Phòng ngừa viêm tiền liệt tuyến như thế nào?

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Viêm tiền liệt tuyến mãn tính ở lứa tuổi đang hoạt động tình dục có thể giảm hưng phấn tình dục hoặc rối loạn xuất tinh.

Tuyến tiền liệt (TLT) là một bộ phận quan trọng của bộ máy sinh dục nam và có thể bị nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó có viêm nhiễm. bệnh thường gặp ở nam giới trưởng thành, đặc biệt là nam giới có tuổi cao.

Nguyên nhân gây viêm

Tiền liệt tuyến là một cơ quan có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành tinh dịch và đóng vai trò quan trọng trong sinh dục, đồng thời tiền liệt tuyến có vai trò trong việc điều hòa tiểu tiện ở nam giới. Tiền liệt tuyến được định vị dưới bàng quang (vùng cổ bàng quang) và khoảng giữa trực tràng và niệu quản. Trọng lượng của TLT trung bình khoảng từ 15 - 20g, tuy vậy, khi tuổi càng cao (bắt đầu khoảng trên 45 tuổi) một số người có TLT to ra. Bệnh của TLT có một số loại như: phì đại (u xơ), vôi hóa, viêm , lao, nguy hiểm nhất là ung thư.

Nguyên nhân của viêm tiền liệt tuyến có rất nhiều loại khác nhau, thông thường hay gặp là do viêm ở một số cơ quan lân cận rồi lan sang viêm TLT như:viêm trực tràng, tinh hoàn, mào tinh hoàn, ống dẫn tinh, nhưng hay gặp nhất trong số đó là viêm đường tiết niệu như: viêm niệu đạo, bàng quang, thận, đặc biệt là viêm niệu đạo. Thủ phạm gây viêm ở đường tiết niệu có thể là do vi khuẩn hoặc do vi-rút.

Phòng ngừa viêm tiền liệt tuyến như thế nào?

Phòng ngừa viêm tiền liệt tuyến như thế nào?

Ảnh minh họa

Một số nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ người bị viêm tiền liệt tuyến không do nhiễm khuẩn chiếm tỉ lệ cao hơn nguyên nhân do nhiễm khuẩn, nguyên nhân không do nhiễm khuẩn là gì thì đang tiếp tục nghiên cứu để làm rõ. Loại bệnh viêm TLT không do nhiễm khuẩn, có biểu hiện đau vùng hạ vị (bụng dưới), hết rồi lại đau, tái đi tái lại nhiều lần. Loại viêm TLT không do nhiễm khuẩn có thể có dấu hiệu hoặc không thấy dấu hiệu viêm và do tình cờ bác sĩ phát hiện ra nhân khám bệnh về đường sinh dục tiết niệu vì một lý do nào đó. Ngoài ra, người ta cũng đề cập đến nguyên nhân viêm TLT do nghiện rượu, bia, nghiện thuốc lá, thuốc lào hoặc sinh hoạt tình dục quá mức bình thường, chấn thương vùng hạ vị hoặc do bị cảm lạnh đột ngột.

Triệu chứng

Có hai loại bệnh viêm tiền liệt tuyến, đó là viêm cấp tính và viêm mãn tính, kéo dài. Đối với viêm cấp tính, bệnh thường xảy ra đột ngột, có sốt (có thể sốt vừa, thậm chí sốt cao nếu độc lực của vi khuẩn mạnh) và ớn lạnh, rét run, đau đầu, đau khắp thân mình như dạng bệnh bị cảm, nhất là đau vùng hạ vị. Người bệnh thường có dấu hiệu buồn đi tiểu (mót tiểu) và đi tiểu nhiều lần, tiểu gấp, đau, rát, buốt, tiểu không hết, tiểu són, có khi không tiểu được, có thể tiểu ra máu. Các triệu chứng này rất giống với viêm đường tiết niệu cấp tính, nhất là viêm bàng quang cấp.

Người bệnh có thể kèm theo đau vùng tiểu khung, hạ vị và khi xuất tinh thấy đục. Cần cảnh giác cao khi nghi viêm TLT cấp tính bởi vì, viêm cấp tính có thể sẽ dẫn tới một số biến chứng như: áp-xe tiền liệt tuyến, hình thành tổ chức xơ, bí tiểu cấp tính, viêm mào tinh hoàn, viêm nội mạc cơ tim, thậm chí nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm cho tính mạng. Biến chứng thành tổ chức xơ còn tùy thuộc vào vị trí của tổn thương viêm TLT, nếu ổ viêm ở đỉnh của TLT có thể sẽ phát triển thành những tổ chức xơ ở cổ bàng quang hoặc nếu viêm nhiễm xảy ra ở vùng đáy của TLT thì có thể gây ra những đợt viêm kịch phát, nguồn gốc của những đợt đau và đái ra mủ liên tục. Biến chứng viêm TLT cấp tính có thể dẫn tới vôi hóa TLT nếu không được điều trị dứt điểm.

Đối với viêm TLT mãn tính thì các biểu hiện của bệnh khá đa dạng, nhất là rối loạn tiểu tiện (đi tiểu nhiều lần, tiểu són), đái ra máu vi thể hoặc đại thể (đái máu vi thể là mắt thường không nhìn thấy máu, phải có sự hỗ trợ khi soi cặn nước tiểu dưới kính hiển vi quang học, còn đái máu đại thể là người bệnh và bác sĩ khám bệnh đều nhìn thấy nước tiểu màu đỏ hồng). Một số trường hợp thỉnh thoảng thấy đái ra máu lẫn tinh dịch, vùng hạ vị lúc nào cũng có cảm giác đau âm ỉ.

Viêm tiền liệt tuyến mãn tính ở lứa tuổi đang hoạt động tình dục có thể giảm hưng phấn tình dục hoặc rối loạn xuất tinh. Người bệnh có rối loạn giấc ngủ (ngủ không sâu, hay tỉnh giấc, ngủ ít và khi tỉnh giấc thì khó ngủ trở lại). Viêm TLT tuyến ở tuổi thanh, trung niên có thể ảnh hưởng lớn đến sinh sản.

Nên làm gì để phòng bệnh?

Phòng ngừa viêm tiền liệt tuyến như thế nào?

Ảnh minh họa

Khi nam giới ở tuổi trưởng thành và nhất là người cao tuổi khi nghi ngờ bị viêm tiền liệt tuyến cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt, không nên để bệnh trở thành mãn tính gây khó khăn cho việc chữa trị và gây biến chứng. Nếu bị viêm đường tiết niệu cần điều trị tích cực, đúng để tránh lây lan sang tiền liệt tuyến.

Cần điều chỉnh các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày cho thích hợp như: không nên ngồi ở các loại ghế cứng mà nên ngồi các loại ghế mềm (có đệm) nhằm hạn chế sức nặng đè lên TLT. Không nên ngồi quá lâu trong nhiều giờ liền làm ảnh hưởng đến lưu thông máu đến TLT. Tránh lao động quá nặng so với sức lực và tuổi tác của mình. Ở độ tuổi sinh hoạt tình dục thì không nên sinh hoạt thái quá.

Nên tập thể dục đều đặn và nên xoa vùng bụng dưới (hạ vị) hàng ngày, đặc biệt trước khi đi ngủ buổi tối và sáng sớm lúc vừa ngủ dậy. Cần vệ sinh sạch sẽ hàng ngày cơ thể và nhất là bộ phận tiết niệu - sinh dục và không nên ăn uống các chất kích thích quá nhiều, nhất là rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!