Những 'mối tình' đặc biệt giữa bác sĩ và bệnh nhi

Sống khỏe mạnh - 05/05/2024

Chứng kiến những câu chuyện xúc động mà các bác sĩ tận tâm dành cho các bệnh nhi mới thấy rằng còn nhiều lắm những tấm lòng lương y.

Kiên trì dỗ dành để bệnh nhi an tâm trước giờ phẫu thuật

Tháng 9/2015 kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc đã đưa tin về câu chuyện của một bác sĩ phẫu thuật và một bệnh nhi 2 tuổi tại Bệnh viện tỉnh Chiết Giang làm nhiều người xúc động. Khi thấy bé gái khóc nhiều, lo lắng trước giờ phẫu thuật, bác sĩ Shi Zhuo người sẽ thực hiện ca mổ cho bé đã thử nhiều cách nhằm dỗ dành bé.

Anh bế bé gái đang mếu máo trong lòng để em bình tĩnh trở lại. Là một người cha cũng có con gái nhỏ, Shi phần nào hiểu được tâm lý của trẻ nhỏ, anh mở điện thoại của mình bật cho bé gái xem những đoạn video mà con anh vẫn xem. Chỉ một lúc sau, em bé đã vui vẻ trở lại để sẵn sàng cho ca phẫu thuật.

Khi được giới truyền thông đặt câu hỏi về việc làm của mình, vị bác sĩ trên chỉ chia sẻ ngắn gọn rằng: 'Trước giờ phẫu thuật, các y bác sĩ đều có thể động viên, trấn an bệnh nhân bằng nhiều cách khác nhau, đây chỉ là một việc làm bình thường mà thôi'.

Những 'mối tình' đặc biệt giữa bác sĩ và bệnh nhi

Bác sĩ trẻ dỗ dành bệnh nhi trước giờ phẫu thuật

Không chịu khuất phục số phận, bác sĩ vẫn tha thiết phẫu thuật cho bệnh nhi dù người nhà đã bỏ cuộc

Cuối năm 2015, câu chuyện về tập thể các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM đã chiến thắng tử thần, đưa bệnh nhi 2 tuổi đứng giữa sự sống và cái chết trở về với cuộc sống hoàn toàn bình thường khiến không ít người tin tưởng hơn về những tấm gương bác sĩ giàu y đức, tận tâm với nghề nghiệp.

Bệnh nhân 2 tuổi quê ở Sóc Trăng có tiền sử bướu máu khi mới chào đời, dù được điều trị nhưng đến khi bé lên 2 lại xuất hiện khối bướu ở vùng gan khá lớn, nghi ngờ là khối bướu ác tính. Trước tình trạng của bệnh nhi, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 vô cùng trăn trở trước những lựa chọn giành giật sự sống cho cháu bé.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: 'Quá nhiều nguy hiểm có thể xảy ra ngay trên bàn mổ với bệnh nhân'. Trước tình huống nguy cấp, gia đình cháu bé xin bệnh viện cho cháu về nhà để được chết một cách trọn vẹn nơi quê nhà, không phải trải qua đau đớn phẫu thuật. Vì phẫu thuật cũng chưa chắc cháu bé đã có cuộc sống bình thường, trọn vẹn.

Những 'mối tình' đặc biệt giữa bác sĩ và bệnh nhi

Bác sĩ Đào Trung Hiếu bên cạnh bệnh nhân sau mổ (Ảnh: Lê Phương)

Trái ngược với tâm nguyện của gia đình cháu bé, ê kíp y bác sĩ vẫn đồng lòng thuyết phục gia đình 'còn nước còn tát', cơ hội vẫn mở rộng với cháu. Nhiều bác sĩ đầu ngành, có chuyên môn, kinh nghiệm đã tham gia vào ca phẫu thuật kéo dài hơn 5 giờ vô cùng đáng nhớ này. Kết quả, khối bướu nặng 1,35 kg được cắt bỏ. Sau khi xét nghiệm, khối bướu lành tính mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.

Nhờ đa nghi, bác sĩ cứu sống bệnh nhi chấn thương sọ não

Tháng 8/2018, bệnh viện đa khoa Mỹ Phước tiếp nhận bé trai 17 tháng nhập viện cấp cứu trong tình trạng mất ý thức. Cháu bé không ngất xỉu, co giật nhưng lười vận động, ít tiếp xúc. Bác sĩ khoa Nội nhi khám, nghi ngờ bé bị viêm não, động kinh và chỉ định chọc dò dịch não tủy. Tuy nhiên vẫn tiếp tục mời chuyên gia nội thần kinh là bác sĩ Nguyễn Quang Vy đến kiểm tra thêm. Với 25 năm kinh nghiệm trong nghề bác sỹ Vy vô cùng phân vân trước các chẩn đoán ban đầu ghi trong bệnh án của cháu bé.

Vừa quan sát bệnh nhân, ông vừa cố nhớ lại những ca bệnh từng gặp, các tài liệu nghiên cứu từng đọc để tìm sự liên hệ. Ông phán đoán có khả năng cháu bé bị tụ máu ngoài màng cứng vùng thái dương - trán do tai nạn. Hỏi thăm gia đình thì được biết, ít ngày trước đó cháu có bị ngã nhưng không có dấu hiệu bất thường nên gia đình không theo dõi.

Ông đề nghị đồng nghiệp khoa cấp cứu không được chọc dò dịch não tủy trước khi có kết quả CT. Mãi đến khi có thông báo kết quả CT đúng như ông chẩn đoán, cháu bé được can thiệp cứu sống kịp thời.

Những 'mối tình' đặc biệt giữa bác sĩ và bệnh nhi

Công việc của các y bác sĩ luôn quá bận rộn khiến họ không đủ thời gian để chăm sóc bản thân và gia đình (Ảnh minh họa: Internet)

Chăm sóc bệnh nhi nhưng con mình thì không chăm được

Y bác sỹ cũng là những người cha, người mẹ. Họ cũng có những đứa con cần sự chăm sóc của bố mẹ. Bọn nhóc muốn được bố mẹ đưa đi chơi vào ngày nghỉ. Tuy vậy, những ca cấp cứu đột xuất, hay những ca trực liên miên khiến cho những ước muốn nhỏ bé ấy cũng khó thực hiện. Hình ảnh, nữ bác sĩ vội vàng ăn nắm xôi khô và gọi điện cho con ở nhà, tối nay mẹ về muộn vì nhiều ca cấp cứu không phải hiếm.

Đôi khi vì trách nhiệm nghề nghiệp, những người thầy thuốc ấy lại không thể làm trọn vẹn nghĩa vụ và trách nhiệm với những người thân yêu trong gia đình nhỏ của mình. Có biết bao nữ bác sỹ, y tá, điều dưỡng đành chấp nhận để con nhỏ đang khát sữa, cần mẹ ở lại cho ông bà nội ngoại, cho chồng, cho người giúp việc để hoàn thành ca trực đêm với đầy áp lực công việc. Ở bên họ lại là những bệnh nhi đang kêu gào trong đau đớn, là ánh mắt sợ hãi của những ông bố bà mẹ lo sẽ mất đi đứa con bé bỏng, yêu thương vào tay thần chết. Họ chỉ còn trông chờ vào 'bàn tay' của người thầy thuốc, đừng để số phận cướp mất niềm hạnh phúc của gia đình họ. Và trong khoảnh khắc đó, cũng có những người thân yêu của chính những y bác sĩ đó từ giã cõi đời. Cuộc sống vẫn có những điều xót xa đến vậy!

Với mỗi người thầy thuốc, khi khoác trên mình chiếc áo blouse trắng họ mang trọng trách cứu chữa mạng sống con người – nhiệm vụ thiêng liêng, to lớn và đầy gian khó. Trong ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 chúc cho người thầy thuốc ấy vượt qua những khó khăn của nghề nghiệp để xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: 'Lương Y như từ mẫu'.

Thanh Lê

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!