Phá thai bằng thuốc là phương pháp sử dụng thuốc (chủ yếu là thuốc có chứa hoạt chất mifepristone, misoprostol) để chấm dứt thai nghén. Thuốc sẽ làm thai ngừng phát triển và gây sẩy thai tự nhiên. Phương pháp phá thai này không hề đơn giản như nhiều người nghĩ bởi có nhiều nguy cơ cho thai phụ.
Phá thai bằng thuốc được thực hiện cho những người có thai 7 tuần tuổi trở xuống (tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng) và phải thực hiện ở cơ sở y tế có bác sĩ chuyên ngành sản phụ khoa. So với can thiệp ngoại khoa, biện pháp này ít gây đau đớn hơn, ít bị biến chứng như thủng tử cung, ít tổn thương ruột cũng như ít gây ra các hiện tượng dính buồng tử cung gây hiếm muộn, vô sinh... Tuy nhiên, biện pháp này cũng để lại ảnh hưởng tới tâm lý nặng nề của người phụ nữ và nó chỉ có hiệu quả khi tuổi thai còn nhỏ, gây chảy máu kéo dài, có những trường hợp kéo dài 20 ngày. Tỷ lệ thành công của phương pháp phá thai bằng thuốc chỉ xấp xỉ 96% nếu dùng đúng cách, khoảng 4% uống thuốc phá thai không có tác dụng, thai sẽ vẫn phát triển nhưng không bình thường, có thể bị khuyết tật, dị dạng, khi đó bác sĩ sẽ phải dùng cách khác để phá thai.
Lưu ý khi phá thai bằng thuốc
Thuốc dùng để phá thai có tác dụng phụ không?
Khi dùng thuốc để phá thai, người sử dụng có thể thấy buồn nôn, tiêu chảy hoặc nôn mửa trong quá trình sẩy thai. Những triệu chứng này không phải là vấn đề bất thường và sẽ qua đi trong thời gian ngắn, không cần điều trị. Có trường hợp thấy chóng mặt, đau đầu sau khi uống misprostol. Khi đó hãy uống nhiều nước hoặc nước hoa quả và uống thuốc giảm đau nếu cần thiết. Trường hợp bị sốt trong vài giờ, đôi khi kèm theo ớn lạnh. Triệu chứng này sẽ nhanh chóng qua đi và không nguy hiểm.
Tư vấn sức khỏe sinh sản cho thanh niên. Ảnh: Trần Minh
Phá thai bằng thuốc có gây hiếm muộn?
Chưa có bằng chứng cho thấy phá thai bằng thuốc gây hiếm muộn, trừ khi có những trường hợp sót nhau cần phải nạo buồng tử cung hoặc có nhiễm khuẩn tử cung. Tuy vậy, để hạn chế những tai biến và biến chứng cũng như tăng tỷ lệ thành công khi áp dụng phương pháp phá thai nội khoa, bạn cần: đi khám thai sớm để có thể phát hiện và dùng thuốc khi thai còn nhỏ, hiệu quả sẽ cao và ít biến chứng; chỉ dùng thuốc khi chắc chắn có thai trong buồng tử cung (xác định bằng siêu âm); uống đủ thuốc và đúng lịch, không tự ý dùng thuốc; tránh uống thuốc vào ban đêm; hạn chế đi xa vào thời điểm uống thuốc; quay lại tái khám để chắc chắn là thai đã được tống ra ngoài hoàn toàn; áp dụng phương pháp ngừa thai sau khi phá thai nội khoa, tránh trường hợp có thai lại mà không biết.
Những nguy cơ khi phá thai bằng thuốc
Người muốn phá thai bằng thuốc nhất thiết phải uống thuốc dưới sự hướng dẫn, giám sát chặt chẽ của bác sĩ ngay từ bệnh viện. Nhiều người tự mua thuốc về dùng hoặc phá thai tại cơ sở y tế không đủ tiêu chuẩn, không theo dõi sát bệnh nhân, thai có thể không được tống xuất hoàn toàn dẫn đến sót thai, sót nhau thai gây băng huyết, mất máu dài ngày, nguy cơ nhiễm khuẩn tử cung cao, nguy hiểm đến tính mạng.
Việc tự ý uống thuốc phá thai không qua thăm khám hay phá thai tại cơ sở kém chất lượng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:
Băng huyết:Phá thai bằng thuốc sẽ gây ra máu âm đạo. Có trường hợp ra nhiều máu, mặc dù mất máu nhiều dẫn đến choáng váng là ít gặp, nhưng cần phải được truyền máu, do vậy việc dùng thuốc phá thai nên được thực hiện ở bệnh viện. Hơn nữa, những thai phụ mắc chứng rối loạn đông máu khi uống thuốc phá thai sẽ gây xuất huyết kéo dài, mất nhiều máu và nguy hiểm tính mạng.
Vẫn có thai sau khi phá thai bằng thuốc: Tỷ lệ có thai sau khi dùng phương pháp phá thai nội khoa khoảng 1%. Có 2 nguyên nhân dẫn tới điều này: thai vẫn tiếp tục phát triển sau khi dùng thuốc (tỷ lệ 1%). Hoặc thai đã được tống xuất ra ngoài hoàn toàn (phá thai nội khoa thành công) nhưng do chủ quan nghĩ rằng chưa có kinh chắc chưa có thai nên đã không áp dụng biện pháp ngừa thai khi quan hệ tình dục.
Thai dị tật:Tự ý sử dụng thuốc để phá thai, thai không ra ngoài mà vẫn tiếp tục phát triển, dẫn đến thai bị dị tật do thuốc gây nên.
Sót nhau:Khi sử dụng thuốc phá thai không an toàn, không theo chỉ định của bác sĩ, thai không ra hết dẫn đến sót thai, sót nhau.
Vô sinh, hiếm muộn: Tự ý uống thuốc gây sót thai, nhiễm khuẩn tử cung, nhiều trường hợp phải cắt bỏ tử cung và không còn khả năng làm mẹ.
Nguy cơ tử vong: Hiện tượng băng huyết hoặc nhiễm khuẩn tử cung quá nặng nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Thủ tục và quy trình phá thai tại bệnh viện
Những tình huống “khóc dở mếu dở” khi sử dụng bao cao su
Trường hợp nên và không nên đặt vòng tránh thai
Những lưu ý cần biết khi sử dụng thuốc phá thai
Những biến chứng sau khi phá thai bằng thuốc mà chị em nên biết
Đối tượng không được phá thai bằng thuốc
Những trường hợp sau không được phép phá thai bằng thuốc: nữ giới trên 34 tuổi; những người có tử cung dị dạng hoặc đã thực hiện nạo hút thai khoảng 6 tháng trở lại. Mẹ bầu đang mang thai ngoài tử cung hoặc đang đặt vòng tránh thai. Thai phụ bị thiếu máu trầm trọng, tình trạng sức khỏe yếu. Người mắc chứng rối loạn đông máu hay đang điều trị kháng đông. Trường hợp có tiền sử mắc các bệnh về gan, thận hoặc đang dùng corticoid trong thời gian dài.
Lời khuyên của thầy thuốc
Mặc dù chị em có thể làm việc bình thường sau 1-2 ngày sau siêu âm xác định buồng tử cung đã sạch, nhưng vẫn cần tránh hoạt động quá sức trong vòng 1-2 tuần đầu sau dùng thuốc. Không nên quan hệ tình dục trong vòng 1-2 tuần sau dùng thuốc. Không thụt rửa âm đạo. Ðiều này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Nên đến khám bác sĩ nếu không có kinh sau 6 tuần dùng thuốc; ra máu kéo dài, sốt, dịch âm đạo hôi...
Theo SK&ĐS
Xem thêm:
- Mang thai ngoài ý muốn có nên phá bằng thuốc không?
- Sau khi phá thai bằng thuốc cần phải thực hiện những xét nghiệm gì?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!