Phải làm gì khi trẻ bị bắt cóc?

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Có rất nhiều chiêu thức bắt cóc trẻ em, nhưng một thực tế là những kẻ bắt cóc đang ngày càng táo tợn hơn.

Khi trẻ em trở thành món hàng buôn bán

Gần đây, thông tin 12 bé trai bị bán sang Trung Quốc may mắn được trở về quê nhà nhận được rất nhiều sự quan tâm. 10 cháu bé được nuôi dưỡng khỏe mạnh tại Trung tâm chăm sóc bảo trợ trẻ em Quảng Ninh từ tháng 5/2013 và được đặt những cái tên vô cùng ý nghĩa Cộng - Hòa - Xã - Hội - Chủ - Nghĩa - Việt - Nam - Hùng - Mạnh.

Các cháu bé bị bán sang Trung Quốc từ khi còn rất nhỏ, bé lớn nhất mới gần 2 tuổi. Vì thế, việc tìm lại cha mẹ cho các bé là vô cùng khó khăn. Đến nay, mới có 2 bé xác định được người thân.

Phải làm gì khi trẻ bị bắt cóc?

10 em bé lớn lên khỏe mạnh và mong được tìm thấy cha mẹ (Ảnh minh họa: Internet)

Trung Quốc là quốc gia tồn tại vấn nạn bắt cóc trẻ em rất khó giải quyết. Không chỉ trẻ em Việt Nam và các nước lân cận bị bắt đến nước này mà ngay cả trẻ em Trung Quốc cũng phải đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc. Theo ước tính, mỗi năm có đến 200.000 trẻ em nước này mất tích, đặc biệt là trẻ em trai. Thậm chí, các bé trai bị coi là 'mặt hàng kinh doanh' béo bở. Một bé trai có giá dao động khoảng 500 - 1.500 USD trên thị trường chợ đen, ông Chen Shiqu - Giám đốc Trung tâm phòng chống buôn người của Bộ Công An Trung Quốc cho biết.

Điều này dẫn đến tình trạng chính mẹ đẻ bán con để lấy tiền. 2 trong 10 bé trai bị bán sang Trung Quốc được trở về là trường hợp như vậy. Nhiều em bé bị bán đi khi mới lọt lòng mẹ. 11 trẻ nhỏ và 4 trẻ sơ sinh được giải cứu do các đơn vị chức năng TP Móng Cái (Quảng Ninh) phát hiện chỉ trong 5 năm qua.

Bọn bắt cóc ngày càng táo tợn

Có rất nhiều chiêu thức bắt cóc trẻ em, nhưng một thực tế là những kẻ bắt cóc đang ngày càng táo tợn hơn. Chúng có thể bắt những đứa trẻ ngay giữa ban ngày, trên đường phố, thậm chí giật trên tay của người mẹ.

Sự táo tợn của bọn bắt cóc khiến ai cũng phải rùng mình

Các chiêu thức bọn bắt cóc thường dùng là:

Một, bắt cóc trẻ sơ sinh trong bệnh viện. Lợi dụng sự sơ hở của y tá, hộ lý, của gia đình, chúng sẽ bế đứa trẻ đi mà rất khó bị phát hiện. Bởi trẻ sơ sinh thường khá giống nhau và có rất nhiều trẻ trong bệnh viện nên chỉ cần đóng giả là bố, mẹ hoặc người nhà chúng có thể bế đứa trẻ đi mà không bị ai để ý.

Hai, tiếp cận trẻ chơi đùa một mình hoặc ở chỗ vắng người. Trẻ nhỏ thường bị dụ bởi bánh kẹo, đồ chơi. Nếu không được dạy cách phản ứng với người lạ, trẻ rất có thể đi theo kẻ bắt cóc mà không có bất kỳ sự phản kháng, la hét nào. Hoặc trong lúc không ai để ý, kẻ bắt cóc sẽ bế thốc trẻ lên xe và chạy mất. Trẻ có thể bị đe dọa hoặc dùng thuốc mê để không kêu khóc.

Ba, giả làm người nhà đến nhà trẻ, trường mầm non đón trẻ. Đây là trường hợp rất hay gặp nếu cô giáo không đề phòng và trẻ không phản ứng với kẻ lạ mặt.

Bốn, lợi dụng chỗ đông người, bố mẹ không để ý, trẻ chơi xa chỗ bố mẹ mà kẻ bắt cóc có thể bắt hoặc dụ dỗ trẻ đi.

Phải làm gì để đảm bảo an toàn cho trẻ?

Trẻ bị bắt cóc càng nhỏ thì bố mẹ càng khó có cơ hội tìm, nhận được con do trẻ còn quá nhỏ không thể nhớ thông tin về bản thân, về gia đình. Trẻ cũng nhanh thay đổi khi lớn lên khiến bố mẹ cho dù có nhìn mặt cũng khó thể biết đấy là con mình. Vì thế, với trẻ sơ sinh, bố mẹ nên để ý kỹ các dấu hiệu, điểm đặc biệt trên cơ thể ví dụ vị trí nuốt ruồi, vết bớt… để phòng khi nhầm lẫn trong bệnh viện hoặc nhận diện trẻ nếu chẳng may bị bắt cóc.

Khi trẻ bị bắt cóc, điều đầu tiên phải trình báo công an. Nếu là vụ bắt cóc tống tiền, đe dọa con tin thì một mặt phải giả vờ nghe lời bọn bắt cóc để câu giờ, một mặt bí mật trình báo công an để tìm sự hỗ trợ, giải quyết. Tuyệt đối không nên nghe theo bọn chúng đưa tiền chuộc con vì không ai có thể biết trước được liệu khi nhận được tiền chúng có trả con hay tiếp tục yêu cầu tiền chuộc hoặc giết con tin diệt khẩu.

Ngoài cơ quan công an, bố mẹ có thể trình báo đến viện kiểm sát nếu gần nhà hoặc gọi đến đường dây nóng 18001567 để trình báo. Bố càng càng nhớ nhiều chi tiết về trẻ thì khả năng nhận diện càng tốt, ví dụ như quần áo, giày dép, nón mũ bé mặc, đồ chơi mang theo, đặc điểm riêng biệt trên cơ thể…

Dạy trẻ kỹ năng sống tránh bị bắt cóc

Điều quan trọng là bố mẹ phải dạy trẻ kỹ năng phản xạ với người lạ và phản ứng khi bị bắt cóc để phòng trừ rơi vào trường hợp không may.

Một tình huống thử nghiệm được ra, anh chàng này đã xin phép những bà mẹ để tiếp cận và giả vờ bắt cóc những đứa trẻ. Tình huống xảy ra khiến các bà mẹ vô cùng sợ hãi và hoảng hốt khi hầu như trẻ con không cảm nhận được mối nguy hiểm từ người lạ để phản ứng mà còn sẵn sàng đi theo không hề nghi ngại. Đây là lời cảnh báo cho tất cả các bậc phụ huynh về việc không dạy trẻ kỹ năng phản xạ với người lạ.

Bố mẹ cần đặt trẻ vào một số tình huống giả định phải làm gì khi bị bắt cóc để trẻ có thể ứng phó được. Bố mẹ phải cho trẻ biết kẻ xấu có thể dùng những lời lẽ nào, dụ dỗ ra sao và trẻ phải trả lời thế nào, phản ứng ra sao, tìm sự trợ giúp của người xung quanh thế nào. Tốt nhất, trẻ không được bắt chuyện người người, không được tỏ ra thân thiết, nên giả vờ rằng bố mẹ đang ở gần đó và đặc biệt không đi theo. Nếu trẻ bị lôi kéo thì phải kêu thật to lên để gây chú ý, kêu gọi mọi người giúp đỡ.

>> Xem thêm: Những tình huống lơ là dù chỉ 1 phút, bố mẹ có thể mất con

NT 

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!