Mang thai, sinh đẻ là một quá trình tự nhiên của con người để bảo tồn giống nòi. Mặc dù là quá trình tự nhiên nhưng thực tế cho thấy, có nhiều dấu hiệu bất thường nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ và thai nhi xảy ra trong khi mang thai và sau khi sinh. Tuy nhiên, các bà mẹ có thể phòng tránh được các nguy hiểm đó nếu họ được cung cấp các kiến thức cơ bản về các dấu hiệu bất thường xảy ra trong khi mang thai và hướng xử trí.
Thời kỳ mang thai của người phụ nữ được chia làm 3 giai đoạn đó là 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ. Ở mỗi giai đoạn người phụ nữ đều có những biến đổi khác so với lúc bình thường, trong đó có những dấu hiệu bất thường nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều bà mẹ do chưa có kiến thức đầy đủ về chuẩn bị chăm sóc trước khi có thai, trong khi mang thai và sinh nở nên đã bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo đến sức khỏe.
Trường hợp của chị M 21 tuổi (Văn Chấn, Yên Bái) là một ví dụ, hiện chị đang có thai được 30 tuần, cách đây khoảng hơn 1 tuần, chị có biểu hiện đau bụng kèm theo những cơn co tử cung. Đi khám tại bệnh viện tỉnh các bác sỹ chẩn đoán chị có nguy cơ dọa đẻ non và được chuyển xuống Bệnh viện tuyến TW cấp cứu. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cho thấy nguyên nhân của tình trạng này là do chị Minh bị viêm nhiễm đường tiết niệu lâu ngày nhưng không được phát hiện, mức độ viêm nhiễm nặng ảnh hưởng đến thai nhi.
Chị M cho biết, hàng tháng chị đều đi siêu âm thai định kỳ nhưng không thấy có bất thường gì. Nhưng theo bác sỹ chuyên khoa, khái niệm khám thai định kỳ bao gồm rất nhiều khâu từ khám toàn thân, đo chiều cao tử cung chu vi vòng bụng của mẹ, nắn các phần của thai nhi, nghe tim thai đo huyết áp, nghe tim phổi, xét nghiệm nước tiểu…hướng dẫn chế độ ăn uống, vệ sinh, sử dụng thuốc… Và siêu âm thai và phần phụ của thai chỉ là một khâu nhỏ trong đó, vì vậy nó không thể giúp người bệnh có thể phát hiện được hết các bệnh lý hay thấy bất thường trong cơ thể người mẹ. Đây chính là nguyên nhân khiến chị M không phát hiện được sớm bệnh của mình.
Ở mỗi giai đoạn trong thời kỳ mang thai bà mẹ đều có nguy cơ xuất hiện những dấu hiệu bất thường (Ảnh minh họa: Internet)
Trường hợp của chị M không phải là hiếm gặp tại hiện nay. Theo thống kê của một số tài liệu y khoa thì viêm nhiễm đường tiết niệu là nguyên nhân hàng đầu gây sinh non ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, người bệnh lại ít biết đến căn bệnh này và thường không phát hiện sớm. Trường hợp của chị L (Quế Võ, Bắc Ninh) là một ví dụ.
Chị L phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng thai ở tuần thứ 31 có hiện tượng chảy máu, rỉ ối và dọa đẻ non. Khi bác sỹ cho tiến hành làm xét nghiệm nước tiểu nhận thấy nồng độ bạch cầu và hồng cầu tăng cao - là chỉ điểm của tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu nặng. Nhưng do trước đó chị L không thấy có biểu hiện gì bất thường nên không đi khám thai định kỳ để phát hiện ra bệnh.
Sau 1 tháng điều trị nhưng chị L vẫn bị ra máu và rỉ ối. Do tình trạng viêm nhiễm lâu ngày kèm theo hiện tượng nhau thai bám thấp nên việc điều trị của chị khá phức tạp. Các bác sĩ phải sử dụng kháng sinh phổ rộng để giảm bớt tình trạng viêm cho chị, đồng thời kết hợp với các thuốc nội tiết để giữ được thai nhi trong bụng mẹ càng lâu càng tốt.
Ở mỗi giai đoạn trong thời kỳ mang thai bà mẹ đều có nguy cơ xuất hiện những dấu hiệu bất thường ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi, vậy những dấu hiệu bất thường trong các giai đoạn của thai kỳ là gì?
3 tháng đầu của thai kỳ
Giai đoạn này triệu chứng mọi người gặp đầu tiên là mất kinh và nghén. Có người nghén nhẹ nhàng, chỉ thèm chất chua hay chất ngọt nhưng có người nghén nhiều, nôn nhiều, không ăn được. Những dấu hiệu bất thường là ra khí hư nhiều, đau bụng, ra máu thì phụ nữ có thai cần đi đến cơ sở y tế khám. Khi nghén nhiều không ăn được, người gầy sút, cơ thể suy kiệt thì chúng ta cần đến bác sĩ để khám và có tư vấn, điều trị, phát hiện sớm chửa trứng.
Trong giai đoạn này, một số bà mẹ có hiện tượng đau bụng hoặc ra một ít máu, thậm chí là có cả đau bụng và ra máu. Đặc biệt khi có dấu hiệu ra máu là bất thường cần đi khám. Có thể là dọa sảy thai và có một bệnh rất nguy hiểm là chửa ngoài tử cung. Thời gian xuất hiện các biểu hiện tùy thuộc vào vị trí chửa ngoài tử cung, có người xuất hiện ngay, có người sau 1 - 2 tháng. Chửa trứng là một bệnh cũng rất nguy hiểm gặp ở 3 tháng đầu thai kỳ. Ngoài ra khi có thai có thể xuất tiết nhiều nhưng không gây ngứa, không có mùi hôi và khó chịu. Nhưng nếu bị ngứa, thấy có bột, có mùi hôi thì cần đi khám bác sĩ. Vì viêm âm đạo, viêm cổ tử cung trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng đến bà mẹ và thai nhi, gây sẩy thai và dị dạng cho thai…
Đến 3 tháng giữa của thai kỳ:
Các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn thường không còn nữa, bà mẹ cảm thấy khỏe khoắn và thoải mái hơn. Đây được xem là giai đoạn đẹp nhất của thai kỳ vì người mẹ bắt đầu cảm nhận rõ từng chuyển động của thai nhi trong bụng. Tuy nhiên trong giai đoạn này, các bà mẹ cũng cần phải chú ý đến một số dấu hiệu bất thường ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. Những dấu hiệu bất thường có thể là dọa sảy thai, dọa đẻ non và viêm đường tiết niệu… Nếu người phụ nữ thấy các dấu hiệu như đau bụng, ra máu, đi tiểu khó, đái buốt, đái rắt thì nên đi khám bác sĩ để chẩn đoán và điều trị.
Ở 3 tháng cuối của thai kỳ
Đây là giai đoạn quan trọng để thai nhi phát triển hoàn chỉnh các bộ phận cơ thể. Một số bà mẹ có hiện tượng chân, tay phù to, huyết áp tăng cao trong những tháng cuối này. Trong 3 tháng cuối là giai đoạn rất quan trọng cần theo dõi kỹ. Nếu có hiện tượng phù, có protein niệu, huyết áp tăng cao… thì đấy là dấu hiệu tiền sản giật. Các chị nên đi khám thai theo đúng tuyến và có bác sĩ theo dõi, để chẩn đoán xem tiền sản giật theo giai đoạn nào có cần điều trị và theo dõi ra sao. Vì tiền sản giật không được theo dõi và điều trị tốt sẽ có nguy cơ nguy hiểm đến tình mạng mẹ và con.
Đau bụng và ra máu là dọa đẻ non và rau tiền đạo. Dấu hiệu đấy đều nguy hiểm cho cả mẹ và con, nên đến bệnh viện khám
Ngoài 2 dấu hiệu trên, trong thời gian này, các bà mẹ cần phải lưu ý ngoài việc khám thai người mẹ cần theo dõi tăng cân, sự phát triển của thai. Giai đoạn này người mẹ có một số biểu hiện khó chịu như tức bụng, tiểu rắt, tiểu khó, ra khí hư cũng cần đến bác sĩ để được tư vấn, khám phát hiện bệnh lý và điều tri. Người mẹ tăng cân quá cũng có thể gây những khó chịu.cũng thể có nguy cơ béo phì, tiểu đường và thai nghén…
Ở 3 tháng cuối thai kỳ, đau bụng và ra máu là dấu hiệu dọa đẻ non và rau tiền đạo (Ảnh minh họa: Internet)
Một số lưu ý cho các bà bầu:
Thời gian mang thai là khoảng thời gian mẹ và bé yếu nhất, có rất nhiều tác động từ trong và ngoài cơ thể mẹ có thể dẫn đến tình trạng sinh non đặc biệt là từ tuần 20 - 37 của thai kì. Trong đó có 40% trường hợp sinh non mà ngay cả các chuyên gia cũng chưa xác định được nguyên nhân. Trong phần cuối của chương trình hôm nay, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin cần biết bạn có thể nhận biết các dấu hiệu sinh non sau để có liệu pháp điều trị ngay, giảm thiểu rủi ro mất bé của mình.
Tăng tiết dịch âm đạo là dấu hiệu đầu tiên mà các bà mẹ cần lưu ý. Nếu bạn đột nhiên cảm thấy âm đạo luôn bị ẩm ướt, dịch chảy ra có chất nhầy hay máu nhiều (cũng có thể chảy máu rải rác) thấm cả ra ngoài quần. Vậy bạn cần đi bác sĩ kiểm tra ngay bởi đây được cho là dấu hiệu đầu tiên của sinh non.
Tiếp theo là sự xuất hiện các cơn co thắt. Nếu bạn thấy có những cơn co thắt ở bụng dưới mà không phải do tiêu chảy đồng thời kèm theo những cơn co cơ do chuột rút hay chảy máu âm đạo thì đây đúng là dấu hiệu của việc sinh non.
Hoặc bạn có những cơn đau bụng dưới ngày càng dồn dập đặc biệt là với trường hợp trước đó bạn ít khi bị đau lưng. Nếu hiện tượng đau lưng của bạn kèm theo cả 2 hiện tượng trên thì bạn thực sự cần lời khuyên của bác sĩ.
Thêm nữa là bạn cảm thấy bị gia tăng áp lực lên khu vực xương chậu. Hiện tượng này là do thai nhi tụt xuống sâu, đè nặng lên khu vực xương chậu của bạn làm cho bạn có cảm giác nặng nề. Hiện tượng này giống hiện tượng chuẩn bị sinh của mẹ bầu.
Nếu thai kì từ tuần 20 - 37 mà bạn còn có cảm giác đầu choáng váng, buồn nôn, nôn và tiêu chảy thì đây là hiện tượng xấu cho thai nhi của bạn, có thể dẫn đến sinh non.
Nếu thấy thai nhi có hiện tượng giảm hoạt động, bạn có thể tự kiểm tra bằng cách nằm xuống và theo dõi từng hoạt động của bé. Nếu như trong vòng 2 giờ, bé không có gần 10 chuyển động thì bạn nên đến gặp các bác sĩ sản khoa để tìm hiểu nguyên nhân.
Khi bạn xuất hiện dấu hiệu tử cung co rút 10 phút/ lần kèm theo các dấu hiệu trên bạn cần đến bệnh viện ngay.
Vỡ nước ối: Hiện tượng này thì tùy từng người, có người vỡ nước ối chỉ nhỏ giọt nhưng cũng có người tuôn ào ào. Bạn cần lưu ý đặc biệt trường hợp này, khi vỡ ối, bạn cần tới ngay bệnh viện gần nhất để bác sĩ xử lý, nếu không có thể nguy hiểm tới tính mạng của bé.
H.T
(Nội dung do Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế kiểm duyệt)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!