Nhụy hoa nghệ tây (saffron) có công dụng tuyệt vời trong quá trình bảo vệ sức khỏe và cải thiện vẻ đẹp con người. Tuy nhiên, người dùng cần phải lưu ý một số điều trước khi sử dụng loại thảo dược này.
Hiện nay, nhụy hoa nghệ tây được nhiều người biết đến như một loại thảo dược đa năng dành cho sức khỏe cũng như sắc đẹp của con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng nó. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm về công dụng, cách dùng và cả tác dụng phụ của nhụy hoa nghệ tây nhé.
Nhụy hoa nghệ tây là gì?
Nhụy hoa nghệ tây (tên khoa học là Crocus Sativus) hay còn được biết đến dưới tên gọi saffron, là một loại thực vật sống ở vùng Trung Đông và một vài khu vực ở châu Âu.
Nhụy hoa nghệ tây phơi khô được sử dụng rộng rãi như một loại gia vị để nêm và tạo màu cho thức ăn. Loại gia vị này có nguồn gốc từ châu Á, đặc biệt là vùng Tây Nam Á.
Phần lớn nhụy hoa nghệ tây được trồng và thu hoạch bằng tay. Do việc thu hoạch cần rất nhiều nhân lực, nghệ tây được coi là một trong những loại gia vị đắt giá nhất thế giới. Bên cạnh đó, nhụy hoa nghệ tây còn được sử dụng như một bài thuốc.
Nhụy hoa nghệ tây có tác dụng gì?
Giá nhụy hoa nghệ tây (saffron) được đẩy cao không chỉ vì quy trình thu hoạch và sản xuất phải làm thủ công mà còn do công dụng nhụy hoa nghệ tây rất đa dạng.
Công dụng làm đẹp
Nhụy hoa nghệ tây giúp cải thiện vẻ đẹp từ bên trong do chứa nhiều vitamin và chất khoáng thiết yếu cho cơ thể.
Vitamin
Nhụy hoa nghệ tây có rất nhiều vitamin A, bao gồm retinal, retinol, axit retinoic và các carotenoid tiền vitamin A có công dụng giảm tốc độ lão hóa và tăng cường sự đàn hồi, mềm mại của da. Không những vậy, vitamin A này còn đóng vai trò bảo vệ, giảm tình trạng da bị mụn và kiểm soát chất nhờn trên da.
Bên cạnh đó, nhụy hoa nghệ tây còn chứa các vitamin khác như B1, B2, B3, B6 và vitamin B9. Các vitamin nhóm B giúp da loại bỏ độc tố, nhờ đó hạn chế tổn thương hay mụn.
Mặt khác, nghệ tây cũng chứa vitamin C. Nó giúp thúc đẩy quá trình hình thành collagen, loại bỏ các dấu hiệu như thâm, nám, tàn nhang khiến làn da trắng sáng.
Chất khoáng
Mangan có trong nhụy hoa nghệ tây giúp điều chỉnh lượng đường huyết, chuyển hóa carbohydrate và hấp thụ canxi. Ngoài ra, nó cũng giúp hình thành nên các mô, xương và hormone giới tính.
Sắt có công dụng thanh lọc máu. Loại ion này kết hợp với vitamin B6 giúp hình thành các tế bào hồng cầu và đảm bảo các dây thần kinh hoạt động như bình thường.
Nhụy hoa nghệ tây giúp bổ sung kali và magie, đóng vai trò như một chất điện phân trong dịch cơ thể. Nếu hàm lượng của chúng trong cơ thể quá thấp, bạn sẽ có nguy cơ cao bị chuột rút.
Các hoạt chất khác có trong nhụy hoa nghệ tây
Bên cạnh vitamin và chất khoáng đóng vai trò chủ đạo trong thành phần nghệ tây, loại gia vị này còn chứa hơn 150 hợp chất dễ bay hơi, ví dụ như:
- Picrocrocin là hợp chất chịu trách nhiệm chính cho việc tạo hương vị mạnh mẽ.
- Safranal mang đến cho nghệ tây mùi thơm đặc trưng.
- Crocin khiến nghệ tây mang màu cam đậm, chứng tỏ nhụy hoa nghệ tây giàu hàm lượng carotenoid và chất chống oxy hóa mạnh mẽ có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương bởi gốc tự do.
Công dụng sức khỏe
Theo những tài liệu cổ của Galen và Hippocrates, nghệ tây có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị các bệnh như ho, cảm lạnh, đau dạ dày, mất ngủ, chảy máu tử cung, sốt phát ban, đau tim và đầy hơi…
Cải thiện trí nhớ
Nhụy hoa nghệ tây chứa hai loại hoạt chất crocin và crocetin, theo các chuyên gia, chúng có thể cải thiện khả năng học tập và chức năng bộ nhớ. Các nghiên cứu gần đây cho thấy nhụy hoa nghệ tây rất có tiềm năng trong việc điều trị các bệnh ảnh hưởng đến não, chẳng hạn như Alzheimer – hội chứng suy giảm trí nhớ hay Parkinson. Tuy nhiên, lĩnh vực này cần được đầu tư nghiên cứu để có thể đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục hơn.
Thuốc chống trầm cảm
Các chuyên gia đã chứng minh rằng, màu đỏ (đôi khi có ánh vàng) của nhụy hoa nghệ tây biểu hiện cho những hoạt chất giúp cải thiện tâm trạng. Một nghiên cứu cũ cho thấy tác dụng của nhụy hoa nghệ tây có thể tương đương thuốc chống trầm cảm theo toa liều thấp như fluoxetine hay imipramine.
Mặt khác, một đánh giá trên Tạp chí Y học Tích hợp đã kiểm tra những nghiên cứu liên quan đến việc sử dụng nghệ tây trong quá trình điều trị trầm cảm ở người bệnh trên 18 tuổi. Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng nghệ tây đã cải thiện triệu chứng cho những người mắc chứng rối loạn trầm cảm. Do đó, bác sĩ có thể chỉ định nhụy hoa nghệ tây cho những người không dung nạp được thuốc chống trầm cảm.
Hành kinh
Một số nghiên cứu cho thấy sự kết hợp giữa nhụy hoa nghệ tây, cây hồi và hạt cần tây trong cùng một sản phẩm có công dụng như một loại thuốc giảm đau dành cho phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt.
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) có thể gây ra hàng loạt các triệu chứng khó chịu từ tâm trạng cho đến thể chất. Một số phụ nữ có cơ địa dễ bị ảnh hưởng nhiều hơn những người khác. Nếu bạn muốn đối phó với PMS nhưng lại không muốn phụ thuộc vào thuốc, bạn có thể cân nhắc dùng nhụy hoa nghệ tây.
Theo một đánh giá trên Tạp chí Sản khoa & Phụ khoa Tâm lý, khi xem xét việc sử dụng các phương pháp điều trị bằng thảo dược cho hội chứng tiền kinh nguyệt và rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) – một biến chứng nghiêm trọng của PMS, các chuyên gia đã liệt kê nhụy hoa nghệ tây vào danh sách một trong những vị thuốc điều trị hiệu quả cho các triệu chứng của hai căn bệnh trên.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác trên Tạp chí Quốc tế về Sản phụ khoa đã công nhận nghệ tây là một phương pháp điều trị các triệu chứng tiền kinh nguyệt ở phụ nữ từ 20 – 45 tuổi. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng dùng 15mg nghệ tây hai lần mỗi ngày sẽ mang lại hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng PMS.
Phòng ngừa các bệnh về tim mạch
Nhụy hoa nghệ tây chứa nhiều thành phần hóa học khác nhau, một số có khả năng giảm huyết áp và phòng ngừa bệnh tim mạch. Theo một số nghiên cứu lâm sàng trên chuột và thỏ, nghệ tây có công dụng làm giảm huyết áp cũng như nồng độ cholesterol và chất béo trung hòa, đồng thời phòng ngừa các bệnh về tim mạch.
Ở người, nhụy hoa nghệ tây làm giảm khả năng hoạt động của cholesterol gây tổn thương mô. Các nhà nghiên cứu tin rằng những đặc tính chống oxy hóa của nghệ tây có tác dụng bảo vệ cơ thể trước các nguy cơ bệnh lý tim mạch.
Một số bệnh lý cần được nghiên cứu thêm
Hiện nay, thông tin về tác dụng của nhụy hoa nghệ tây trong quy trình điều trị các bệnh như ung thư, hen suyễn, mất ngủ… đang được lan truyền rộng rãi trên Internet với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, điều này vẫn đang được các chuyên gia hàng đầu về nghệ tây nghiên cứu thêm để đưa ra bằng chứng thuyết phục.
Cách sử dụng nhụy hoa nghệ tây
Thông thường, mọi người chọn cách uống nhụy hoa nghệ tây thay vì làm gia vị món ăn. Cách uống nhụy hoa nghệ tây đơn giản nhất chính là pha trà. Khi uống, bạn sẽ cảm nhận hương vị hơi thơm của hoa. Bạn cũng có thể phối hợp nhụy hoa nghệ tây với các loại thảo mộc khác để thức uống trở nên đa dạng. Cho thêm sữa tươi hoặc sữa dừa vào món uống sẽ mang lại hương vị đậm đà hơn.
Với một quốc gia nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, trà nghệ tây lạnh là một lựa chọn lý tưởng vào mùa hè oi ả. Bạn có thể kết hợp nhụy hoa nghệ tây với các thành phần như húng quế, chanh và mật ong để làm ra thức uống có lợi cho sức khỏe.
Tác dụng phụ của nhụy hoa nghệ tây
Các chuyên gia đã chứng minh rằng nhụy hoa nghệ tây hoàn toàn an toàn cho hầu hết mọi người khi dùng nó liên tục như một bài thuốc trong tầm hai tháng. Tuy nhiên, với một vài người có cơ địa đặc biệt cũng có thể gặp những tác dụng phụ như khô miệng, bồn chồn, chóng mặt, buồn ngủ, buồn nôn, thèm ăn và đau đầu.
Một số lưu ý khi sử dụng nhụy hoa nghệ tây
Những người đang trong tình trạng sức khỏe đặc biệt cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào có chứa nhụy hoa nghệ tây hoặc chiết xuất của nó.
Phụ nữ mang thai và cho con bú
Các mẹ bầu không nên sử dụng nhụy hoa nghệ tây bởi các đặc tính của thảo dược này. Một lượng lớn nghệ tây có khả năng khiến tử cung co lại và gây ra sẩy thai.
Bên cạnh đó, mặc dù chưa có đầy đủ thông tin về nguy cơ tiềm ẩn của việc sử dụng nghệ tây trong khi cho con bú, bạn cũng không nên tùy tiện sử dụng sản phẩm chứa nhụy hoa nghệ tây trong khi cho con bú.
Người mắc bệnh rối loạn lưỡng cực
Nhụy hoa nghệ tây chứa những hoạt chất ảnh hưởng đến tâm trạng. Do đó, các chuyên gia cho rằng nó có khả năng khiến người mắc rối loạn lưỡng cực bị kích động và dẫn đến những hành vi bốc đồng. Tốt nhất là bạn không nên dùng nhụy hoa nghệ tây nếu mắc phải căn bệnh này.
Người bị dị ứng với những loài thực vật cùng họ với lúa mạch đen, ôliu hay rau dền
Những người bị dị ứng với các loại thực vật trên cũng có nguy cơ cao dị ứng với nhụy hoa nghệ tây.
Người đang bị bệnh về tim mạch
Nghệ tây có ảnh hưởng đến tốc độ cũng như cường độ đập của nhịp tim. Dù công dụng nhụy hoa nghệ tây là phòng ngừa bệnh tim mạch, nhưng bạn không nên dùng thảo dược này khi đã mắc căn bệnh này. Sử dụng một lượng lớn nghệ tây có khả năng gây chuyển biến xấu ở một số người mắc bệnh tim.
Người có huyết áp thấp
Một trong những tác dụng của nhụy hoa nghệ tây là làm giảm huyết áp. Vì vậy, những người bị huyết áp thấp nên hạn chế và cẩn thận khi sử dụng loại thảo dược này.
Khi quyết định mua nghệ tây, hãy chắc chắn rằng bạn đã chọn mua từ một nguồn cung cấp uy tín. Do giá nhụy hoa nghệ tây không rẻ, cho nên nó đã trở thành mục tiêu trục lợi của những gian thương. Không những vậy, để cắt giảm chi phí, các nhà sản xuất còn trộn nghệ tây với những thành phần không rõ nguồn gốc. Những sản phẩm như vậy không chỉ làm giảm lợi ích sức khỏe của nhụy hoa nghệ tây mà thậm chí còn có thể gây hại cho người dùng.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Rối loạn lưỡng cực ở trẻ nhỏ: Hiếm gặp nhưng không nên bỏ qua
- 11 loại thuốc kê đơn phổ biến có thể gây bệnh trầm cảm
- Triệu chứng tiền kinh nguyệt và dấu hiệu mang thai khác gì?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!