Theo Tiến sỹ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhi khoa Việt Nam, tình trạng bệnh nhi được chẩn đoán hen tăng lên rõ rệt trong những năm gần đây. Số trẻ em phải phòng ngừa hen mỗi ngày khá lớn.
Các dạng dị ứng khác như dị ứng thức ăn, đặc biệt là với protein sữa bò, chàm và viêm mũi dị ứng cũng được ghi nhận thường xuyên.
Bác sĩ Tuấn cảnh báo, một số dạng dị ứng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, hen nặng có thể gây tử vong hoặc phải nằm viện trong thời gian dài với các biến chứng nặng nề. Một số trường hợp dị ứng thức ăn biểu hiện bằng sốc phản vệ và gây tử vong tức thời.
Trẻ có thể bị dị ứng do nhiều nguyên nhân khác nhau, do yếu tố thức ăn, mẫn cảm với thời tiết, khói bụi, phấn hoa, lông động vật, mẹ sinh mổ… Nguy cơ dị ứng ở trẻ cao hơn khi có thành viên trong gia đình (cha, mẹ và anh chị em ruột) có tiền sử bị dị ứng. Càng nhiều thành viên có tiền sử dị ứng thì nguy cơ này ở trẻ nhỏ càng cao.
Dị ứng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ nhỏ (Ảnh: Internet)
Bác sĩ Tuấn khuyên, cha mẹ nên phòng ngừa dị ứng tiên phát (dị ứng chưa xảy ra) cho trẻ ngay từ khi sinh ra hoặc giai đoạn thai kỳ. Cho bú sữa mẹ hoàn toàn là biện pháp tốt nhất để giảm nguy cơ một số loại dị ứng.
Nếu không được bú mẹ vì lý do nào đó, trẻ có thể bổ sung dinh dưỡng đạm thủy phân một phần. Bằng chứng lâm sàng cho thấy công thức dinh dưỡng chứa đạm whey thủy phân một phần giúp giảm gần 50% nguy cơ dị ứng ở trẻ.
Việc ăn dặm đúng cách cũng ngăn ngừa nguy cơ dị ứng sau này cho trẻ. Cha mẹ nên tìm hiểu bé thuộc nhóm dị ứng thấp hay cao, nhận dạng các yếu tố nguy cơ gây dị ứng. Ngoài ra, việc hạn chế sinh mổ không cần thiết, chủng ngừa đầy đủ, vệ sinh môi trường tốt cũng là những biện pháp phòng ngừa dị ứng hiệu quả.
>> Xem thêm: Hỏi – đáp về bệnh dị ứng chung
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!