Nỗi lo ‘đội quân’ mụn tuổi dậy thì

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Hạn chế các yếu tố làm bít tắc lỗ chân lông như dùng mỹ phẩm không phù hợp với làn da dầu, đội nón chặt, để tóc che phủ mặt,...

Theo BS. Nguyễn Thị Thúy, Bộ Y tế, mụn trứng cá là biểu hiện của viêm nang lông tuyến bã, do bụi bẩn hoặc do tác động của vi khuẩn. Mụn thường gặp ở thời kì dậy thì, ở tuổi này cùng với sự phát triển của cơ thể, các tuyến bã và mồ hôi cũng phát triển mạnh mẽ, bài tiết mạnh hơn, khiến da dễ viêm nhiễm và nổi mụn. Đồng thời, ThS. Vũ Thị Tuyết Mai, Bộ Y tế, cho rằng, nhiều người có thói quen nặn mụn nhưng đây là một hành động hết sức sai lầm vì nặn mụn sẽ khiến da bị thâm hoặc hình thành sẹo. 

Câu hỏi 1:

Chào bác sĩ. Xin hỏi: làm sao để làm mờ vết thâm vết rỗ do nặn mụn gây ra vậy bác sĩ?

Nỗi lo ‘đội quân’ mụn tuổi dậy thì

Ảnh minh họa

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai trả lời:

Chào bạn,

Mụn trên da tuy không ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nhưng thường ảnh hưởng về mặt thẩm mĩ, khiến người bệnh khó chịu và mất tự tin. Để làm mờ các vết thâm và cải thiện sẹo sau nặn mụn, bạn có thể áp dụng các cách sau:

- Rửa mặt hằng ngày bằng sữa tươi. Hoặc có thể trộn sữa tươi với bột yến mạch và một vài giọt chanh, đắp lên mặt khoảng 30 phút, sau đó rửa sạch bằng nước ấm.

- Gừng: Cắt gừng tươi thành lát mỏng rồi nhẹ nhàng miết lên vùng da bị thâm, sau đó đặt gừng lên vết sẹo chừng 5 phút. Thực hiện 3 lần/ngày.

- Chanh: Vắt 1 lát chanh vào bát, rồi thêm chút nước vào, đánh đều lên. Nhúng khăn mặt vào bát nước chanh này, vắt bớt nước rồi lau lên vùng da bị sẹo mụn. Kiên trì thực hiện hàng ngày.

- Vitamin E: Thoa viên nang vitamin E trực tiếp lên vết sẹo hoặc uống bổ sung vitamin E.

- Mật ong: Trộn 1 thìa mật ong, 1 thìa sữa ong chúa, 1 quả trứng gà, 1 lượng vừa đủ bột phấn hoa, hòa cùng với nước. Bôi hỗn hợp này lên mặt, sau 30 phút thì rửa mặt bằng nước ấm. Sau đó, bôi hỗn hợp sữa ong chúa và cam dầu lên mặt. Thực hiện 1-2 lần mỗi tuần.

Với những vùng da bị tổn thương do mụn, bạn nên kiên trì thực hiện lời khuyên dưới đây để sớm hồi phục làn da:

- Rửa mặt hàng ngày bằng nước ấm.

- Chế độ ăn uống hợp lý: tăng cường ăn cà rốt, khoai tây, rau dền, lòng đỏ trứng gà, mè đen… Bổ sung những thực phẩm giàu vitamin E như dầu gấc, trái bơ… 

- Tập thể dục hàng ngày, nhất là vào buổi sáng.

- Tuyệt đối không nặn, bóp mụn.

Nếu thực hiện các cách trên mà làn da của bạn vẫn không cải thiện thì bạn nên đi khám chuyên khoa da liễu để được khám trực tiếp và điều trị phù hợp với loại da của bạn.

Chúc bạn thành công!

Câu hỏi 2:

Làm sao để trị mụn trứng cá đối với người có mồ hôi dầu? Xin cảm ơn!

Nỗi lo ‘đội quân’ mụn tuổi dậy thì

Ảnh minh họa

BS. Nguyễn Thị Thúy trả lời:

Chào bạn,

Để điều trị mụn trứng cá đối với người có mồ hôi dầu, người bị mụn nên đi khám và điều trị ở các cơ sở uy tín chuyên trị mụn trứng cá như các bệnh viện có chuyên khoa da liễu, các bệnh viện đông y có các bài thuốc chuyên trị mụn trứng cá.

Ngoài ra cần chăm sóc da đúng cách khi bị mụn trứng cá:

- Không sờ tay lên mặt, nặn mụn vì làm da bị tổn thương thêm, gây bội nhiễm, làm bệnh nặng lên và gây sẹo da.

- Hạn chế các yếu tố làm bít tắc lỗ chân lông như dùng mỹ phẩm không phù hợp với làn da dầu, đội nón chặt, để tóc che phủ mặt, đổ mồ hôi nhiều.

- Nên dùng các sản phẩm tẩy, rửa, dưỡng da phù hợp: các sản phẩm rửa êm dịu da, không chứa cát nhám, các sản phẩm dưỡng có ghi chú không tạo mụn.

- Nên rửa mặt 2-3 lần/ngày. Chỉ nên rửa bằng nước sạch khi da đang khô, đỏ, ngứa do tác dụng phụ của thuốc đang điều trị mụn trứng cá. Có thể dùng thêm sản phẩm rửa thích hợp 1 lần vào buổi tối cho làn da nhờn. Khi rửa không nên dùng khăn chà xát mạnh vì sẽ làm trầy xước da mà nên rửa nhẹ nhàng bằng tay, sau đó thấm khô nước bằng gạc sạch.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý:

- Hạn chế ăn đồ ngọt, chất béo.

- Ngủ điều độ, tránh thức quá khuya, nên ngủ từ 10 giờ tối.

- Tạo đời sống tinh thần lành mạnh, giảm stress, áp lực.

- Bảo vệ da chống nắng: hạn chế đi nắng, khi phải đi ra đường nên đeo khẩu trang, đội nón rộng vành bằng vải màu sậm, bôi kem chống nắng.

- Không nên tự dùng mua thuốc, dùng thuốc theo lời khuyên của bạn bè, người quen bởi vì việc điều trị mụn của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào tuổi, giới tính, các yếu tố nguy cơ, đặc điểm từng loại da, loại mụn…

Chúc sức khỏe!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!