Những sai lầm trong ăn uống của lứa tuổi học sinh

Dinh dưỡng - 11/24/2024

Ăn quá nhiều, kiêng ăn, ăn vặt, ăn quán, ăn không đúng giờ giấc... là những sai lầm thường gặp của lứa tuổi học sinh.

Dinh dưỡng đối với lứa tuổi học sinh từ 6- 18 tuổi rất quan trọng. Đây là giai đoạn trẻ phát triển nhanh về thể lực, đặc biệt là lứa tuổi dậy thì (11- 15 tuổi). Đây cũng là giai đoạn có nhiều thay đổi của hệ thần kinh- nội tiết mà nổi bật là sự hoạt động của các tuyến sinh dục gây ra những biến đổi về hình thái và sự tăng trưởng của cơ thể.

Do đặc điểm phát triển nhanh như vậy nên nhu cầu về các chất dinh dưỡng đặc biệt là vi chất dinh dưỡng của lứa tuổi này rất cao. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu vi chất dinh dưỡng (vitamin A, sắt, Iốt) ở lứa tuổi học sinh sẽ ảnh hưởng đến phát triển thể lực, chiều cao tối đa cũng như trí lực (khả năng học tập) của các em.

Viện dinh dưỡng Quốc gia cũng chỉ ra những sai lầm thường gặp trong dinh dưỡng mà lứa tuổi học sinh thường gặp phải như ăn quá nhiều, kiêng ăn, ăn vặt, ăn quán, ă không đúng giờ giấc, uống ít nước, uống rượu, bia.

Theo đó Viện dinh dưỡng Quốc gia đã đưa ra các phân tích cụ thể cho từng tình huống:

Ăn quá nhiều

Nhiều em học sinh ăn uống quá nhiều. Các em thích ăn các thức ăn giàu năng lượng và chất béo như món đồ quay, rán, các loại bánh kem, bánh bơ, bánh ngọt, uống các nước giải khát công nghiệp.

Những sai lầm trong ăn uống của lứa tuổi học sinh

Ăn quá nhiều sẽ khiến trẻ dư năng lượng. Ảnh: Internet

Viện dinh dưỡng cũng cho hay lượng thức ăn trong bữa mà các em ăn cũng nhiều hơn so với nhu cầu của lứa tuổi. Ngoài các bữa chính lại thường xuyên ăn vặt, cộng với ít tập luyện, hoạt động thể lực dẫn đến dễ bị thừa cân và béo phì, có nguy cơ cao dễ mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch sau này.

Ăn kiêng

Vì tâm lý sợ béo, sợ xấu nên một số em học sinh ăn kiêng quá thái: đến bữa ăn rất ít cả cơm và thức ăn, kiêng không ăn dầu mỡ, hoặc chỉ ăn 2 bữa trưa và tối mà không ăn bữa sáng. Giảm cơm và thức ăn trong từng bữa và thay thế bằng trái cây…

Với chế độ ăn kiêng như vậy sẽ dẫn đến thiếu năng lượng và các chất dinh dưỡng. Đặc biệt là thiếu các vi chất dinh dưỡng dẫn đến mệt mỏi, kém linh hoạt, học tập kém hiệu quả, giảm trí nhớ. Và nếu các bậc phụ huynh để cho trẻ ăn như vậy trong thời gian dài sẽ dẫn đến một số bệnh: thiếu máu dinh dưỡng, giảm miễn dịch dẫn tới dễ mắc một số bệnh nhiễm khuẩn, kém phát triển thể lực đặc biệt là chiều cao.

Ăn vặt

Hầu hết học sinh thường có thói quen ăn vặt ngay cả sáng sớm, hay lúc tan học về. Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, các thức ăn vặt thường được mua sẵn nên không đảm bảo vệ sinh, do được chế biến bằng những nguyên liệu không an toàn, quá trình bảo quản không đảm bảo sẽ rất dễ gây ngộ độc thực phẩm. Theo số liệu điều tra Viện Dinh dưỡng, phần lớn thức ăn bày bán trên vỉa hè, ngoài cổng trường đều không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác do ăn vặt nhiều nên đến bữa chính, các em sẽ ăn không ngon miệng, việc tiêu hóa hấp thu thức ăn không được tốt.

Giờ giấc và lượng ăn của các bữa ăn không hợp lý: Mỗi ngày các em cần ăn 3 bữa: bữa sáng, bữa trưa và bữa tối. Tỷ lệ năng lượng nên phân phối như sau: Bữa sáng: 30- 35%, bữa trưa: 35- 40% và bữa tối là 20- 25%.

Nhiều em buổi sáng thường nhịn ăn hoặc ăn qua loa đại khái, các bữa ăn không đúng giờ giấc sẽ ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. TS. Hoàng Kim Thanh (Nguyên Giám đốc Trung tâm GDTTDD, Viện Dinh dưỡng) lưu ý: bữa sáng nên là bữa ăn chính vì buổi sáng các em cần nhiều năng lượng và các chất dinh dưỡng để phục vụ cho các hoạt động học tập với cường độ lớn trong bữa sáng. Theo đó bữa sáng nên ăn vào lúc 6h- 7h. Bữa trưa cần ăn no, nên ăn vào lúc 11h-12h trưa. Bữa tối không nên ăn no quá, nên ăn vào lúc 19- 20h.

Nếu các em học ôn thi khuya, có thể ăn thêm một bữa phụ với các thức ăn dễ tiêu (1 cốc sữa, 1 cái bánh ngọt, 1 quả chuối hay 1 củ khoai…)

Ăn ở hàng quán

Hàng quán luôn là địa điểm thu hút các em học sinh mỗi khi tan học, hoặc ngày nghỉ lễ, sinh nhật... Điều này thực sự không tốt về cả mặt dinh dưỡng lẫn tâm lý của trẻ. Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, nếu đê trẻ thoải mái đi ăn hàng quán khi còn đi học sẽ khiến trẻ tiêu nhiều tiền, điều này không khoa học. Hơn nữa thức ăn hàng quán dễ bị ô nhiễm (các hàng quán bán cho học sinh thường mua các thực phẩm giá rẻ, kém chất lượng).

Uống ít nước

Nước rất cần thiết cho mọi hoạt động xảy ra trong cơ thể. Nước giúp cho quá trình tiêu hóa, hấp thu các thành phần dinh dưỡng, đào thải các chất cặn bã và độc hại ra khỏi cơ thể. Nhiều em do mải học hoặc mải chơi rồi quên uống nước, hoặc có thói quen, sở thích không cần canh, hoa quả... Như vậy cơ thể sẽ bị thiếu nước, quá trình chuyển hóa của thức ăn cũng dễ bị ảnh hưởng và làm tăng nguy cơ bị sỏi đường tiết niệu.

Các em cần uống 1,5 – 2l nước/ ngày, tốt nhất là uống nước rau, quả tươi, nước đun sôi để nguội. Hạn chế dùng nước ngọt có ga. Trong bữa ăn, các bậc phụ huynh cần cho trẻ ăn canh. Nhưng không nên ăn canh sau khi đã ăn cơm nhai kỹ với thức ăn và không nên ăn canh trộn chung với cơm ngay khi vào bữa ăn; vì làm như vậy sẽ làm tăng thể tích thức ăn trong dạ dày nên chóng no và hòa loãng dịch vị, làm giảm khả năng tiêu hóa thức ăn.

Uống rượu, bia

Những sai lầm trong ăn uống của lứa tuổi học sinh

Uống rượu bia ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tổn hại não, gây ảnh hưởng xấu tới chức năng gan. Ảnh: Internet

Viện dinh dưỡng quốc gia lưu ý, một số em học sinh do đua đòi hoặc bị chuốc ép nên sử dụng rượu bia. Uống rượu bia ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tổn hại não, gây ảnh hưởng xấu tới chức năng gan.

Do đó các em học sinh cần tránh tất cả những sai lầm về ăn uống đã nêu ở trên. Có như vậy, các em mới có thể phát triển tốt cả về thể lực, trí lực, có một thân hình cân đối và một chiều cao lý tưởng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!