Mỹ phẩm có tác dụng mạnh mẽ trong việc chăm sóc làn da. Tuy nhiên, cách sử dụng mỹ phẩm không hợp lý sẽ khiến bạn gái phải chịu những tác hại không mong muốn.
Tại sao bị dị ứng mỹ phẩm?
Mặc dù tỷ lệ mỹ phẩm gây dị ứng không nhiều so với số lượng người sử dụng, ước khoảng 680/1 triệu lượt dùng. Trên thực tế số người dùng mỹ phẩm bị dị ứng còn có thể nhiều hơn nhưng không được thống kê đầy đủ do mức độ chưa cần phải đến bác sĩ điều trị.
Dị ứng mỹ phẩm là phản ứng khác thường của da khi tiếp xúc với loại mỹ phẩm mà thành phần có chất 'gây dị ứng' (dị nguyên). Dị ứng mỹ phẩm cũng có thể xảy ra do dùng quá liều lượng; dùng sai phương pháp, sai chỉ định; do làn da người sử dụng không dung nạp hoạt chất của mỹ phẩm.
Khi ta dùng mỹ phẩm, bao gồm tất cả các loại hóa dược, thảo dược… tức là ta đã đưa những 'chất lạ' vào làn da của cơ thể với mục đích làm đẹp. Da của người sử dụng có thể chấp nhận những 'chất lạ' đó với phản ứng bình thường, không ảnh hưởng đến các quá trình sinh học khác của hoạt động sống. Nhưng đôi khi, các hóa chất trong mỹ phẩm lại gây ra phản ứng dị ứng, có khi chỉ là các triệu chứng nhẹ như ngứa ngáy, nổi mày đay, viêm da tiếp xúc tại chỗ.., nhưng cũng có thể gây biến chứng tổn thương da không hồi phục. Nghiêm trọng hơn, dị ứng mỹ phẩm còn có thể gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Dị ứng mỹ phẩm có những đặc điểm gì?
Người sử dụng cần lưu ý một số đặc điểm của dị ứng mỹ phẩm như sau:
Dị ứng mỹ phẩm không phụ thuộc vào liều lượng nên vẫn sẽ xảy ra dị ứng dù lượng mỹ phẩm dùng rất ít. Đây là những phản ứng không đoán trước được của hệ miễn dịch, nhất là trong trường hợp dùng mỹ phẩm lần đầu nhưng cũng có khi dùng mỹ phẩm lần đầu không bị dị ứng nhưng những lần tiếp theo lại xảy ra hiện tượng dị ứng.
Trong mỹ phẩm, ngoài dược chất còn có tá dược, chất bảo quản, kể cả tạp chất và người dùng có thể bị dị ứng với bất cứ thành phần nào.
Phản ứng dị ứng sẽ biến mất khi ta ngưng dùng mỹ phẩm.
Dị ứng mỹ phẩm không phải là tác dụng phụ. Tất cả các loại mỹ phẩm đều có thể có những tác dụng phụ không mong muốn, được ghi cụ thể bên ngoài bao bì.
Dị ứng mỹ phẩm cũng không phải là trường hợp tích lũy, nhiễm độc thuốc do dùng lâu dài như các loại mỹ phẩm có chứa arsenic, thủy ngân, hydroquinone, glucocorticoide…
Phản ứng dị ứng chỉ xảy ra ở một số ít bệnh nhân được gọi là người nhạy cảm hoặc người có 'cơ địa dị ứng'. Cho nên, có loại mỹ phẩm nhiều người dùng không sao nhưng ở người khác thì lại bị dị ứng, thậm chí dị ứng rất nặng.
Dấu hiệu của dị ứng mỹ phẩm
Người sử dụng cảm thấy bị đau rát, ngứa vùng da bôi mỹ phẩm.
Nổi mẩn ngứa, có thể lúc đầu ít rồi tăng dần thành những nốt ban đỏ, mụn nước nơi bôi mỹ phẩm. Vùng quanh mắt thường bị hiện tượng này.
Da mặt bị viêm tấy, đôi khi người sử dụng mỹ phẩm cảm thấy tức ngực, khó thở (như trường hợp bị dị ứng thuốc nhuộm tóc).
Da xuất hiện vết nhám đen hoặc mất sắc tố do bị phản ứng với ánh sáng khi sử dụng một số hoá chất hay chất chiết suất từ thực vật. Một số trường hợp nổi phát ban dạng mụn trứng cá.
Móng tay, móng chân bị bong tróc, thay đổi màu, viêm tấy do các loại hóa chất dùng sơn móng, rửa móng.
Tóc giòn, gãy, xơ cứng do các loại thuốc nhuộm tóc, uốn tóc, duỗi tóc…
Ngoài những tác dụng tại chỗ như trên, dị ứng mỹ phẩm còn có thể có tác hại toàn thân, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng hay để lại di chứng lâu dài.
Qua thực tế lâm sàng, các bác sĩ chuyên khoa Da liễu nhận thấy những loại mỹ phẩm thường gây dị ứng nhất do người sử dụng là nước hoa, thuốc mọc tóc, kem làm trắng da, kem chống nếp nhăn, thuốc nước hoặc kem chống mọc lông. Kế đó là các loại thuốc nhuộm tóc, kem dưỡng tóc, hoá trang mặt, kem điều trị mụn trứng cá, kem lót khi trang điểm, son môi, thuốc vệ sinh, sữa tắm, kem chống nắng, thuốc khử mùi…
Lời khuyên khi bị dị ứng mỹ phẩm
Nếu nghi ngờ bị dị ứng loại mỹ phẩm nào, việc đầu tiên là ta phải ngừng sử dụng ngay. Nếu triệu chứng dị ứng vẫn còn và đang dùng nhiều loại mỹ phẩm cùng lúc thì phải ngưng dùng tất cả, sau đó có thể dùng lại dần từng loại một để xác định 'thủ phạm' chính đã gây dị ứng. Trường hợp các triệu chứng dị ứng xảy ra nghiêm trọng, cần đến khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Tuyệt đối không nên tiếc rẻ, cố gắng sử dụng lại tiếp hoặc tự điều trị vì có thể gây nguy hiểm. Đặc biệt, những người có cơ địa dị ứng, chàm, sẩn ngứa, mày đay, hen phế quản... lại càng nên thận trọng khi dùng mỹ phẩm. Không nên lạm dụng việc đắp mặt nạ thiên nhiên vì các hóa chất bảo quản sản phẩm hay nhựa tiết ra từ củ quả… đều có thể gây dị ứng cho da.
Tốt nhất, nên đến bác sĩ chuyên khoa Da liễu để khám ngay và được chỉ định điều trị thích hợp. Việc điều trị muộn hay tự điều trị có thể làm tình trạng dị ứng nặng thêm, khó lành và để lại biến chứng mất thẩm mỹ trên da không hồi phục.
Cách lựa chọn mỹ phẩm thích hợp
Hiện nay nghệ thuật quảng cáo mỹ phẩm đã đạt đến trình độ rất cao, dễ làm xiêu lòng người tiêu dùng. Sau đây là các khuyến cáo của giới chuyên môn giúp ta có thể lựa chọn được loại mỹ phẩm thích hợp:
Chọn mua những loại mỹ phẩm đã quen dùng, có nguồn gốc sản xuất rõ ràng, chất lượng tin cậy và chưa từng gây dị ứng. Không nên chọn mỹ phẩm sử dụng giống người khác hoặc qua sự giới thiệu.
Khi dùng một loại mỹ phẩm mới, ta phải bôi thử một ít trên da (sau vành tai chẳng hạn) và theo dõi sau ít nhất 24 giờ, nếu không có triệu chứng gì lạ xảy ra mới có thể an tâm sử dụng tiếp.
Nên chọn loại sản phẩm mà bao bì có dung lượng lớn, dùng được tương đối lâu. Trong quá trình sử dụng phải bảo quản cẩn thận, tránh ánh nắng và nhiệt độ cao. Khi dùng xong, như đậy nắp kỹ và phải thường xuyên làm vệ sinh các dụng cụ làm đẹp như bông phấn, chổi kẻ môi, mắt… để tránh gây nhiễm trùng da lúc sử dụng.
Không nên dùng chung mỹ phẩm với người khác.
Ảnh minh họa: Internet
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!