Lễ cúng giao thừa là một nghi thức không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về, dù bận trăm công nghìn việc, mọi gia đình người Việt cũng không quên sắm sửa một mâm cỗ thật tươm tất để cúng ông bà tổ tiên vào khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong năm, khoảnh khắc đất trời giao thoa giữa năm cũ và năm mới.
Vào đêm giao thừa, người ta thường làm hai mâm cỗ cúng, một để ở ngoài trời và một cúng trong nhà. Bởi theo quan niệm của người Việt, giao thừa là thời khắc mà các vị quan Hành khiển sẽ bàn giao công việc cai trị trong năm. Có 12 vị hành khiển và 12 phán quan (người giúp việc cho các vị hành khiển). Do vậy, mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời là cỗ để cúng trời, Phật, quan, thần, tiễn đưa các vị quan hành khiển và phán quan năm cũ và nghênh đón vị thần mới.
Mâm cỗ cúng giao thừa - Ảnh Internet.
Còn mâm cúng giao thừa trong nhà là thể hiện sự hiếu thảo, biết ơn đến ông bà tổ tiên, mời ông bà về sum họp với con cháu trong thời khắc linh thiêng kết thúc năm cũ và đón chào năm mới.
Lễ vật của mâm cỗ cúng ngoài trời và trong nhà tương tự nhau, lễ to hay nhỏ không quan trọng mà điều quan trọng là lòng thành kính của gia chủ.
Mâm cỗ cúng đêm giao thừa gồm có: Hương, đăng, trà, nước, mâm ngũ quả, vàng mã, hương, hoa, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (bánh tét - miền Nam), bánh kẹo và mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay đầy đặn, thơm ngon, tinh khiết.
Cỗ mặn thì gồm có bánh chưng, giò - chả; xôi gấc, thịt gà; xôi đậu xanh; các món ăn mặn khác tùy theo nhu cầu của gia đình. Cỗ ngọt và chay thì gồm có hương, hoa, đèn nến, bánh kẹo; mứt Tết; rượu...
Ngoài các món ăn mặn và chay theo truyền thống, mâm cúng giao thừa không thể thiếu được mâm ngũ quả bởi 5 loại quả tượng trưng cho 5 yếu tố cấu thành vũ trụ: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ hoặc cũng có nghĩa là thành quả của một năm lao động chăm chỉ thành kính dâng tặng đất trời.
Ý nghĩa một số loại trái cây trong mâm ngũ quả:
- Bưởi: phúc lộc, viên mãn
- Thanh long: rồng mây hội tụ
- Dưa hấu: tốt đẹp, viên mãn, trung thực
- Đu đủ: đầy đủ, thịnh vượng
- Mãng cầu: cầu chúc mọi điều như ý
- Dứa: thơm tho, đa phúc lộc
- Hồng: hồng hào, tươi tốt, tượng trưng cho sự thành đạt
- Lựu: đa phúc, đa lộc, con đàn cháu đống
- Phật thủ: bàn tay Phật che chở phù hộ cho con người
- Chuối: tượng trưng cho bàn tay ngửa, hứng lấy may mắn, bao bọc và che chở
- Dừa: viên mãn
- Xoài: tiêu xài không thiếu thốn
- Quất: sung túc, lộc lá
- Đào: sự thăng tiến, danh lợi.
Tùy vùng miền, mùa trái cây khác nhau mà người dân ta lại có 'công thức' chọn lựa các loại quả khác nhau.
Miền Bắc:Mâm ngũ quả của người miền Bắc gồm chuối, bưởi, dưa hấu, hồng, quýt với nhiều ý nghĩa hàm ẩn hơn.
- Chuối: hình ảnh nải chuối xòe ra như bàn tay che chở.
- Bưởi/ dưa hấu: có hình ảnh căng tròn.
- Hồng, quýt, đào, mận: màu hồng và vàng rực rỡ, mạnh mẽ tượng trưng cho sự đâm chồi, nảy lộc, gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Miền Trung: Mâm ngũ quả đêm giao thừa của người dân miền Trung không quá câu nệ hình thức, chỉ cần là những trái quả ngon ngọt, nhiều màu sắc cùng tấm lòng thành của gia chủ.
Miền Nam:Người miền Nam thường lấy tên chính của loại quả đó làm đại diện cho lời cầu nguyện của gia đình, như: Mãng cầu (na): Cầu mong, Dừa: Vừa phải, Sung: Sung túc, Đu đủ: Đủ đầy, Xoài: nói trệch đi là 'xài'. Mâm ngũ quả sẽ có ngụ ý là: Cầu sung (túc) vừa đủ xài.
Ở mỗi miền Bắc, Trung, Nam lại có cách chọn các loại quả khác nhau nhưng tựu chung lại vẫn là một nét văn hóa đặc sắc, thể hiện lời cầu chúc cho một năm mới ấm no, hạnh phúc của người dân Việt Nam.
(Tổng hợp)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!