Thả cá chép
Nghi lễ thả cá chép diễn ra vào buổi sáng đến trưa ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Thay vì mua cá chép giấy rồi đem hóa vàng, bạn nên mua cá sống và giao lại trách nhiệm thả cá chép cho các bé trong gia đình.
Bạn có thể hướng dẫn với trẻ rằng: Đây là thời điểm Táo Quân sẽ cưỡi cá chép và rời căn bếp của mỗi gia đình để bay về Trời báo cáo với Ngọc Hoàng những chuyện đã xảy ra trong suốt một năm qua tại mỗi gia đình. Vì vậy, trong năm các bé cần ngoan ngoãn, học tốt, nghe lời ông bà cha mẹ để ông Táo ghi lại những thành tích tốt của các con, bẩm báo lại với Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng sẽ rất vui và đem lại nhiều may mắn hơn nữa cho con trong năm mới.
Thả cá chép là để báo cáo những việc bé đã làm được và chưa làm được trong năm qua (Ảnh: Vietnamnet)
Ngoài ra, bạn có thể hướng dẫn thêm cho trẻ cách thả cá chép đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường nhưng vẫn khiến trẻ cảm thấy đây là một nghi lễ quan trọng, có ý nghĩa thiêng liêng và thể hiện rằng ngày Tết chính thức cũng bắt đầu cận kề.
Gói bánh chưng
Ngày nay, rất ít gia đình ở thành phố còn giữ được nét truyền thống gói bánh chưng ngày Tết. Nếu có cơ hội bạn có thể đưa con về quê hoặc mua vừa đủ nguyên liệu để dạy trẻ gói bánh chưng, sau đó tận hưởng không khí chờ nồi bánh chưng sôi.
Nguyên liệu gói bánh chưng gồm: Lá dong xanh, thịt lợn, đỗ xanh, gạo nếp trắng - rất đặc trưng cho nguồn cội tổ tiên xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp. Bánh chưng xanh hình vuông tượng trưng cho Đất (hình ảnh người mẹ) có lá bọc ngoài, trong ruột có nhân thể hiện ý nghĩa cha mẹ sinh thành. Vì vậy, ngoài bánh giày, bánh chưng thể hiện cho sự biết ơn của con cháu với cội nguồn tổ tiên dân tộc.
Gói bánh chưng là việc mà đứa trẻ nào cũng muốn làm dịp Tết (Ảnh: Afamily)
Bạn có thể kể thêm cho bé nghe sự tích về bánh chưng, bánh giày, nhắc nhở các bé tinh thần đạo hiếu, biết ơn với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đồng thời tạo điều kiện để tự tay bé gói chiếc bánh chưng xinh xắn và ý nghĩa đầu tiên đối với bé vào Tết năm nay.
Bày mâm ngũ quả
Bắt đầu từ 27, 28 Tết các bé có thể cùng mẹ đi chợ để lựa chọn các loại quả chuẩn bị cho mâm ngũ quả sẽ bày trên bàn thờ gia đình. Các bé sẽ rất thích thú khi được mẹ hướng dẫn lựa chọn các loại quả thích hợp và giải thích ý nghĩa của 5 loại quả được dùng để bày trên mâm.
Trước tiên, bạn cần cho trẻ biết do sự khác biệt về văn hóa, đặc điểm thời tiết vùng miền mà 3 miền đất nước sẽ có cách bày mâm ngũ quả khác nhau.
Mâm ngũ quả của người Bắc không thể thiếu nải chuối xanh bày chính giữa vì màu xanh thể hiện hành Mộc. Nải chuối đặt ngửa nhằm mục đích để nâng đỡ các loại quả khác, đồng thời thể hiện sự đùm bọc, gắn kết, sung túc.
Bố mẹ cũng có thể dạy trẻ ý nghĩa của các loại quả trong mâm ngũ quả (Ảnh minh họa: Internet)
Tiếp đó là quả bưởi màu vàng hoặc quả phật thủ (hành Thổ) tượng trưng cho sự viên mãn, phúc lộc đầy nhà. Hành Hỏa là các loại quả màu đỏ như dưa hấu, ớt đỏ, táo tây thể hiện sự may mắn, trung thực. Các quả màu trắng, sáng thể hiện cho hành Kim thường có lê, đào. Hành Thủy (màu đen) gồm các quả sẫm màu như nho.
Ngược lại, mâm ngũ quả của người miền Nam thường có các loại như mãng cầu, đu đủ, dứa, xoài, sung, trứng gà…Tất cả các loại quả này cũng đều thể hiện mong muốn sung túc, may mắn,thành đạt và no đủ của mỗi gia đình.
Nếu các bé chưa khéo léo tự tay bày mâm quả, các mẹ có thể giao việc lau chùi quả bằng khăn ẩm cho bé làm. Lưu ý là không rửa quả để tránh quả bị héo, thối vì ngấm nước.
Bạn bày lần lượt từng loại quả và chậm rãi giải thích cho bé về ý nghĩa của loại quả đó và cách đặt sao cho đúng, cân đối giúp mâm quả đẹp và hấp dẫn hơn.
Thanh Lê
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!