Những hệ lụy do thiếu i-ốt

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

I-ốt là một vi chất cần thiết để sản xuất hormon tuyến giáp. Tuyến giáp là một tuyến nội tiết hình bướm nằm ở phía dưới cổ.

Tuyến giáp có chức năng tạo ra các hormon tuyến giáp cho máu và chuyển tới các tế bào trong cơ thể. Hormon tuyến giáp giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm và giúp não bộ, tim, cơ bắp và các cơ quan hoạt động bình thường. Nếu không có đủ i-ốt, có thể sẽ không thể tạo đủ hormon tuyến giáp.

Hệ lụy do thiếu hụt i-ốt

Tất cả các hệ lụy do thiếu hụt i-ốt đều liên quan đến tuyến giáp:

Bướu cổ: Nếu không có đủ i-ốt, tuyến giáp sẽ bị phình dần lên (phát triển thành bướu cổ), bởi vì khi thiếu i-ốt, tuyến giáp phải hoạt động nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu sản xuất hormon tuyến giáp. Trên thế giới, thiếu hụt i-ốt là nguyên nhân phổ biến gây phình tuyến giáp và bướu cổ. Khi bị bướu cổ, các nốt tuyến giáp sẽ lớn hơn, do vậy, người bị bướu cổ có thể bị nghẹt thở, đặc biệt nằm sấp, khó nuốt và khó thở.

Suy giáp: Hàm lượng i-ốt trong cơ thể giảm xuống sẽ dẫn đến suy giáp, vì i-ốt rất cần thiết cho việc sản xuất hormon tuyến giáp. Mặc dù tình trạng này không phổ biến ở Mỹ, nhưng thiếu i-ốt vẫn được coi là nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh suy giáp trên toàn thế giới.

Những hệ lụy do thiếu i-ốt

Những hệ lụy do thiếu i-ốt gây ra.

Các vấn đề có liên quan đến thai kỳ: Thiếu hụt i-ốt đặc biệt nghiêm trọng đối với phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú. Thiếu i-ốt trầm trọng ở người mẹ có liên quan đến sẩy thai, thai chết lưu, sinh non và khuyết tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. Trẻ có mẹ bị thiếu i-ốt nặng trong thai kỳ có thể bị khuyết tật trí tuệ và có nhiều vấn đề về tăng trưởng, khả năng ngôn ngữ và thính lực. Thậm chí thiếu i-ốt nhẹ trong thời kỳ mang thai cũng có thể làm trẻ kém thông minh. Ở dạng nghiêm trọng nhất, tuyến giáp hoạt động kém có thể dẫn đến chứng mất trí (một hội chứng có đặc trưng là tổn thương não vĩnh viễn, khuyết tật trí tuệ, điếc, triệu chứng co thắt và thấp còi). Suy giáp bẩm sinh do thiếu hụt i-ốt là nguyên nhân phổ biến dẫn đến khuyết tật trí tuệ trên toàn thế giới mà có thể phòng ngừa được.

Làm thế nào để chẩn đoán thiếu hụt i-ốt?

Thiếu i-ốt được chẩn đoán trên toàn bộ cộng đồng chứ không ở mức độ từng cá nhân. Vì i-ốt được giải phóng từ trong cơ thể bệnh nhân thông qua nước tiểu nên cách tốt nhất để xác định thiếu i-ốt trên một quần thể dân số lớn là đo lượng i-ốt niệu. Thiếu i-ốt được định nghĩa là nồng độ i-ốt niệu trung bình trong toàn bộ quần thể nhỏ hơn 50microgam/L.

Trong hai thập kỷ qua, Hoa Kỳ được đánh giá là quốc gia có đủ i-ốt, mặc dù có nghiên cứu chỉ ra rằng hàm lượng i-ốt niệu đã sụt giảm khoảng một nửa trong những năm 1970 và đầu những năm 1990. Tuy nhiên, ở những nơi khác trên thế giới, như một số khu vực ở châu Âu, châu Phi và châu Á, thiếu hụt i-ốt vẫn là một vấn đề nghiêm trọng.

I-ốt được cung cấp từ những nguồn nào?

I-ốt tồn tại ở dạng tự nhiên trong đất và nước biển. Hàm lượng i-ốt trong thực phẩm ở những vùng khác nhau trên thế giới thì cũng khác nhau. Người dân ở Mỹ có thể nhận đủ lượng i-ốt cần thiết từ chế độ ăn uống hàng ngày do sử dụng muối i-ốt (trừ khi họ phải hạn chế lượng muối trong chế độ ăn), hoặc nhờ sử dụng loại thực phẩm có hàm lượng i-ốt cao, đặc biệt là các sản phẩm từ sữa, hải sản, thịt, bánh mì, trứng và uống vitmain tổng hợp có chứa i-ốt.

Điều trị thiếu hụt i-ốt

Giống như với căn bệnh khác, với chứng thiếu hụt i-ốt thì phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Trong vòng 80 năm qua, trên toàn thế giới đã có nhiều nỗ lực nhằm chấm dứt sự thiếu hụt i-ốt và việc chấm dứt hoàn toàn thiếu hụt i-ốt là một mục tiêu quan trọng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Muối i-ốt là trụ cột chính trong điều trị thiếu i-ốt trên toàn thế giới, kể cả ở Mỹ. Biện pháp bổ sung i-ốt vào dầu ăn đã được áp dụng ở một số nơi trên thế giới khi không thể bổ sung i-ốt vào muối. Bổ sung i-ốt vào nước cũng đem lại hiệu quả ở một số nơi.

((Theo Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ))

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!