Tính đến ngày 17/2, thế giới đã ghi nhận gần 1.800 ca tử vong và hơn 71.400 ca mắc viêm phổi cấp do virus corona mới (COVID-19). Dịch cũng đã lan tới 29 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó Việt Nam đã ghi nhận 16 ca dương tính.
Đến nay, COVID-19 là loại virus có sức lây lan mạnh, diễn biến rất nhanh. Tuy nhiên kể từ khi ghi nhận ca đầu tiên tại Trung Quốc vào tháng 12/2019 đến nay, vẫn còn rất nhiều thông tin về loại virus này chưa được giải mã.
COVID-19 có tốc độ lây lan mạnh nhưng đến nay còn nhiều bí ẩn chưa được giải mã
- Nguồn gốc: Họ coronavirus gồm 6 nhóm lớn đã từng được ghi nhận, thường gây bệnh trên động vật là chính sau đó lây sang người, trong đó có dịch SARS năm 2003, MERS năm 2016. Đến 2019, chủng mới virus corona xuất hiện (COVID-19, nCoV) là nhóm thứ 7, trước đây chưa từng xác định ở người.
Các kết quả giải trình tự gene cho thấy, COVID-19 giống dơi đến 90%, tuy nhiên khi dịch xảy ra tại Vũ Hán không có dơi vì đang mùa đông nên các nhà khoa học chưa biết chính xác virus lây từ loài động vật nào.
Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học ở Quảng Đông, Trung Quốc tiết lộ, tê tê có thể là vật chủ gây ra đại dịch virus corona mới bắt nguồn từ thói quen ăn thịt, dùng vẩy tê tê chữa bệnh. Song nghiên cứu này chưa được công bố chính thức.
- Đặc điểm virus: Đến nay các nhà khoa học chưa xác định được virus corona mới bị tiêu diệt ở nhiệt độ, điều kiện nào, tất cả mới dựa trên kinh nghiệm đối với coronavirus khác, phổ biến nhất là virus gây bệnh SARS do 2 loại virus này có nhiều đặc điểm tương đồng nhau.
Tuần trước, phát hiện của các nhà khoa học Đức, đăng tải trên tạp chí Journal of Hospital Infection chỉ ra rằng họ coronavirus có thể tồn tại 9 ngày trên bề mặt vật dụng trong điều kiện nhiệt độ phòng cũng chỉ dựa trên các dữ kiện của virus gây bệnh SARS và MERS, còn đến nay, chưa biết chính xác COVID-19 tồn tại được bao lâu ngoài không khí, trên bề mặt các đồ vật.
Các khuyến cáo như tăng nhiệt độ, mở cửa thông thoáng… đang được khuyến cáo cũng là biện pháp từng được áp dụng trong dịch SARS.
- Thời gian ủ bệnh: Theo WHO, thời gian ủ bệnh trung bình của COVID-19 là từ 1-12,5 ngày, trong đó phần lớn trường hợp có thời gian ủ bệnh từ 5-6 ngày.
Tuy nhiên, mới đây một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc công bố, có trường hợp nhiễm COVID-19 có thời gian ủ bệnh lên tới 24 ngày.
Đây là một thông tin mới, dù là ca đơn lẻ nhưng đang tiếp tục được nghiên cứu thêm. Hiện WHO vẫn đang khuyến cáo, thời gian cách ly y tế với COVID-19 là 14 ngày. WHO giải thích, khuyến cáo này dựa trên thông tin từ các bệnh coronavirus khác như SARS và MERS.
Dù vậy, WHO cho biết, những thông tin, khuyến cáo về thời gian ủ bệnh của COVID-19 sẽ được tinh chỉnh khi cơ quan này có thêm các dữ liệu.
Đáng lưu ý, khác với đại dịch SARS, những người nhiễm COVID-19 có thể lây truyền bệnh cho người khác ngay từ khi chưa có triệu chứng và nhiều trường hợp nhiễm bệnh nhưng không hề có biểu hiện sổ mũi, đau họng, hắt hơi. Đây là một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc mới trên toàn thế giới tăng nhanh.
Các nhà khoa học cũng chưa trả lời được thời điểm nào, một người nhiễm COVID-19 có thể lây cho người khác.
- Tỉ lệ tử vong: Hiện tất cả những đánh giá, nghiên cứu đều dựa trên các số liệu do Trung Quốc cung cấp do đây là điểm nóng của dịch. Với những dữ kiện hiện có, tỉ lệ tử vong khi mắc COVID-19 xấp xỉ 2,5%. Tuy nhiên tỉ lệ tử vong chỉ chính xác khi biết được số người lây nhiễm thực sự đến cuối dịch.
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, do là virus mới chưa từng xuất hiện trước đó nên COVID-19 còn nhiều điều chưa rõ ràng.
Tuy nhiên hiện nay, một số nước, trong đó có Việt Nam đã nuôi cấy và phân lập thành công COVID-19, là tiền đề quan trọng để nghiên cứu toàn bộ đặc điểm loại virus này, tiến tới sản xuất vắc xin, thuốc điều trị.
WHO cũng khẳng định, những hiểu biết về loại virus này đang thay đổi nhanh chóng. 'Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích thông tin ở những ca bệnh hiện nay cũng như các ca bệnh mới để hiểu thêm về loại virus này', WHO nhấn mạnh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!