Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh thường có biến chứng nặng. Bệnh khá dễ nhận biết và ở mức độ nhẹ có thể điều trị tại nhà bằng các dung dịch chống nhiễm khuẩn và chăm sóc dinh dưỡng tốt.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh tay chân miệng do nhóm vi-rút đường ruột gây nên như Coxsackievirus, Enterovirus 71 và các vi-rút ruột khác.
Ở nước ta, trong thời gian gần đây thường gặp trường hợp bệnh tay chân miệng do enterovirus 71 gây ra và có thể gây nên những biến chứng ở não (viêm não màng não), tim (suy tim, thoát quản, shock), phổi (viêm phổi gây suy hô hấp)...
Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi (Ảnh minh họa: Internet)
Bệnh có thể phân chia thành 4 mức độ từ nhẹ đến nặng khác nhau. Ở độ 1, trẻ có biểu hiện loét miệng hoặc sang thương ở da. Độ 2 có dấu hiệu rung giật cơ, bứt rứt, chới với. Độ 3, trẻ yếu liệt chi, liệt các dây thần kinh sọ, co giật, hôn mê. Độ 4 có suy hô hấp, phù phổi, tăng huyết áp, trụy mạch.
Bệnh có thể nhầm với dị ứng da, viêm da mủ hay thủy đậu. Do bệnh chủ yếu là lành tính, có thể khỏi trong vòng 5-7 ngày nên khi thấy trẻ có biểu hiện bệnh, phụ huynh không nên quá lo lắng mà cần theo dõi trẻ thật sát sao, tỉ mỉ.
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc đang thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ, trẻ có thể biểu hiện hoảng hốt, nói lảm nhảm, chới với, run chi, co giật... thì rất có thể trẻ đã bị biến chứng của bệnh tay chân miệng.
Để tránh biến chứng đáng tiếc thì việc theo dõi diễn biến của bệnh cũng như chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, bác sĩ cũng khuyến cáo có những trẻ nhỏ mắc bệnh tay chân miệng nhưng ít triệu chứng hoặc không có các dấu hiệu dễ nhận thấy thì cũng cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán theo dõi và điều trị đúng.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!