Phòng ngừa đột quỵ: hãy loại bỏ các thói quen xấu

Cần biết - 11/24/2024

Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là tình trạng tổn thương não cấp tính do nguyên nhân mạch máu. Nước ta có khoảng 200.000 người bị đột quỵ não mỗi năm.

Bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa với số lượng ngày một tăng. Để giúp bạn đọc hiểu rõ về đột quỵ và tầm quan trọng của việc phòng ngừa, sớm loại bỏ những thói quen xấu có thể gây hại ảnh hưởng tới mạch máu não, bài viết sẽ chia sẻ những thông tin hữu ích.

Triệu chứng khởi phát đột quỵ

Bệnh cảnh khởi phát thường đột ngột, các triệu chứng thường gặp khi bị đột quỵ là, người bệnh đột ngột nói/cười bị lệch miệng. Thông thường yếu /liệt đột ngột ở nửa người, có thể xảy ra ở 1 chi. Người bệnh đột ngột nói khó, lẫn lộn, hay các vấn đề trong diễn đạt và hiểu ngôn ngữ. Ở một số trường hợp người bệnh đột ngột mất thăng bằng hay khó khăn trong việc kiểm soát sự di chuyển của cơ thể.

Dễ xảy ra vào thời điểm nào?

Các tài liệu y khoa trên thế giới cho thấy đột quỵ não thay đổi theo mùa một cách rất rõ ràng. Tỷ lệ đột quỵ cao hơn vào mùa đông so với mùa hè. Ngoài ra, bệnh nhân bị đột quỵ vào mùa đông thường có tiên lượng xấu hơn, tỉ lệ tử vong do đột quỵ cao nhất vào mùa đông. Trong một nghiên cứu mang tính bước ngoặt, người ta nhận thấy rằng nhiệt độ giảm 5°C liên quan tới tỷ lệ nhập viện vì đột quỵ tăng lên 7%. Nhiều nhà khoa học cho rằng tỷ lệ đột quỵ cao như vậy là do những thay đổi, rối loạn về chuyển hóa lipid máu, huyết áp và đông máu trong mùa đông.

Các thống kê cũng chỉ ra đột quỵ xảy ra nhiều nhất vào thời điểm ban ngày (8:00 - 12:00). Ban đêm đột quỵ cũng có thể xảy ra nhưng không thường xuyên. Tuy nhiên, những người có yếu tố nguy cơ, đặc biệt là rung nhĩ, đột quỵ có thể xảy ra bất cứ khi nào và bất cứ thời điểm nào.

Trong khi đó, theo y văn của một số nước, đơn cử như tại Phần Lan, người ta cũng ghi nhận số người bị khởi phát đột quỵ cao nhất vào 6-8 giờ sáng vào ngày làm việc và 8-10 giờ vào ngày nghỉ.

Giải thích cho hiện tượng này các nhà nghiên cứu cho rằng, do thay đổi hormon và huyết áp của người bệnh. Khi thức dậy vào buổi sáng, sẽ chuyển từ tư thế đang nằm sang tư thế vận động, làm thay đổi nồng độ các hormon. Các hormon này gây ra hai tình trạng: thứ nhất là tăng nhịp tim và tăng huyết áp, thứ hai là làm tăng trương lực của động mạch. Ngoài ra, lý do thứ 2 liên quan đến đột quỵ buổi sáng là do lượng nitric oxit thấp vào lúc ngủ dậy nên cũng dẫn đến nguyên nhân bị đột quỵ vào sáng sớm.

Phòng ngừa đột quỵ: hãy loại bỏ các thói quen xấu

Đo huyết áp thường xuyên để phát hiện sớm dấu hiệu đột quỵ. Ảnh: TM

Thay đổi các thói quen xấu để phòng nguy cơ đột quỵ

Ngoài yếu tố không thay đổi được như tuổi (đột quỵ xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhưng tuổi càng tăng thì nguy cơ đột quỵ càng lớn) còn lại các yếu tố có thể thay đổi được giúp dự phòng đột quỵ.

Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được là điều trị đúng, kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp, phát hiện sớm và điều trị bệnh tim, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, hẹp động mạch chủ có triệu chứng... điều này sẽ giảm được nguy cơ đột quỵ.

Cần thay đổi thói quen xấu, thay đổi lối sống như: Cai thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, giảm stress: cần giải tỏa bớt áp lực công việc, tạo cuộc sống lành mạnh bên người thân, chế độ ăn: tránh ăn chất béo bão hòa, giảm muối, ăn nhiều rau quả và chất xơ, duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp, tập thể dục đều đặn ngày 30-60 phút/ 5 ngày/ tuần... sẽ ngăn ngừa được đột quỵ.

Tắm khuya không có lợi cho sức khỏe, dễ bị đột tử và thường xảy ra trên nền những bệnh lý mạn tính có sẵn như tim mạch, huyết áp, mỡ máu. Đặc biệt, trong điều kiện kết hợp với các yếu tố như ăn uống no, say, ngủ trong phòng lạnh... sẽ rất dễ xảy ra các tai biến nguy hiểm với cơ thể.

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy ngâm mình trong nước lạnh đột ngột có thể kích hoạt dẫn tới nhồi máu cơ tim. Hơn nữa, một số rối loạn thần kinh như mất toàn bộ trí nhớ thoáng qua sau khi bơi trong nước lạnh cũng đã được báo cáo.

Ngoài ra, cần khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng để tầm soát bệnh, tuân thủ đúng các yêu cầu của bác sĩ về việc dùng thuốc cũng là một biện pháp ngăn ngừa đột quỵ.

Cách tắm khỏe

Tắm mát vào buổi sáng có lợi ích là giúp cơ thể hít thở sâu, kích thích cơ thể, tăng sự thèm ăn, cho cơ thể có ngày mới tràn đầy năng lượng. Đồng thời tắm mát giúp máu có pH kiềm hơn, tăng sức đề kháng và miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể. Còn sau một ngày làm việc mệt mỏi, tắm giúp thư giãn cơ bắp, các nếp nhăn, các vết co thắt của da sẽ được thư giãn, cơ thể thoải mái cho giấc ngủ ngon và sâu.

Tuy nhiên, để tránh mang bệnh do tắm không đúng cách, nên tắm ở nhiệt độ 36-37°C (bằng nhiệt độ cơ thể) là hài hòa và cân đối nhất và cũng để cải thiện chức năng tim. Đồng thời giữ chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và bên ngoài phòng tắm không quá cao, khoảng 20-30 độ C. Lưu ý, hạn chế việc thay đổi thân nhiệt đột ngột. Phải tiếp xúc dần từng bộ phận của cơ thể với nước, trước tiên là chân, đến tay, đầu, thân người, sau đó mới là toàn thân tiếp xúc hoàn toàn với nước.

Tắm xong không ra gió hay vào phòng máy lạnh ngay vì dễ khiến nhiệt độ cơ thể hạ xuống gây ảnh hưởng đến việc lưu thông máu.

Không nên tắm khuya, từ 23g-3g sáng, vì tắm vào thời gian này khí lạnh rất dễ xâm nhập cơ thể và gây cảm lạnh.

Không tắm sau khi uống rượu vì khi tắm, lượng đường trong cơ thể bị tiêu hao nhiều do hoạt động thể lực và máu tuần hoàn nhanh. Khi mức độ đường trong máu xuống thấp, nhiệt độ cơ thể sẽ hạ theo, dễ gây sốc.

Không tắm ngay sau khi ăn vì sẽ làm tăng nhanh tuần hoàn máu khiến công năng tiêu hóa của ruột bị yếu đi, khả năng hấp thụ thức ăn sẽ kém hơn.

Không nên tắm ngay khi đi ngoài nắng về.

Xử trí thế nào?

Nếu phát hiện các triệu chứng cần nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến bệnh viện. Nên nhớ thời gian là vàng đối với người bệnh, mỗi 1 phút chậm trễ cấp cứu sẽ có 2 triệu tế bào não bị chết đi.

Không được tự ý dùng thuốc ở nhà, không cạo gió, cắt lễ, cúng vái… Tạm thời không cho người bệnh ăn, uống nhất là khi người bệnh trong tình trạng lơ mơ, hoặc hôn mê để tránh sặc nước hoặc thức ăn vào phổi. Đặt người bệnh nằm nghiêng đầu khi người bệnh nôn. Ghi lại thời điểm xảy ra triệu chứng đầu tiên là việc làm rất quan trọng, nó giúp cho bác sĩ có hướng điều trị phù hợp cho người bệnh.

Ngay cả khi các triệu chứng trên xuất hiện và hồi phục hoàn toàn trong vòng một vài phút hoặc vài chục phút, bạn vẫn cần phải đến bệnh viện để được kiểm tra vì đó là lời cảnh báo một cơn đột quỵ thực sự có thể xảy ra sau đó.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!