Những điều cần làm khi mắc ung thư giai đoạn cuối

Tâm lý - 05/02/2024

Cùng tìm hiểu cách lên kế hoạch cho bạn và người thân trong những ngày còn lại khi đối diện với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối.

Khi đối mặt với ung thư giai đoạn cuối, có thể bạn sẽ nhận được cái lắc đầu từ chối chữa trị của bác sĩ, thậm chí bạn chủ động yêu cầu ngưng điều trị. Những quyết định thế này thường mang lại nhiều nỗi đau buồn, thất vọng, thậm chí là sợ hãi cho bạn và người thân. Tuy nhiên, việc lên kế hoạch cho những ngày cuối của mình không có nghĩa là bạn đầu hàng, ngay cả những lúc thế này, bạn vẫn có thể giữ cho mình một thái độ sống lạc quan, tích cực và chuẩn bị những thứ cần thiết cho mình và người thân yêu.

Đối phó với cảm xúc

Bạn có thể bị xáo trộn cảm xúc khi điều trị ung thư. Bạn có thể bị hành hạ bởi suy nghĩ rằng tại sao điều này lại xảy đến với mình và bạn không đáng phải chịu đựng sự bất hạnh này. Điều này có thể đã từng diễn ra trong cuộc sống nhưng lại chưa bao giờ dữ dội như thời điểm này. Tuy nhiên, bạn hãy cố gắng tìm lại sự bình tâm của mình, mạnh mẽ đối mặt với vấn đề và luôn đứng trên mọi tình huống. Bạn hãy tự nhủ rằng, những khối u trong cơ thể có thể làm bạn yếu đi nhưng tinh thần bạn thì sẽ không bao giờ khuất phục. Như vậy, bạn sẽ nhận ra mình kiên cường và mạnh mẽ hơn cả căn bệnh quái ác kia.

Lập kế hoạch cho gia đình

Lập kế hoạch cẩn thận để làm giảm gánh nặng tài chính, pháp lý và tình cảm mà gia đình bạn sẽ phải đối mặt sau khi bạn mất. Đối với nhiều người, điều này thật khó khăn khi bàn đến, nhưng có thể nó sẽ giúp bạn an lòng và yên tâm hơn về những người thân yêu.

Làm rõ các vấn đề bảo hiểm

Liên hệ công ty bảo hiểm sức của bạn nếu bạn quyết định thử một cách điều trị mới hoặc chuyển vào sống trong viện điều trị. Hầu hết các kế hoạch bảo hiểm đều bao gồm điều này. Họ cũng có thể bao gồm các đợt thăm bệnh ngắn của y tá hay một trợ lý sức khỏe vài lần một tuần. Bạn hãy nắm chắc thông tin về những điều bảo hiểm có thể hỗ trợ và các chi phí mà bảo hiểm có thể chi trả cho bạn, điều này có thể ngăn chặn các chi phí phát sinh.

Sắp xếp giấy tờ cần thiết

Bạn có thể giúp gia đình sắp xếp hồ sơ, hợp đồng bảo hiểm, tài liệu và hướng dẫn. Bạn có thể gọi một luật sư hay nhờ một người làm kế toán để đảm bảo các số liệu và cách sắp xếp đều chính xác. Ngân hàng của bạn có thể trả lời câu hỏi về làm thế nào để thay đổi chủ tài khoản hay thẻ tín dụng của bạn cho người thân.

Ngoài ra, bạn hãy lập danh sách những nơi mà gia đình bạn có thể tìm thấy giấy tờ quan trọng. Ví dụ như bạn có thể bảo quản giấy tờ trong một hộp chống cháy hoặc đưa cho luật sư. Nếu giấy tờ của bạn đang ở trong một két an toàn, hãy đảm bảo rằng một thành viên gia đình hoặc bạn bè có thể mở được két. Bên cạnh đó, mặc dù các tài liệu gốc cần cho mục đích pháp lý, bạ vẫn cần đưa cho các thành viên trong gia đình bản sao.

Có rất nhiều loại giấy tờ khác nhau mà gia đình bạn sẽ cần, chẳng hạn như:

  • Thông tin ngân hàng, các khoản tiết kiệm và khoản vay mà bạn đang chịu trách nhiệm;
  • Mật mã két sắt an toàn;
  • Thông tin về công ty bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế,
  • Luật sư;
  • Kế hoạch nghỉ hưu hoặc lương hưu;
  • Các công ty đầu tư;
  • Các công ty thẻ tín dụng.

Bạn có thể muốn giúp gia đình lên kế hoạch làm đám tang hoặc tưởng niệm chính mình. Một số người nhờ đến dịch vụ hỗ trợ. Hãy nói chuyện với gia đình về các loại dịch vụ mà bạn muốn.

Tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống của người ung thư giai đoạn cuối

Trải qua bệnh ung thư có thể giúp bạn có những khoảng lặng cần thiết để chiêm nghiệm và thấu hiểu hơn về giá trị cuộc sống. Thay vì đắm chìm trong tuyệt vọng, bạn hãy dành thời gian để suy ngẫm về bản thân, về cuộc sống và con người xung quanh. Dưới đây là gợi ý về những giá trị mà bạn nên dành thời gian để suy ngẫm và đúc kết:

  • Hiểu được mục đích sống và vốn sống mình để lại được cho đời;
  • Nhìn lại những điều mình đã trải qua trong cuộc sống;
  • Tìm cảm giác bình an và sự nối kết với những người khác;
  • Tìm kiếm sự tha thứ cho bản thân hoặc người khác cho những hành động diễn ra trong quá khứ;
  • Hãy tìm câu trả lời và sức mạnh từ tôn giáo hay tâm linh.

Mỗi người có những ý nghĩ khác nhau về cuộc sống sau khi chết, phép lạ hay niềm tin tôn giáo. Đây là một vấn đề hết sức cá nhân và mỗi người đều có cảm nhận và niềm tin khác nhau. Một số người tìm thấy ý nghĩa cuộc sống thông qua tôn giáo hay thế lực siêu nhiên như Chúa Trời, Đức Phật … Một số người tìm thấy nó bằng cách giảng dạy hoặc thông qua công việc tình nguyện. Một số người lại tìm kiếm nguồn sức mạnh thông qua những cách khác, chẳng hạn như tiếp xúc gần gũi thiên nhiên hoặc thông qua thiền định.

Ung thư sẽ thay đổi các giá trị của người bệnh như thế nào?

Lúc này, của cải hay những nghĩa vụ cao xa trở nên ít quan trọng hơn. Thay vào đó, bạn thường mong muốn được dành nhiều thời gian với những người thân yêu hay giúp đỡ người khác. Bạn sẽ nhận ra được những bài học cuộc sống và biết được ai là người thân thương nhất với mình.

Bạn có thể đã suy nghĩ đến những vấn đề này trước đây. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thấy dễ chịu hơn khi hiểu sâu hơn những giá trị trên. Bạn có thể tìm kiếm các giá trị trong các mối quan hệ thân cận, trong cộng đồng tín ngưỡng hoặc với một chuyên gia tâm lý.

Đôi lúc, bạn cũng có thể chỉ muốn dành thời gian cho chính mình để suy nghĩ về kinh nghiệm và mối quan hệ của bản thân. Tìm về với thiên nhiên cũng có thể mang lại một cảm giác bình yên để bạn có thể chiêm nghiệm nhiều hơn về cuộc đời mình. Ngoài ra, nhiều người thấy rằng việc cầu nguyện, thiền định hoặc nói chuyện với những người khác đã giúp họ đối phó và khám phá cuộc sống của bản thân.

Người bệnh ung thư giai đoạn cuối nên tận dụng thời gian của mình như thế nào?

Bệnh ung thư sẽ giúp cho bệnh nhân và gia đình cơ hội nhìn lại giái trị cuộc sống và tất cả những gì đã làm. Có thể họ sẽ suy nghĩ lại những điều quan trọng chẳng hạn như nhìn vào các vai trò khác nhau của bản thân trong suốt cuộc đời, nghĩ về những điều có nghĩa vào một thời điểm nhất định trước đây, và những gì nó có nghĩa bây giờ. Bạn cũng có thể lượm lặt lại những điều có ý nghĩa và gửi cho người thân yêu hoặc chia sẻ những kỷ niệm, tạo ra các dự án với người thương.

Ngoài ra, bạn có thể để lại một di sản hay kỉ vật nào đó, chẳng hạn như làm một đoạn video về kỷ niệm đặc biệt, kiểm tra hoặc sắp xếp lại album ảnh gia đình, vẽ hoặc viết lịch sử gia đình hoặc cây phả hệ, viết nhật ký hàng ngày về cảm xúc và trải nghiệm của bạn… Một số bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường thích làm một cuốn sổ lưu niệm, viết thư hoặc làm video cho người thân và con bạn, đọc hoặc viết thơ. Thậm chí, rất nhiều người đã tận dụng những giây phút cuối cùng để tạo tác phẩm nghệ thuật hay đồ trang sức. Họ luôn cảm thấy mình có ích và có giá trị ngay cả khi thời gian không còn nhiều.

Nếu không giỏi về nghệ thuật, bạn chỉ cần trao gửi những vật ý nghĩa hay đồ lưu niệm cho người thân, viết hoặc ghi âm lại câu chuyện hài hước hay có ý nghĩa, trồng cây cảnh hoặc hoa cùng người thân, làm một bản ghi âm bài hát yêu thích, thu thập các công thức nấu ăn yêu thích vào một cuốn sách nấu ăn.

Bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn nhằm mang lại niềm vui và ý nghĩa cho bản thân. Một số người bị ung thư cũng làm di chúc đạo đức. Đây không phải văn bản pháp lý hợp lệ mà là những dòng chia sẻ với những người thân yêu. Nhiều di chúc đạo đức chứa những suy nghĩ của người bệnh về các giá trị, những kỷ niệm và hy vọng. Họ cũng có thể nói về những bài học kinh nghiệm trong cuộc sống hay những điều có ý nghĩa. Bạn có thể nói bất cứ điều gì mình muốn, theo bất cứ cách nào.

Mỗi người sinh ra đều có một ý nghĩa đặc biệt. Và dù ở thời điểm hay hoàn cảnh khó khăn nào, bạn cũng có thể tạo nên ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Hãy luôn nhìn vào mặt tích cực của mọi vấn đề, làm những điều tốt nhất có thể cho chính bạn và những người xung quanh. Tinh thần lạc quan có thể giúp bạn kéo dài thời gian sống, giữa cuộc đời và cả trong trái tim của người khác.

Bạn có thể quan tâm một số bài viết liên quan sau đây:

  • Vượt qua nỗi buồn khi mắc ung thư
  • 1001 thắc mắc về tâm lí của người bị ung thư

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!