Đây là cảnh báo của UNICEF và WHO trong tuyên bố chung ngày 7/6/2018, kêu gọi các cơ quan quản lý tăng cường thực thi các quy định về bổ sung vi chất vào thực phẩm nhằm bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 09/2016/NĐ-CP về việc bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào muối, bột mì, dầu ăn và sử dung muối I-ốt và bột mì đã bổ sung vi chất trong chế biến thực phẩm. Nghị định được ban hành trên cơ sở các bằng chứng khoa học về việc cần phải hành động để giải quyết vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng nghiêm trọng của người dân Việt Nam. Nghị định cũng phù hợp với các khuyến nghị quốc tế về một chiến lược có hiệu quả cao với chi phí thấp giúp phòng ngừa và kiểm soát thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, cũng như cho thấy cam kết của Chính phủ trong lĩnh vực cải thiện sức khỏe nhân dân.
Tuyên bố chung nhấn mạnh, tăng cường vi chất vào thực phẩm, bao gồm cả việc sử dụng nguyên liệu đã được bổ sung vi chất trong chế biến thực phẩm là một xu hướng toàn cầu, không gây ra tác động bất lợi nào lên thành phẩm cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bổ sung vi chất vào thực phẩm góp phần tạo ra một lực lượng dân số khoẻ mạnh và thông minh sẽ đóng góp nhiều lợi ích hơn cho xã hội và sự phát triển của quốc gia, bao gồm phát triển năng lực cạnh tranh.
WHO khuyến cáo cần tăng cường i ốt trong muối ăn hàng ngày. Ảnh minh họa.
Việc bổ sung vi chất vào thực phẩm chế biến và các loại gia vị mặn, dầu ăn và bột mì, đã được toàn cầu ghi nhận và là một chiến lược hiệu quả với chi phí thấp để tăng lượng dưỡng chất vào cơ thể mà không cần phải thay đối thói quen ăn uống hoặc cần tới nguồn ngân sách lớn của quốc gia. Mỗi đô-la chi cho việc bổ sung I-ốt vào muối và tăng cường vi chất vào bột mì sẽ cho lợi nhuận 10 đô-la Mỹ.
WHO đã khuyến cáo toàn bộ muối ăn được dùng trong gia đình hay chế biến thực phẩm đều cần được tăng cường I-ốt như là chiến lược hiệu quả và an toàn để phòng ngừa và kiểm soát các rối loạn do thiếu I-ốt gây ra. Đã có các chứng cứ khoa học trên toàn cầu về việc sử dụng muối I-ốt trong chế biến thực phẩm không gây ra các tác động bất lợi nào tới màu, mùi và vị của thành phẩm.
WHO cũng đề nghị bổ sung vi chất vào bột mì khi đa số dân trong một quốc gia thường xuyên tiêu thụ bột mì được chế biến công nghiệp. Do dó, số nước có quy định bắt buộc bổ sung vi chất vào muối, bột mì và dầu ăn lần lượt là 108, 85 và 29. Đặc biệt, trong 108 quốc gia đang bắt buộc bổ sung I-ốt vào muối ăn, có 98 nước yêu cầu dùng muối đã bổ sung I-ốt cho thực phẩm chế biến.
Trong hai năm qua, Chính phủ Việt Nam đã hành động rất tích cực vì sức khoẻ cộng đồng để phòng chống và kiểm soát thiếu hụt vi chất và những nỗ lực này cần được tiếp tục. WHO và UNICEF mạnh mẽ khuyến cáo Chính phủ Việt Nam tăng cường thực hiện Nghị định 09, bao gồm đảm bảo thực phẩm được chế biến bằng muối I-ốt và bột mì đã được bổ sung vi chất, còn doanh nghiệp thì cần được tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo sự tuân thủ của họ. Các doanh nghiệp chế biến và phân phối thực phẩm cần được hỗ trợ với các quy định rõ ràng hướng dẫn thực hiện Nghị định và sử dụng nguyên liệu đã bổ sung vi chất để chế biến thực phẩm.
Ở Việt Nam, phần lớn nguồn muối và bột mì được tiêu thụ là từ thực phẩm chế biến và bữa ăn ngoài gia đình. Do đó, việc bổ sung vi chất vào thực phẩm như Nghị định 09 quy định không phải là rào cản đối với hoạt động kinh doanh và ngành công nghiệp thực phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có cơ hội xin miễn trừ những trường hợp hãn hữu khi chứng minh được có các tác động tiêu cực đến sản phẩm hoặc doanh thu cuối cùng của họ...- tuyên bố chung nói.
Thiếu hụt i-ốt là nguyên nhân chính dẫn đến mất khả năng trí tuệ ở trẻ em, thai chết lưu và sảy thai ở phụ nữ. Việt Nam đang nằm trong nhóm 19 nước còn lại trên thế giới bị thiếu I-ốt.
Điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ (MICS) năm 2011 chỉ ra rằng chỉ có 45% hộ gia đình ở Việt Nam đang sử dụng muối I-ốt, thấp hơn nhiều so với mức khuyến cáo toàn cầu về phổ cập sử dụng muối I-ốt toàn dân là 90%. Gần 30% trẻ em dưới 5 tuổi và 37% phụ nữ mang thai bị thiếu máu.
Thiếu hụt kẽm rất cao ở trẻ em (69%) và phụ nữ mang thai (80,3%). Thiếu sắt làm tăng nguy cơ tử vong mẹ, phát triển thai nhi kém, suy yếu phát triển nhận thức, vận động ở trẻ em cũng như giảm năng suất lao động ở người lớn. Thiếu kẽm làm tăng tỷ lệ mắc tiêu chảy, nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và tử vong trẻ em.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!