PGS Trần Đắc Phu: Đổi vắc-xin bại liệt cho trẻ là cần thiết

Sống khỏe mạnh - 05/06/2024

15 năm qua, Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia bảo vệ được thành quả thanh toán bại liệt.

Để bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt ở Việt Nam và hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ tháng ​Năm năm nay, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia thực hiện chuyển đổi vắc-xin bại liệt uống 3 týp (1, 2 và 3) sang vắc-xin bại liệt uống 2 týp (1 và 3) trên cả nước.

PGS Trần Đắc Phu: Đổi vắc-xin bại liệt cho trẻ là cần thiết

Một điểm tiêm chủng mở rộng của Hà Nội. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Phó giáo sư Trần Đắc Phu Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có cuộc trao đổi với báo chí để hiểu rõ hơn về sự thay đổi này.

155 nước chuyển sang dùng vắc-xin bại liệt mới

Ông có thể cho biết, vì sao lại chuyển đổi vắc-xin bại liệt OPV 3 tuýp 1,2 và 3 bằng vắc-xin mới chứa 2 tuýp vi-rút 1 và 3?

Tháng 9/2015, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố thanh toán vi-rút bại liệt hoang dại týp 2 trên toàn cầu vì vậy thành phần týp 2 trong vắc-xin không thực sự còn cần thiết nữa và cũng là để giảm thiểu nguy cơ gây liệt dù rất thấp của bại liệt týp 2 có trong vắc-xin.

Chính vì vậy, WHO đề nghị các quốc gia thành viên thay thế vắc-xin bại liệt uống 3 týp bằng vắc-xin bại liệt uống 2 týp (bOPV) đã loại bỏ thành phần týp 2.

Cùng với các nước khác trên thế giới, Việt Nam cũng quyết định dừng sử dụng vắc-xin bại liệt uống 3 týp (tOPV) và chuyển sang sử dụng vắc-xin bại liệt uống 2 týp (loại bỏ týp 2) trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Hiện nay, đã có bao nhiêu quốc gia sử dụng vắc-xin bại liệt mới, chỉ có thành phần týp 1 và 3 như chúng ta sẽ sử dụng?

Tính đến tháng​ Năm, 155 quốc gia đang nỗ lực đưa vắc-xin bại liệt uống 2 týp thay thế cho vắc-xin bại liệt 3 týp. Đây là sự kiện hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu.

Về hiệu quả bảo vệ của vắc-xin bOPV đã được chứng minh tương đương với tOPV. Việc sử dụng bOPV sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ gây bại liệt do thành phần vi-rút bại liệt týp 2 có trong vắc-xin tOPV gây nên.

Lịch tiêm chủng không thay đổi

PGS Trần Đắc Phu: Đổi vắc-xin bại liệt cho trẻ là cần thiết

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vậy lịch tiêm chủng của trẻ đối với vắc-xin bại liệt mới có gì thay đổi không thưa ông?

Hiện nay, lịch uống vắc-xin bại liệt 2 týp (bOPV) tương tự như đối với vắc-xin bại liệt uống (tOPV) trong tiêm chủng mở rộng đã được triển khai từ những năm trước đây. Cụ thể, mỗi trẻ sẽ được uống 3 lần vắc-xin bOPV lúc 2, 3, 4 tháng tuổi cùng với tiêm vắc-xin Quinvaxem.

Việc sử dụng vắc-xin OPV cùng với vắc-xin Quinvaxem nhằm đảm bảo trẻ được tiêm chủng đúng lịch cùng với các vắc-xin khác để tạo miễn dịch và hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.

Việc uống vắc-xin bại liệt cùng với tiêm vắc-xin Quinvaxem không làm tăng nguy cơ phản ứng nặng cho trẻ.

Ông có thể cho biết, có trường hợp nào chống chỉ định hoặc tạm hoãn sử dụng vắc-xin bại liệt không?

Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, vắc-xin bOPV có chống chỉ định với những người bị quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin hay với những người trước đây đã từng bị phản ứng nghiêm trọng sau khi sử dụng vắc-xin bại liệt uống,…

Ngoài ra, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em trên cơ sở đó các y, bác sỹ sẽ trực tiếp khám sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp chống chỉ định hoặc tạm hoãn tiêm chủng vắc-xin nói chung và bOPV nói riêng theo quy định.

Cũng như các thuốc khác, khi dùng vắc xin bOPV có thể gặp một số tác dụng không mong muốn tương tự vắc-xin tOPV như sốt nhẹ, người mệt mỏi, tiêu chảy và vô cùng hiếm gặp có thể gây liệt nhẹ.

Không gia tăng nguy cơ bại liệt týp 2

Khi dùng vắc xin bại liệt týp 1 và 3, nghĩa là trẻ sẽ không còn được bảo vệ trước vi-rút bại liệt týp 2, như vậy có làm tăng nguy cơ bệnh bại liệt do virút týp 2 sẽ xuất hiện không?

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nếu tiếp tục sử dụng vắc-xin tOPV sau ngày 01/5/2016 thì nguy cơ vi-rút týp 2 của vắc-xin gây bại liệt còn cao hơn nhiều so với nguy cơ khi ngừng sử dụng vắc-xin bại liệt týp 2.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã thiết lập kho dự trữ toàn cầu vắc-xin OPV týp 2 để sẵn sàng hỗ trợ các nước trong trường hợp xảy ra dịch.

Hơn nữa, trong nhiều năm qua tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên của Việt Nam đều đạt cao, miễn dịch cộng đồng cao, trong tháng 3-4/2016 cũng đã triển khai kế hoạch uống bổ sung vắc-xin tOPV tại 19 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao vì vậy nguy cơ Việt Nam xảy ra bệnh dịch bại liệt là thấp và Tổ chức Y tế thế giới cũng cho biết Việt Nam là nước có nguy cơ thấp theo các tiêu chí của tổ chức này.

Ngoài ra, để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh týp 2 thì trong chương trình tiêm chủng mở rộng bất hoạt dạng tiêm trong đó có cả 3 týp vi-rút. Bên cạnh đó vẫn song song sử dụng vắc-xin bại liệt uống 2 týp (bOPV). Việc phối hợp dùng cả 2 loại vắc-xin bại liệt dạng uống và dạng tiêm như vậy sẽ giúp củng cố được miễn dịch cho cả 3 týp vắc-xin mà vẫn đảm bảo an toàn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bệnh bại liệt là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút bại liệt gây ra, lây truyền theo đường tiêu hóa. Khi bị nhiễm vào cơ thể, vi-rút sẽ tấn công vào hệ thần kinh trung ương, làm yếu các cơ, phần mềm cấp tính và gây ra chứng bại liệt. Trẻ em dưới 5 tuổi thường dễ mắc căn bệnh này.

   

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!