Những bệnh dễ gặp khi đi lại trên đường ngập nước

Sống khỏe mạnh - 05/17/2024

Ngập lụt sau trận mưa lớn không chỉ gây khó khăn trong đi lại mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.

Trận mưa đêm ngày 15/9 vừa qua được xem là lớn nhất kể từ đầu năm tại TP.HCM. Mưa lớn kết hợp với triều cường khiến nhiều tuyến đường ở thành phố ngập sâu, thậm chí đến trưa ngày 16/9, nước vẫn chưa rút. Dòng nước đen kịt cuốn theo bùn đất, rác rưởi vào nhà các hộ dân. Nhiều người phải đóng cửa ra ngoài tìm chỗ nghỉ ngơi. Nhiều người khác phải bì bõm lội trong dòng nước bẩn.

Tình trạng ngập lụt cũng diễn ra thường xuyên tại Hà Nội sau khi mưa lớn.

Nước mưa ngập bẩn, mất vệ sinh phát sinh nhiều mầm bệnh

Trong những trận mưa lớn gây ngập lụt, những vùng nước ngập ô nhiễm nặng bởi nước thải từ cống rãnh, các công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc gia cầm, xác động thực vật,... hòa vào dòng nước. Nước bẩn sẽ làm ô nhiễm đất, không khí, cây trồng, vật nuôi, từ đó các bệnh dịch dễ xảy ra. Nhiều khu vực dân cư ngập sâu, nước và bùn đất tràn vào nhà gây mất vệ sinh nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm bệnh.

Bệnh da liễu, đau mắt, phụ khoa

Bệnh đau mắt và các bệnh về da chủ yếu do nguồn nước bẩn.Tình trạng môi trường ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi-rút phát triển, chân ngâm trong nước nhiều, sử dụng nguồn nước sinh hoạt nhiễm khuẩn là tác nhân gây các căn bệnh đau mắt đỏ, các bệnh ngoài da như mẩn ngứa, nấm, ghẻ, viêm da, nhiễm ký sinh trùng trên da...

Những bệnh dễ gặp khi đi lại trên đường ngập nước

Người dân Sài Gòn thường xuyên phải đối mặt với ngập lụt do triều cường hoặc mưa lớn (Ảnh minh họa: Internet)

Trong điều kiện ngập lụt, sử dụng nguồn nước bẩn thì bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) rất dễ mắc phải và dễ lây lan, phát thành dịch.

Các bệnh về da liễu cũng dễ phát sinh do ngâm mình, nhất là chân trong nước bẩn với điều kiện vệ sinh kém. Những loại bệnh liên quan đến nấm da thường gặp là nấm chân, nâm bẹn, nấm tóc... Trong đó, nấm kẽ ngón chân hay còn gọi là nước ăn chân là loại bệnh phổ biến nhất trong số các loại nấm da vào mùa mưa. Bệnh thường xuất hiện ở những người thường xuyên phải ngâm chân lâu trong nước hay lội bùn.

Ngoài ra, một số bệnh da liễu cũng rất dễ mắc phải như viêm da, sẩn ngứa, dị ứng… Đối với phụ nữ, nếu phải lội nước mưa ngập sâu rất dễ mắc các bệnh da liễu liên quan đến phụ khoa.

Bệnh đường tiêu hóa

Khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt, các bệnh lây truyền qua nước sẽ có nguy cơ bùng phát cao, phải kể đến các bệnh như tả, lị, thương hàn. Nguyên nhân là do ô nhiễm phân do môi trường bị úng ngập, điều kiện vệ sinh không đảm bảo do nước ngập, nếu ăn, uống phải các nguồn nước, thực phẩm nhiễm khuẩn, các bệnh về tiêu hóa này sẽ rất dễ lây bệnh. Các vi khuẩn gây bệnh trong nguồn nước có khả năng lây lan nhanh chóng, dễ gây thành dịch bệnh với các triệu chứng như đau bụng, mót rặn, tiêu chảy cấp.

Các biện pháp phòng tránh

Những bệnh dễ gặp khi đi lại trên đường ngập nước

Tình trạng ngập lụt xảy ra ở nhiều thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM (Ảnh minh họa: Internet)

- Sau khi đi mưa hoặc tiếp xúc với nước bẩn trên, cần rửa chân tay với nước sạch hoặc nước muối loãng, lau bằng khăn sạch để chân luôn khô ráo, cần chú ý lấy hết bụi bẩn từ các kẽ ngón tay, chân và các nếp gấp da.

- Tốt nhất không tiếp xúc trực tiếp với những vùng nước ô nhiễm, tránh đi vào các vùng nước có màu đen, nổi váng bẩn. Khi lội nước thì nên sử dụng những sản phẩm ủng, giày đi mưa chống thấm nước bảo vệ bàn chân không phải tiếp xúc với nước bẩn. Đồng thời, hạn chế đi giày, dép bằng vải để ngăn chặn các vi khuẩn nấm phát triển.

- Cần thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Vệ sinh mắt, mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày để phòng bệnh đau mắt đỏ. Theo đó, cần thực hiện vệ sinh môi trường theo nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ dịch bệnh.

Mai Hồ

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!