Giao mùa, sốt xuất huyết dễ bùng phát
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch và do vi-rút dengue gây ra. Muỗi vằn chính là tác nhân truyền bệnh cho người qua các vết đốt.
Bệnh xảy ra ở các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, không phân biệt thành phố hay nông thôn. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa. Thời điểm giao mùa cũng là thời gian thích hợp để dịch bệnh sinh sôi.
Ghi nhận cho thấy, năm 2014 tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết của khu vực phía Nam giảm 25,7%, vào mùa mưa không xuất hiện dịch bệnh nhưng số ca mắc bệnh lại có xu hướng tăng vào cuối năm. Bệnh sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, dẫn đến việc khó kiểm soát và dập tắt dịch.
Dọn dẹp vệ sinh môi trường để muỗi không có nơi sinh sản (Ảnh: Vietnamnet)
Bệnh sốt xuất huyết hoàn toàn có thể tự phòng chống tại nhà, mỗi ngày chỉ cần 10 phút là có thể ngăn ngừa bệnh. Tự phòng chống cũng chính là biện pháp chủ yếu, bởi suy cho cùng, nguyên nhân phát bệnh cũng là do lối sinh hoạt mà ra.
Mặc dù hiện nay không phải mùa mưa, nhưng đang là thời điểm giao mùa giữa đông và xuân, thời tiết thay đổi cũng là điều kiện cho vi-rút sốt xuất huyết sinh sôi. Chính vì thế cần tuân thủ các lưu ý sau đây để có thể đón xuân khỏe mạnh và vui vẻ.
Phòng ngừa dịch bệnh từ thói quen sinh hoạt
Diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy:
- Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, đặc biệt là các vùng quê, nông thôn và các khu trọ của sinh viên, công nhân hay chứa nước trong bể, thau, chậu…
- Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng/bọ gậy.
- Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ thường xuyên để đảm bảo đồ chứa nước luôn sạch sẽ, không tạo môi trường sinh sôi cho loăng quăng/bọ gậy.
Ngủ phải mắc màn để phòng tránh muỗi đốt (Ảnh: Dân trí)
- Thu gom và hủy các vật phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... thường thấy trong vườn nhà, dọn dẹp vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
- Thả muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước các bình cắm hoa có trong nhà thường xuyên.
Phòng chống muỗi đốt:
- Mặc quần áo dài, kể cả ở nhà.
- Ngủ trong màn bất kể là ngày hay đêm.
- Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem bôi đuổi muỗi, vợt điện diệt muỗi... để tránh bị đốt.
- Nếu nhà có trường hợp mắc bệnh thì nên cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
- Phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Thúy Hà
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!