Phản ứng ngoại tháp do thuốc kháng histamin

Cần biết - 11/24/2024

Alimemazin có tác dụng kháng histamin và kháng serotonin mạnh, có tác dụng an thần, giảm ho, chống nôn.

Alimemazin là thuốc được dùng trong các trường hợp như trạng thái sảng rượu cấp (do cai rượu); tiền mê trước phẫu thuật; dị ứng hô hấp (viêm mũi, hắt hơi, sổ mũi) và ngoài da (mày đay, ngứa); nôn thường xuyên ở trẻ em; mất ngủ của trẻ em và người lớn.

Khi dùng thuốc, tần suất xảy ra các tác dụng không mong muốn phụ thuộc vào liều và thời gian sử dụng. Ngoài những biểu hiện thường gặp như mệt mỏi, uể oải, đau đầu, chóng mặt nhẹ, khô miệng, đờm đặc, thuốc còn gây ra triệu chứng ngoại tháp.

Các phản ứng ngoại tháp do thuốc gây ra thường chia làm 3 loại chính: các phản ứng tăng trương lực cơ, cảm giác luôn luôn vận động không nghỉ (nghĩa là chứng nằm, ngồi không yên) và các dấu hiệu, triệu chứng Parkinson.

Hầu hết người bệnh bị rối loạn trương lực cơ đáp ứng nhanh với điều trị bằng thuốc chống Parkinson kháng cholinergic (như benzotropin, trihexyphenidyl).

Phản ứng ngoại tháp do thuốc kháng histamin

Thuốc kháng histamin đa dạng với nhiều chủng loại (Ảnh: Internet)

Các dấu hiệu và triệu chứng nằm của chứng ngồi không yên thường tự động thuyên giảm. Tuy nhiên, nếu chứng này gây khó chịu, thường có thể kiểm soát bằng giảm liều thuốc hoặc dùng đồng thời một thuốc chống Parkinson kháng cholinergic, một benzodizepam hoặc propranolon. Triệu chứng Parkinson thường được kiểm soát bằng cách sử dụng phối hợp thuốc chống Parkinson kháng cholinergic. Tuy nhiên, các thuốc chống Parkinson chỉ được dùng khi thật cần thiết.

Hội chứng ác tính do thuốc an thần có thể xảy ra ở người bệnh sử dụng các dẫn chất phenothiazin (alimemazin…) hoặc các thuốc tâm thần khác. Hội chứng này được đặc trưng bởi tăng thân nhiệt, rối loạn ngoại tháp nặng (gồm cả tăng trương lực cơ xương), mất nhận thức ở mức độ khác nhau (gồm trạng thái lờ đờ và hôn mê), trạng thái tâm thần thay đổi (bao gồm các phản ứng giảm trương lực) và thần kinh tự động không ổn định (gồm các tác dụng trên tim mạch).

Khi xảy ra cần ngừng ngay thuốc, điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ, điều trị cân bằng nước và điện giải, giữ mát cho người bệnh và duy trì chức năng thận, điều chỉnh những rối loạn tim mạch (ổn định huyết áp), ngăn chặn biến chứng hô hấp. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị hội chứng này.

Mất bạch cầu hạt là tác dụng hay gặp nhất, khi sử dụng thuốc kháng histamin nhóm phenothiazin và thường gặp ở người bệnh nữ vào giữa tuần thứ 4 đến tuần thứ 10 của đợt điều trị. Mặc dù tỷ lệ tác dụng không mong muốn xảy ra ở hệ máu thấp nhưng tỷ lệ tử vong lại cao.

Do vậy, cần đánh giá định kỳ về huyết học cho người bệnh dùng thuốc dài ngày. Nếu có dấu hiệu triệu chứng loạn tạo máu như đau họng, sốt, mệt mỏi, nên ngừng dùng thuốc ngay.     

>> Xem thêm: Hỏi – đáp về bệnh dị ứng chung

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!