Nghiên cứu mới được công bố cho thấy việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong năm đầu đời làm giảm sự phát triển chức năng phổi của trẻ ở độ tuổi từ 6 đến 15, thậm chí ở mức ô nhiễm thấp hơn tiêu chuẩn của EU.
'Điều này thật đáng lo ngại vì nó cho thấy rằng tổn thương phổi trong năm đầu đời có thể ảnh hưởng đến sức khỏe đường hô hấp trong suốt cuộc đời', Tiến sĩ Qi Zhao thuộc Viện Nghiên cứu Y học Môi trường IUF-Leibniz ở Düsseldorf (Đức), cho biết.
Nghiên cứu dựa trên kết quả đo khả năng hô hấp của 915 trẻ em ở độ tuổi 6, 10 và 15 sống tại các vùng Munich và Wesel của Đức.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh kết quả với mức độ ô nhiễm tại các khu vực mà các tình nguyện viên nhỏ tuổi sinh sống cho đến khi chúng được 1 tuổi. Sau khi thêm các yếu tố bao gồm cả việc hút thuốc của cha mẹ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trẻ càng tiếp xúc sớm với không khí ô nhiễm thì khi lớn lên chức năng phổi của chúng càng giảm.
Giới hạn của WHO đối với nồng độ bụi PM2.5 hàng năm là 10 µg/m3, trong khi tiêu chuẩn của EU là 25 µg/m3.
Ông Thierry Troosters, chủ tịch của Hiệp hội Hô hấp Châu Âu, cho biết: 'Kết quả nghiên cứu rất đáng quan ngại bởi tiêu chuẩn của EU cũng không cho thấy độ an toàn'.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!