Tiêu chảy là một bệnh không thể bớt ngay một cách ngoạn mục như khi dùng một kháng sinh hiệu nghiệm để trị một bệnh nhiễm trùng.
Một số thuốc chống tiêu chảy khác như các men vi sinh chỉ có lợi trong trường hợp tiêu chảy do loạn khuẩn ruột (dùng kháng sinh kéo dài làm tiêu diệt quần thể vi khuẩn có lợi sống thường trú ở ruột).
Các hãng thuốc cũng giải thích cơ chế ‘cạnh tranh’ giữa các men này với tác nhân gây bệnh, nhưng giải thích chỉ là... giải thích, vì các thử nghiệm lâm sàng không chứng minh hiệu quả rõ rệt. Thuốc ‘Tây’ (Pháp) cũ lại có loại ‘sát trùng đường ruột’ như ercefuril, enterix... nhưng cũng không chứng minh được hiệu quả thực tế qua các thử nghiệm lâm sàng (cũng có nghĩa ‘giải thích chỉ để giải thích’ cho nghe lọt lỗ tai). Tất cả các thuốc này đều bị Tổ chức Y tế thế giới loại khỏi danh sách thuốc thiết yếu, tuy chưa cấm, nhưng khuyên không nên sử dụng.
Trong ba thập niên qua, loại thuốc được xem là trị tiêu chảy hiệu nghiệm nhất là... nước biển khô, hay còn gọi là dung dịch ‘muối đường’, dung dịch ‘điện giải’, phổ biến nhất là gói ORESOL (ORS) của Tổ chức Y tế Thế giới.
Ảnh minh họa
Gói thuốc này có nhiều phiên bản khác nhau ở mỗi nơi, mỗi nước. Có nơi thì thuốc là một bình nước pha sẵn, có mùi dâu, mùi nho, vị lờ lợ. Có khi lại là gói thuốc bột pha với một lít nước chín hoặc nước đóng chai. Có lúc là một gói thuốc hoặc một viên sủi bọt pha 200ml nước có mùi nước dừa, mùi chuối. Tựu trung, nhà sản xuất tìm cách khắc phục vị lờ lợ, nửa ngọt, nửa mặn của nó để em bé dễ uống.
Thành phần cơ bản của các phiên bản nước biển khô này là đem lại một sự cân đối hoàn hảo, bổ sung vào lượng các chất muối mà cơ thể mất đi khi tiêu chảy, hoặc khi nôn trớ nhiều. Các chất muối và đường trong thuốc bột này khi pha với số lượng nước nhất định (cần tôn trọng tuyệt đối tỷ lệ pha loãng này) sẽ tạo ‘áp lực thẩm thấu’ tối ưu, hạn chế sự mất nước qua thành ruột.
Người bệnh được uống ‘nước biển’ khi mất muối và nước sẽ cảm thấy lại sức nhanh chóng. Ngoài ra, có nhiều người, kể cả trong giới chuyên môn không để ý tới tác dụng quan trọng này: nước biển khô còn làm giảm đau bụng, giảm ói kéo dài.
Thật vậy, như chúng ta biết, khi ói nhiều, ai cũng ngại ăn uống, vì càng ăn uống càng... ói nhiều khiến tình trạng mất nước, mất chất điện giải càng trầm trọng hơn. Khi tình trạng mất muối càng nhiều, thì các cơ trơn ở ruột càng bị ‘vọp bẻ’, càng co thắt nhiều gây nôn trớ, đau bụng tăng lên và kéo dài.
Thông thường, đối với tiêu chảy cấp do siêu vi trùng, triệu chứng ói chỉ xuất hiện trong vài giờ đầu. Nhưng nếu để mất nước và điện giải kéo dài (thường do người bệnh chỉ uống nước lã khi khát - mà không dùng ORESOL) thì tình trạng đau bụng và ói sẽ kéo dài, có khi lên đến 2-3 ngày. Phải cắt đi vòng luẩn quẩn này bằng ‘thủ thuật’ sau: bệnh nhân cần được cho uống nước biển khô từng lượng nhỏ và liên tục. Tốt nhất, nên dùng muỗng bón từng muỗng một. Không nên uống ồ ạt một lượng lớn dễ làm nôn ói. Cũng không nên cho vào bình sữa cho bé bú (càng dễ bị ói).
Trẻ em tiêu chảy và ói nhiều thì đương nhiên sẽ khát nước. Tuy nhiên, khuyết điểm thường gặp của phụ huynh là chiều theo ý con, cho bé uống ngay nước lã, trong khi chỉ có nước biển khô mới ‘tưới’ cho em bé bị tiêu chảy mất nước đang khô quắt, mệt mỏi trở nên tươi tỉnh lại.
Khi các bé bị tiêu chảy do rotavirus sẽ nôn ói rất nhiều và kéo dài, thì ‘bí kíp’ cũng vẫn là: luôn phải cho uống ‘nước biển khô’ từng ngụm một. Nếu vẫn không cải thiện được thì mới nhập viện, truyền dịch (lúc này mới dùng ‘nước biển... nước’).
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!