Những trào lưu nhịn ăn kéo dài, hại chết người!

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Cơ thể của một người luôn cần một nguồn năng lượng cơ bản để duy trì chức năng sống, nghỉ ngơi bình thường.

Báo Sức khỏe Đời sống Cuối tuần đã có cuộc phỏng vấn TS.BS. Lưu Ngân Tâm - Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế BV. Chợ Rẫy để biết thêm về các trào lưu nhịn ăn dài ngày.

Những trào lưu nhịn ăn kéo dài, hại chết người!

TS.BS. Lưu Ngân Tâm

Hiện nay, chúng ta bắt gặp rất nhiều thông tin về các trào lưu nhịn ăn kéo dài từ 1,2 tuần đến hơn cả tháng, vậy ở góc độ một chuyên gia dinh dưỡng nhiều kinh nghiệm lâm sàng, như thế nào là đúng, như thế nào là sai?

Nhiều trào lưu nhịn ăn ngày càng trở nên thịnh hành như chỉ uống những thức uống nào đó rất nghèo năng lượng trong một thời gian dài. Thời gian này có thể lên tới hơn một tháng, thậm chí chỉ cần 2 tuần đã được xem như kéo dài rồi. Uống và không ăn gì, có thể là nước ép trái cây, uống dấm, uống nước gạo rang hay một thức uống từ loại gì đó rang lên…

Phụ nữ Việt Nam cần từ 1.500 - 1.600 kcal /ngay để làm việc, buôn bán, sinh hoạt…

Một trào lưu nữa là một ngày chỉ ăn một bữa, hoặc trào lưu ăn kiêng không hề có carbohydrate gì hết gọi là chế độ no - carb. Đây là chế độ gần như hoàn toàn ăn thịt, ăn đạm.

Về mặt quan điểm dinh dưỡng, những trào lưu này đều không hợp lý và có thể gây ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, mà có thể để lại một số hậu quả.

Cơ thể của một người luôn cần một nguồn năng lượng cơ bản để duy trì chức năng sống, nghỉ ngơi bình thường. Nguồn năng lượng đó thông thường chiếm khoảng 60 - 70% trong tổng nhu cầu năng lượng trong một ngày, đảm bảo cho não hoạt động, và các cơ quan như phổi, tim… hoạt động. Khi chúng ta sinh hoạt, cần đi lại, làm việc hàng ngày, vì không ai nằm suốt ngày…, nhu cầu này sẽ tăng lên từ 20 - 40%, thậm chí 80%, với những người lao động nặng hoặc sử dụng trí não nhiều.

Như vậy, để đảm bảo mọi chức năng sống cơ bản nhất cho một người phụ nữ Việt Nam, độ tuổi trưởng thành, chiều cao trung bình, cân nặng trung bình (không thừa cân, không suy dinh dưỡng, không béo phì), nhu cầu dinh dưỡng tương đối thấp và tối thiểu ở chế độ nghỉ ngơi là 1.000 - 1.200kcal. Do đó, họ cần từ 1.500 - 1.600kcal để còn làm việc, buôn bán, sinh hoạt…, lao động nhẹ. Nam giới có nhu cầu cao hơn khoảng 400 - 600kcal.

Một chế độ quá nghèo năng lượng, ví dụ như chỉ uống nước trái cây hoặc rau củ ép hoặc là thức ăn rang được ép lỏng để uống, nguồn năng lượng thiếu hụt rất nhiều. Cơ thể buộc phải sụt cân kèm theo năng lượng cơ thể thiếu hụt kéo dài, và càng ngày càng trầm trọng như vậy, ảnh hưởng trước tiên là sức lao động bị giảm sút. Sau đó, teo cơ kéo theo ảnh hưởng sức khỏe và gây suy giảm miễn dịch. Chưa kể các đồ uống có độ axít cao có thể hại đến đường tiêu hóa.

Người suy dinh dưỡng không thể nào là người có miễn dịch tốt.

Hơn thế nữa, những công thức nhịn ăn không chính thống hoặc khuyến nghị dinh dưỡng không chính thống có thể từ nguồn thực phẩm không an toàn dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.

Những người ăn rất nghèo protein hay tinh bột đường, chỉ chú trọng một chế độ dinh dưỡng toàn đạm, rõ ràng không phù hợp với sinh lý cơ thể. Những tế bào duy trì sự sống như não, hồng cầu, tế bào tim - gan - thận, cơ… đều cần nguồn đường để làm năng lượng. Như vậy, một chế độ không có tinh bột đường, lấy đường ở đâu?

Khi đó, thay vì phân hủy đạm từ thức ăn để tạo thành đường, cơ thể sẽ phân hủy cơ nhưng sẽ kèm theo tăng những chất thải như tăng ure máu. Thận sẽ phải làm việc rất nhiều so với nếu chúng ta ăn một nguồn đạm tương đối theo các nhu cầu bình thường giúp cơ thể đáp ứng, thích nghi được nên sẽ không ảnh hưởng đến chức năng thận. Chế độ toàn đạm về lâu về dài đã có nhiều nghiên cứu chứng minh ảnh hưởng đến chức năng thận và gây suy thận. Chưa kể, chế độ này có thể làm tăng axít uric máu… tăng nguy cơ các bệnh lý về cơ xương khớp như bệnh lý thống phong (gout).

Còn nguồn đạm, như đạm động vật (thịt heo, thịt bò…), luôn chứa nguồn chất béo. Nên chế độ ăn này sẽ kèm cholesterol, làm tăng nguy cơ về bệnh lý tim mạch. Chế độ đạm hoàn toàn, dùng chất xơ không đúng, cũng sẽ tăng nguy cơ ung thư sau này như ung thư đại tràng.

Còn những người ăn ngày một bữa, trong khi cơ thể cần rải năng lượng cho một ngày hoạt động. Đúng, năng lượng cần rất nhiều cho buổi sáng và trưa để làm việc, đặc biệt là buổi sáng sau một đêm nhịn đói, chúng ta rất cần một nguồn năng lượng mới để làm việc. Buổi sáng là buổi quan trọng nhất, nhưng buổi trưa cũng là thời điểm cung cấp năng lượng để làm việc vào buổi chiều.

Với những người có sức khỏe tốt, bỏ bữa trong vòng 1 tháng có thể không bị ảnh hưởng gì, nhưng về sau sẽ có rất nhiều nguy cơ như với cơ chế “bù trừ”, cơ thể sẽ có những cơn thèm, sẽ khiến cho nhiều người ăn ngấu nghiến và ăn nhiều hơn.

Các chế độ như nhịn ăn kéo dài (pro-longed fasting) được cho rằng kích thích hệ miễn dịch, các tế bào não già nua cũ kỹ sẽ chết đi thay thế bằng những tế bào mới ở cấp độ tế bào thần kinh… Giả thuyết này đúng chăng?

Nói gì thì nói, tất cả đều cần phải có bằng chứng khoa học từ những chứng minh bằng thử nghiệm lâm sàng, thứ nhất là trên thực nghiệm, trên động vật sau đó là chứng minh thử nghiệm lâm sàng. Nếu như có những phương pháp hiệu quả như vậy, trên thế giới như Mỹ, người ta không tốn hàng tỷ USD để điều trị béo phì. Mà ở các nước đó với nền khoa học tiên tiến, các nhà khoa học thừa sức chứng minh. Do đó, những quan điểm trên mạng hiện nay đều là những thông tin không chính thống, vì không có một bằng chứng khoa học nào hết.

Làm sao những tế bào được tạo mới là tế bào khỏe khi cơ thể một người “đói trường diễn”

Bản thân tế bào cơ thể sẽ chết theo chương trình, không có tế bào nào sống hoài hoài. Một tế bào muốn tái tạo lại cần chất dinh dưỡng tạo nên màng tế bào, chất dinh dưỡng tạo nên nguyên bào chất, chất dinh dưỡng tạo nên nhân… Không có chất dinh dưỡng, tế bào lấy đâu ngoại trừ phân hủy những chất dự trữ trong cơ thể, nhưng những tế bào được tạo mới lại là tế bào không khỏe. Làm sao những tế bào đó là tế bào khỏe khi cơ thể một người “đói trường diễn”.

Cơ thể “đói trường diễn” dĩ nhiên sức miễn dịch sẽ kém theo. Những chất liên quan đến miễn dịch bản chất là những protein, nên sẽ dẫn đến thiếu hụt protein khi bị suy dinh dưỡng. Người suy dinh dưỡng khi nhập viện đã được chứng minh rất dễ bị nhiễm trùng bệnh viện, dễ bị các loại nhiễm khuẩn, kháng nguyên tấn công xâm nhập. Người suy dinh dưỡng không thể nào là người có miễn dịch tốt.

Những trào lưu nhịn ăn kéo dài, hại chết người!

Nguyên lý, não bộ sẽ cần đường để tạo năng lượng. Khi cơ thể buộc phải tự phân giải cơ để chuyển đổi thành đường. Cơ thể càng ăn cơ nhiều sẽ càng bị teo cơ. Teo cơ bên ngoài dẫn đến vấn đề yếu sức, chưa kể giảm luôn đạm trong máu liên quan đến chức năng miễn dịch, liên quan đến hoạt tính của các enzyme (men), liên quan đến tất cả protein cơ thể.

Chế độ ăn kiêng như thế nào cho đúng?

Tập trung cho bữa ăn nào nhiều mới là câu chuyện đúng. Đầu tiên, chúng ta vẫn phải duy trì đúng 3 bữa, mà làm sao đáp ứng nhu cầu sinh lý, nhu cầu năng lượng, nhu cầu vi chất cho cơ thể tăng trưởng đối với trẻ em, phát triển đối với thanh thiếu niên và mọi hoạt động sinh hoạt của người trưởng thành.

Tập trung vào bữa sáng, ăn tương đối bình thường. Bữa trưa giảm vì đã có nguồn năng lượng dự trữ từ bữa sáng, khi đó có thể giảm bớt nguồn carbohydrate và glucid (tinh bột đường). Buổi tối có thể bỏ qua nguồn carbohydrate, nhưng tăng cường đạm tốt (đậu đỗ, đậu hũ, đạm thực vật hoặc đạm cá) kèm với rau củ quả, vì khi đó bữa ăn chiều cũng rất cần cho các hoạt động sống của cơ thể.

Nền móng tốt của sức khỏe mỗi người là dinh dưỡng và luyện tập, dĩ nhiên kèm theo yếu tố gen trong đó. Các chế độ kiêng ăn đều cần đảm bảo sức khỏe ổn định, sức lao động duy trì tốt, không gây thiếu hụt cơ và vi chất; con người không bị mệt mỏi và về lâu dài không gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý.

Xin cảm ơn TS.BS. Lưu Ngân Tâm!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!