dụng tất dự phòng huyết khối tĩnh mạch để tránh bị tắc huyết khối chân. Trước khi đi các bà bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!