Người cao tuổi rất cần sự quan tâm, chia sẻ của các thế hệ trong gia đình. Ảnh: Chí Cường
Bố mẹ ở riêng nhưng vẫn gần con cái
Hiện nay, một số nghiên cứu cho thấy, tình trạng người cao tuổi sống không có vợ/chồng ngày càng nhiều. Trong đó, tỷ lệ số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông; phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân gấp 2,2 lần so với nam giới. Theo các bác sĩ, trung bình một người cao tuổi thường mắc từ 3-5 bệnh, chủ yếu là các bệnh mạn tính phải điều trị kéo dài, thậm chí suốt đời. Tuổi càng cao, tỷ lệ người cao tuổi có sức khỏe yếu càng lớn, số bệnh mắc phải cũng càng nhiều và thời gian nằm viện càng dài. Do đó, với tình trạng gánh nặng bệnh tật kép thì việc phải sống một mình là điều rất bất lợi và đáng lo ngại.
Nhận định về thực trạng này, GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội cho biết: Hiện nay, xã hội biến đổi thì gia đình cũng đổi thay. Xã hội nông nghiệp có kiểu gia đình truyền thống. Xã hội công nghiệp có kiểu gia đình hiện đại. Chúng ta đang chuyển từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp và chứng kiến sự thay đổi của gia đình. Đây là sự biến đổi để thích hợp với xu hướng xã hội mới. Có lẽ chúng ta không bao giờ trở về kiểu gia đình được 'đoàn tụ', tam tứ đại đồng đường như ngày xưa nữa. Gia đình cần biến đổi để thích ứng với xã hội công nghiệp, kinh tế thị trường, đô thị hóa, di cư ngày càng mạnh mẽ.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, để thích ứng với xã hội hiện nay, phương án tốt nhất là bố mẹ ở riêng nhưng ở gần con cái đã trưởng thành. Điều này vừa giữ được sự độc lập, đôi khi là để cho con cái phát triển, vừa giữ được mối liên hệ, hỗ trợ lẫn nhau. Mặt khác nó cũng thích ứng với những điều kiện, sở thích mang tính cá nhân của mỗi người. Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh, dù lựa chọn kiểu nào thì con cái cũng cần có đạo hiếu với bố mẹ.
Đề cập đến việc đưa người cao tuổi vào các nhà dưỡng lão, GS.TS Nguyễn Đình Cử cho rằng, xu hướng này đã manh nha ở Việt Nam và ông tin rằng xu hướng đưa các cụ vào nhà dưỡng lão sẽ ngày càng phát triển. 'Người cao tuổi trong các trung tâm dưỡng lão rất phổ biến tại các nước phát triển. Việt Nam ngày càng phát triển thì cũng sẽ đi theo xu hướng đó. Vấn đề là chúng ta phải đa dạng hóa nơi ở cho người cao tuổi thích hợp với 'Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh'. Chẳng hạn, cha mẹ có thể ở với con cái trong cùng một gia đình như xưa, cũng có thể ở trung tâm dưỡng lão vào ban ngày (sáng các cụ đến trung tâm, chiều về với gia đình), hoặc trung tâm chăm sóc người cao tuổi 24/24. Ở một số nước lại phát triển kiểu 'nhà nhóm' (một số người bạn, người thân ở chung một tòa nhà và thuê người chăm sóc. Con cháu có thể thay nhau thăm các cụ)', GS Nguyễn Đình Cử nói.
Tăng cường chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng
Để chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, thời gian qua, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong việc chăm sóc phát huy vai trò của người cao tuổi, đặc biệt là những người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa, trong đó điển hình là mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Đánh giá về mô hình này, ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục (Tổng cục Dân số) cho biết, đây là mô hình khá phù hợp với văn hóa của người Việt. Không những ít tốn kém, dễ thực hiện mà mô hình này còn giúp phát huy nét đẹp văn hóa, xem trọng tình cảm gia đình, kính trọng và báo hiếu ông bà cha mẹ của người Việt.
Mô hình này có hai hình thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đó là: Chăm sóc hay phục vụ tại nhà do nhân viên dịch vụ thực hiện và chăm sóc hay hỗ trợ tại nhà do tình nguyện viên thực hiện. Cả hai hình thức trên, các thành viên trong gia đình được hỗ trợ tốt nhất trong việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong nhà và đặc biệt với hình thức thứ hai thì các tình nguyện viên nhận chăm sóc hỗ trợ tại nhà hoàn toàn tự nguyện không hưởng lương mang đến nhiều hiệu quả tích cực cho mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng này. Sự hỗ trợ đến từ các tình nguyện viên mang đến niềm vui, tinh thần vui vẻ lạc quan hơn cho các cụ ông, cụ bà có hoàn cảnh neo đơn kinh tế khó khăn, gia đình ít người.
Về phương diện chính sách, để công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi đạt hiệu quả cao nhất, thích ứng với già hóa dân số, theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, nước ta cần tích cực xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi để hỗ trợ đáp ứng những nhu cầu của người cao tuổi nhằm đạt được 'già hóa năng động' (khỏe mạnh, tham gia các hoạt động, an sinh xã hội).
Để xây dựng được môi trường thân thiện với người cao tuổi, cần phát huy vai trò của gia đình (chăm sóc phụng dưỡng người cao tuổi), cộng đồng (tuyên truyền hỗ trợ nguồn lực), doanh nghiệp (sản xuất hàng hóa và dịch vụ thích hợp với người cao tuổi...), Nhà nước (ban hành các chính sách, pháp luật và bố trí nguồn lực) và bản thân người cao tuổi (phấn đấu để tự đảm bảo về chi phí cho cuộc sống của mình, nêu cao tinh thần tự phục vụ...).
ThS.BS Trần Văn Lực, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) cho biết, để người cao tuổi sống khỏe mạnh, trước hết, bản thân người cao tuổi phải có những kiến thức y tế cơ bản và phải chủ động tham gia mua BHYT cho chính mình, cho gia đình của mình để phòng những lúc bệnh tật ập đến. Người cao tuổi cũng cần tự chuẩn bị những khoản tiền dự phòng để chủ động chi tiêu khi cần thiết. Hàng năm, nên đi khám bệnh định kỳ từ 1-2 lần để phòng ngừa, phát hiện kịp thời nếu có bệnh.
Bên cạnh đó, những người thân trong gia đình có người cao tuổi cần quan tâm về mặt tinh thần, sức khỏe làm sao để người cao tuổi trong gia đình sống vui vẻ, khỏe mạnh và hạnh phúc. Ngoài ra, người thân trong gia đình người cao tuổi cũng cần chuẩn bị tốt những điều kiện chăm sóc về cơ sở vật chất, vệ sinh sao cho phù hợp với tâm sinh lý của người cao tuổi như màu sắc, ánh sáng phòng ngủ không quá sặc sỡ, mát mẻ về mùa hè và ấm áp trong mùa đông, sàn nhà vệ sinh có chống trơn trượt, cầu thang và hành lang có tay vịn an toàn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!