Trước khi gặp bác sĩ hỏi về việc sử dụng thuốc có hoạt chất meloxicam, bạn cần chuẩn bị trước một số thông tin để việc thăm khám trở nên dễ dàng hơn.
Meloxicam được biết đến như một loại hoạt chất đặc trị có tác dụng giảm đau, nhưng cũng như mọi loại thuốc khác, meloxicam cũng có có những tác dụng phụ không mong muốn và bạn cần lưu ý trước khi sử dụng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một vài thông tin hữu ích, từ đó bạn có thể dễ dàng điều trị bằng hoạt chất meloxicam với sự chỉ định của bác sĩ.
Meloxicam là gì?
Hoạt chất meloxicam thuộc nhóm thuốc kháng viêm không steroid (còn được gọi là NSAIDs), có tác dụng chặn sự hoạt động của các enzyme có vai trò trong quá trình tạo ra prostaglandin. Prostaglandin là chất xuất hiện ở vùng bị tổn thương, nó gây đau và nhiễm trùng. Nhờ vào khả năng làm bất hoạt các enzyme, quá trình sản xuất prostaglandin bị ngăn cản, giảm đau đớn và giảm viêm.
Ở Việt Nam có nhiều thuốc chứa hoạt chất meloxicam: một thuốc biệt dược gốc (brand) và nhiều thuốc phiên bản (generic).
Cần nói với bác sĩ điều gì trước khi sử dụng hoạt chất meloxicam?
Hoạt chất meloxicam là NSAIDs đạt được sự cân bằng tác động giữa các cơ chế nên an toàn hơn trên tim mạch và dạ dày so với các NSAIDs khác. Tuy nhiên, trước khi sử dụng thuốc có chứa hoạt chất này, bạn cần thông bao với bác sĩ nếu bạn:
- Mắc bệnh hen suyễn hoặc dị ứng;
- Bị đau do viêm loét dạ dày hoặc tá tràng;
- Có rối loạn viêm ruột (bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng);
- Mắc bệnh gan hoặc thận;
- Có các vấn đề về tim mạch, tuần hoàn;
- Huyết áp cao;
- Chỉ số đường huyết hoặc cholesterol trong máu cao;
- Hút thuốc lá;
- Có vấn đề về đông máu;
- Bị lupus ban đỏ toàn thân;
- Có dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào thuộc nhóm NSAID hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác;
- Đang dùng bất cứ loại thuốc nào nữa.
Nếu đang sử dụng thuốc chống trầm cảm, bạn cần nói với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc có hoạt chất meloxicam. Thông thường, các loại thuốc như Citalopram, Escitalopram, Sertraline (Zoloft), Trazodone, Vilazodone, Fluoxetine (Prozac), Fluvoxamine hoặc Paroxetine sẽ phản ứng với Meloxicam. Những người dùng thuốc chống suy nhược hay chống trầm cảm kết hợp với thuốc chống viêm không steroid có thể bị bầm tím và chảy máu bất thường.
Những trị liệu khác có thể gây tương tác với hoạt chất meloxicam bao gồm sử dụng thuốc Cyclosporine, Lithium, Methotrexate, Natri polystyrene sulfonat (kayexalate), chất chống đông máu (Warfarin, Coumadin, Jantoven), thuốc lợi tiểu hoặc “thuốc nước” hay thuốc steroid. Nếu dùng các thuốc trên, bạn nên báo với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc có hoạt chất meloxicam.
Ngoài ra, bạn nên nói với bác sĩ nếu bạn đang hoặc muốn mang thai. Các nghiên cứu cho thấy việc sử dụng thuốc có hoạt chất meloxicam trong suốt 3 tháng có nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi. Loại thuốc này tác động đến quá trình rụng trứng, gây ảnh hưởng đến việc thụ thai. Thành phần meloxicam có thể lây truyền từ mẹ sang con nếu bạn đang trong quá trình cho con bú. Bạn hãy hỏi bác sĩ làm thế nào để ngăn cản hoặc giảm thiểu phản ứng đó.
Nói với bác sĩ điều gì khi đang trong quá trình sử dụng meloxicam?
Vì hoạt chất meloxicam có thể gây ra phản ứng phụ, bạn cần chú ý nhận ra những thay đổi ở cơ thể mình. Những khó chịu có thể sẽ giảm dần khi bạn quen với thuốc. Tuy nhiên, bạn cần báo ngay với bác sĩ khi có các triệu chứng sau đây:
- Nôn mửa;
- Mệt mỏi;
- Tiêu chảy;
- Táo bón;
- Khó tiêu;
- Buồn nôn;
- Nhức đầu;
- Chóng mặt hoặc buồn ngủ;
- Buồn nôn;
- Tâm tính bất thường;
- Rối loạn giấc ngủ.
Ngoài ra, NSAIDs là nhóm thuốc có nhiều hoạt chất khác nhau như Diclofenac, Ibuprofen, Ketoprofen, Naproxen….Và có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, không nên dùng phối hợp hai hoạt chất của nhóm NSAIDs trong một lúc vì hiệu quả điều trị không tăng nhưng tác dụng phụ lại là phép cộng gộp của hai hoạt chất.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn trong việc sử dụng thuốc có hoạt chất meloxicam.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Bài tập cơ xương khớp đơn giản dành cho giới văn phòng
- 5 bước ngăn ngừa thoái hóa khớp
- Ảnh hưởng tiêu cực từ thuốc chống trầm cảm (Phần 1)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!