Đây là nghiên cứu mới tại ĐH Cambridge (Anh). Các tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Michael Lombardo và giáo sư Simon Baron-Cohen đã xem xét hơn 300 mẫu lưu trữ nước ối, chất lỏng bao quanh em bé khi ở trong bụng mẹ, để xem xét các yếu tố nguy cơ tự kỷ ở môi trường ban đầu này.
Ảnh minh họa: Internet
Kết quả cho thấy ở 128 bé trai sau này được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ, mức độ hormone steroid trong nước ối thường ở mức trung bình hoặc cao. Trong khi đó, hormone steroid trong nước ối của 217 chàng trai không mắc chứng tự kỷ ở mức rất thấp.
'Các nghiên cứu trước đây cho thấy nồng độ cao testosterone trước khi sinh có liên quan đến sự chậm phát triển ngôn ngữ và các kỹ năng xã hội. Trong nghiên cứu này, lần đầu tiên chúng tôi đã chỉ ra rằng các hormone steroid có sự liên quan đến chứng tự kỷ', giáo sư Baron-Cohen cho biết.
Theo giáo sư Baron-Cohen, một số hoóc-môn được sản xuất với số lượng cao hơn nhiều ở nam giới so với phụ nữ. Điều này có thể giúp giải thích tại sao bệnh tự kỷ phổ biến hơn ở nam.
Nguyên nhân chính xác của bệnh tự kỷ hiện vẫn chưa xác định rõ và nó được cho là có liên quan đến gen và các yếu tố môi trường liên quan. Các rối loạn phát triển thường bắt đầu tiến triển ở trẻ em và có thể gây ra vấn đề tương tác xã hội, kỹ năng ngôn ngữ và hành vi.
Giáo sư Richard Sharpe, một chuyên gia tại ĐH Edinburgh cho biết, nghiên cứu này được xem là một bước quan trọng đầu tiên trên con đường khám phá nguyên nhân gây ra bệnh tự kỷ.
Theo các nhà nghiên cứu, việc xem xét ngăn chặn nguy cơ tự kỷ bằng cách ngăn ngừa các hoóc-môn vẫn chưa được tính tới. Do các hoóc-môn testosterone và 3 hoóc-môn steroid khác rất quan trọng cho sự phát triển của thai nhi nên 'việc ngăn chặn chúng là điều quá nguy hiểm'.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!