Thủy đậu: Bệnh không nguy hiểm nhưng dễ biến chứng
Bệnh xuất hiện chủ yếu ở trường học, cơ quan hay xí nghiệp. Thủy đậu dễ gây thành dịch vì siêu vi có tốc độ lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp. Các khả năng lây nhiễm là qua tiếp xúc với dịch tiết của các bóng nước vỡ ra của người bệnh; từ mẹ sang con khi mẹ bị nhiễm thủy đậu trong thai kỳ. Bệnh còn có thể lây lan từ những người bệnh trong giai đoạn ủ bệnh khi chưa có triệu chứng rõ ràng.
Hầu hết bệnh thủy đậu sẽ khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, người mắc có thể bị viêm da, viêm phổi hay viêm não, thậm chí tử vong. Đặc biệt, trẻ sinh ra từ mẹ mắc bệnh thủy đậu có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, sẹo ở da và một số bất thường khác.
Các nốt bỏng nước xuất hiện khi bị thủy đậu
Thời điểm tốt nhất để tiêm phòng
Tiêm phòng thủy đậu sớm trước 1 tháng khi mùa dịch bắt đầu để hạn chế tốt nhất nguy cơ nhiễm bệnh. Cũng như các loại vắc-xin khác, vắc-xin thuỷ đậu cần có thời gian ít nhất là 1-2 tuần để có thể phát huy tác dụng. Hơn nữa trong mùa dịch, nguy cơ tiếp xúc với người mang mầm bệnh là rất cao.
Ngoài ra, chủng ngừa trước mùa dịch cũng có thể tiết kiệm thời gian, tránh tình trạng chen chúc, chờ đợi tiêm phòng khi dịch đến. Và nhu cầu chủng ngừa tăng cao thường khiến vắc-xin bị khan hiếm.
Nếu bạn có tiếp xúc với người mắc bệnh thì vẫn có thể đến cơ sở y tế để được tiêm ngừa. Tuy vậy, nếu thời gian tiếp xúc trên 5 ngày thì nhiều khả năng vắc-xin sẽ không bảo vệ được bạn khỏi nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, do vắc-xin ngừa bệnh thủy đậu cần thời gian khoảng 2 tuần lễ để đạt được miễn dịch tốt nhất, nên trong khoảng thời gian này nếu bạn có tiếp xúc với nguồn lây thì vẫn có khả năng bị mắc bệnh. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, nếu bạn phát bệnh sau tiêm ngừa thì các triệu chứng bệnh cũng sẽ được giảm nhẹ rất nhiều và hầu như không xảy ra biến chứng.
Trẻ em là đối tượng dễ mắc thủy đậu nhất
Những đối tượng không nên tiêm vắc-xin thủy đậu
- Người bị dị ứng với vắc-xin hoặc bất cứ thành phần nào của vắc xin. Vì vậy khi đi tiêm phòng, bạn cần nói cho bác sĩ biết tất cả tiền sử về dị ứng của mình.
- Phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai.
- Có kế hoạch thai trong vòng 1 tháng sau tiêm ngừa.
- Những người có bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch, bất thường về máu, ung thư, nhiễm HIV, đang hoá trị liệu, bệnh lao.
- Điều trị liều cao corticoid.
- Đang mắc bệnh nặng.
Đối với trẻ nhỏ, khi nào nên hoãn tiêm vắc-xin?
Tiêm phòng là cách phòng bệnh tốt nhất
Trong một số trường hợp việc tiêm vắc-xin phòng ngừa thủy đậu có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm cho trẻ. Không nên tiêm cho trẻ nếu:
- Trẻ trong tình trạng sốt cao.
- Mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính.
- Trẻ đang bị viêm da có mủ, hoặc bệnh chàm ngoài da.
- Trẻ mắc một bệnh mạn tính đang tiến triển như lao phổi, tràn dịch (có nước) màng phổi, nhất là đang có bệnh ở thận (như viêm thận mạn tính).
- Trẻ mới khỏi bệnh nặng, đang trong thời kỳ hồi sức.
Lưu ý một số phản ứng phụ sau tiêm
- Sưng, đỏ, đau ngay vị trí tiêm.
- Sốt nhẹ.
- Phát ban nhẹ, có thể xảy ra trong khoảng thời gian từ 5-26 ngày sau tiêm phòng.
- Dị ứng với vắc-xin thủy đậu: thường rất hiếm xảy ra, nếu có sẽ xuất hiện trong vòng 15 phút sau tiêm. Do đó sau khi được chủng ngừa, cần ngồi lại cơ sở y tế khoảng 30 phút để theo dõi.
ThS. Nguyễn Kiên Cường- Y học Dự phòng - Viện Y học dự phòng Quân đội cho biết: 'Nếu mẹ bầu chưa tiêm phòng thủy đậu mà bị mắc bệnh thì cần tiêm kháng huyết thanh VZIG trong vòng 96 giờ sau khi bị bệnh để ngừa biến chứng nặng ở mẹ. Thai phụ cần định kỳ khám thai, theo dõi sự phát triển của thai nhi theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa'.
Ảnh minh họa: Internet
Vân Doãn
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!