Phân biệt trẻ bị cúm mùa với trẻ mắc virus hợp bào hô hấp

Làm mẹ - 05/01/2024

Virus hợp bào hô hấp RSV hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với khả năng lây lan rất mạnh. Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin bảo vệ trẻ khỏi virus này.

Trong một tháng gần đây, tại Bệnh viện Nhi Trung ương số lượng trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp (Respiratory syncytial virus viết tắt là RSV) gia tăng đột biến. Tại khoa Hô hấp, hiện có gần 20 trẻ bị nhiễm RSV phải điều trị nội trú, mỗi ngày tiếp nhận từ 5-10 ca bệnh nặng. Nhóm đối tượng trẻ dưới 6 tháng tuổi phải đối diện với nhiều nguy cơ.

Cúm mùa và nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) có nhiều triệu chứng khá giống nhau như ho, sổ mũi và sốt cao.

Tuy vậy, để phân biệt được 2 bệnh này và có phương pháp điều trị chính xác, hãy tìm hiểu kỹ hơn về các dấu hiệu của từng loại.

Các dấu hiệu nhận biết

Cúm mùa

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai.

Ở trẻ em, sau khi nhiễm virus cúm 2 ngày (thời gian ủ bệnh), các triệu chứng ban đầu có thế là:

– Sốt, nhức đầu, chóng mặt.

– Có cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi, buồn nôn, ăn không ngon.

– Đau nhức cơ bắp, đau tai.

– Đau họng, ho, chảy nước mũi.

– Có thế xuất hiện tiêu chảy.Sau 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn tiếp diễn và biến mất trong vòng 1 – 2 tuần sau đó.

Nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV)

Các triệu chứng ban đầu:

– Sốt nhẹ.

– Đau họng, ho nhẹ, chảy nước mũi.

– Ngạt mũi, viêm tai.

Khi bệnh chuyển biến nặng hơn sẽ thêm các dấu hiệu:

– Thở khò khè, khó thở, thở nhanh.

– Ho mạnh.

– Khó ăn, uống, ngủ.

Đối với người lớn, nhiễm RSV sẽ không còn sau 3 – 5 ngày và ít khi bị biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, sinh non hoặc có bệnh lý tim mạch sơ sinh, nhiễm RSV có thể biến chứng nặng nề, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Vì vậy, đối với trẻ nhỏ, khi có các dấu hiệu trên, cần phải xét nghiệm để xác định chính xác loại virus trẻ bị nhiễm để có phương pháp điều trị.

Phân biệt trẻ bị cúm mùa với trẻ mắc virus hợp bào hô hấp

Ảnh minh họa

Điều trị

Cúm mùa

– Uống thuốc hạ sốt (đúng liều lượng đối với cân nặng của trẻ) khi nhiệt độ cơ thể trên 38,5 độ C.

– Giảm sốt bằng nước ấm: Dùng khăn mềm nhúng vào nước ấm, vắt hết nước, lau nhẹ khắp người trẻ, đặc biệt là ở nách, bẹn, trán.

– Thường xuyên cặp nhiệt độ: Cần theo dõi chính xác và liên tục nhiệt độ cơ thể của trẻ để có hướng xử lý thích hợp. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt trên 38 độ C hoặc kéo dài hơn 2 ngày nên đến các cơ sở y tế thăm khám.

– Bổ sung vitamin C hàng ngày để tăng miễn dịch: Có thể bổ sung các loại rau củ quả chứa nhiều vitamin C như: cam, chanh, bưởi, rau bina.

– Rửa mũi: Nếu trẻ chảy nước mũi, nên nhỏ nước muối sinh lý, hút hoặc rửa để đường thở thông thoáng.

– Uống nhiều nước: Để ngăn ngừa tình trang mất nước, cần bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể. Với trẻ  trên 1 tuổi có thể bổ sung nước trái cây.

Nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV)

– Khi trẻ mắc bệnh nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV), cha mẹ hoặc người chăm sóc cần cho trẻ uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt đúng cách, đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, giàu vitamin và khoáng chất.

– Trẻ có thể tự khỏi, nhưng cần theo dõi sát sao để phát hiện các dấu hiệu nặng và đưa trẻ tới bệnh viện, cơ sở y tế kịp thời.

– Với những trường hợp bội nhiễm phổi phải uống thuốc kháng sinh, truyền dịch, thậm chí hỗ trợ thở ôxy.

– Cha mẹ không nên tự điều trị ở nhà, tự mua thuốc cho con uống mà nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để thăm khám. Khi thăm khám, các bác sĩ sẽ nhận định được trẻ chỉ bị nhiễm virut thông thường hay đã bị nhiễm virut RSV để quyết định sử dụng thuốc một cách hợp lý.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!