Đột quỵ là gì và mức độ nguy hiểm của bệnh?
Ảnh minh họa.
Đột quỵ não là một hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi sự mất cấp tính các chức năng của não (thường là khu trú), tồn tại quá 24 giờ hoặc tử vong trong vòng 24 giờ. Những triệu chứng thần kinh khu trú phù hợp với vùng não do động mạch bị tổn thương phân bố, không do nguyên nhân chấn thương. Do đó người ta còn gọi bệnh với cái tên 'tai biến mạch máu não'.
Từ thời điểm bệnh nhân bị tai biến, nếu chỉ thiếu oxy trong vòng 4 - 5 phút là tổn thương không hồi phục. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng tư duy và hoạt động của cơ thể trong tương lai, trường hợp xấu nhất không cứu chữa kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong.
Hầu như những người được chữa khỏi đều có những di chứng như tê liệt, rối loạn cảm xúc, mất ngôn ngữ, suy giảm chức năng thị giác,...
Bệnh được chia làm 2 loại như sau:
Đột quỵ nhồi máu não
Tỷ lệ bị bệnh này do thiếu máu cục bộ khá cao, trên 85% tổng số các ca bệnh.
Nguyên nhân do:
Huyết khối.
Tắc mạch .
Co thắt mạch.
Đột quỵ chảy máu não
Thành động mạch mỏng hoặc yếu dẫn đến các vết nứt hay rò rỉ khiến mạch máu dễ bị vỡ. Nguyên nhân chính là:
Do tăng huyết áp.
Do vỡ túi phình động mạch não.
Do dị dạng động - tĩnh mạch.
Rối loạn đông cầm máu.
Chảy máu trong ổ nhồi máu não.
Chảy máu không xác định rõ nguyên nhân.
Ngoài ra có nhiều trường hợp 'thiếu máu não thoáng qua', tức là tình trạng máu lên não bị ngưng tạm thời. Bệnh nhân sẽ bị bệnh trong khoảng thời gian ngắn, đây chính là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ trong tương lai cần hết sức chú ý.
Nguyên nhân tại sao nhiều người trẻ đột quỵ?
Bệnh lý dị dạng mạch máu não: Dị dạng mạch máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ chảy não ở những người trẻ tuổi. Sự phát triển bất thường của mạch máu não có thể gây nên những túi phình. Thành mạch máu mỏng là nguyên nhân có thể gây xuất huyết não.
Hoặc mạch máu có thể bị bóc tách gây hẹp, tắc mạch - nhồi máu não. Hiện tại, chưa có biện pháp nào thực sự hiệu quả để dự phòng dị dạng mạch não. Những bất thường này có thể phát hiện sớm qua chụp cắt lớp vi tính tương phản mạch máu não, hoặc chụp cộng hưởng từ mạch máu não.
Hút thuốc lá: Khoảng 50% bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi hút thuốc lá. Thuốc lá có chứa khoảng 7000 chất độc hóa học như carbon monoxide, formaldehyde, arsenic và cyanide. Những chất độc này được vận chuyển vào máu sau khi hấp thu vào phổi làm tăng nguy cơ vữa xơ, tổn thương mạch máu não.
Rối loạn chuyển hóa mỡ máu: Khoảng 50 - 60% bệnh nhân nhồi máu não trẻ tuổi có rối loạn chuyển hóa mỡ máu. Trong đó, nam giới hay gặp hơn nữ. Người trẻ tuổi với thói quen ăn uống có hại sức khỏe (ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn…), ngày càng đối diện với các bệnh lý mạch máu sớm hơn (đột quỵ, tim mạch …)
Bệnh béo phì và lười vận động: 5 năm qua, tỷ lệ người béo phì tại Việt Nam tăng 33%, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Giới trẻ ngày càng thích ngồi trước màn hình máy tính hoặc ôm điện thoại di động hơn là tham gia các hoạt động thể dục, thể thao.
Đái tháo đường và tăng huyết áp: Đái tháo đường gặp ở 30% bệnh nhân đột quỵ trẻ và với bệnh tăng huyết áp là khoảng 10%. Nhiều ca bệnh được ghi nhận ở trẻ nhỏ từ 9 - 13 tuổi, thanh niên từ 20 đến dưới 30 tuổi.
Uống rượu bia: Uống rượu bia, đặc biệt là rượu nặng có liên quan chặt chẽ đến sự tăng lên của bệnh lý chảy máu não ở bệnh nhân trẻ tuổi.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!