Cứ vào tháng 5-6 hay tháng 9-10, cá nóc lại vào mùa ở những vùng biển nhiệt đới nói chung, trong đó có Việt Nam. Việc đánh bắt và buôn bán cá nóc khi chưa hiểu rõ về loài cá này đã gây ra nhiều ca tử vong trên cả nước vì ngộ độc.
Nguyên nhân ngộ độc từ cá nóc
Bạn ăn phải nội tạng: gan, thận… và mắt, mang, da, máu có chứa độc tố Tetrodotoxin, chỉ cần 1-2mg độc tố này sẽ giết chết tính mạng. Độc tố này còn chứa nhiều ở nội tạng con sa giông, kỳ nhông, bạch tuộc vòng xanh…
Ngư dân thường chủ quan bỏ qua bước bảo quản cá nóc trước khi cắt bỏ phần chứa độc tố của chúng. Thực tế, khi đánh bắt, nhiều khi ngư dân để cá ươn, dập nát thành mớ hỗn độn, độc tố nhanh chóng ngấm vào thịt cá. Nên, bạn có cắt bỏ những bộ phận chứa độc tố ở cá nóc thì nguy cơ ngộ độc vẫn không thể tránh khỏi.
Nhằm loại bỏ độc tố, nhiều ngư dân sử dụng cách phơi khô. Thực tế, khi phơi khô cá nóc, độc tố Tetrodotoxin vẫn không bị giảm. Thậm chí nó còn có thể khiến bạn khi bị ngộ độc thêm qua tiếp xúc tay chân trong quá trình phơi cá, nếu sau đó bạn không vệ sinh sạch sẽ.
Ảnh minh họa: Internet
Độc tố cá nóc có tính bền vững cao. Vì thế, biện pháp ‘ăn chín uống sôi’ cá nóc là chưa đủ. Đun sôi ở nhiệt độ 100oC trong 6 giờ liên tục, độc tố mới giảm một nửa. Muốn độc tố hết hoàn toàn, bạn phải tăng tốc lên mức 200oC trong vòng 10 phút liên tục.
Vì sao nhiều người chết vì ăn cá nóc? Từ trước đến nay, ngộ độc do cá nóc chưa có loại thuốc đặc hiệu nào giải độc. Biện pháp chữa trị hiện nay chỉ là súc rửa dạ dày hoặc dùng than hoạt tính thải bớt độc tố, hô hấp nhân tạo, truyền dịch nhằm tăng sức đề kháng cho người bệnh. Vì thế, ngộ độc khi ăn loại cá này vô cùng nguy hiểm.
Hiện tượng xảy ra khi trúng độc cá nóc
Sau khi ăn 5 phút đến 4 giờ, người trúng độc sẽ cảm thấy đau nhói trên mặt, chân tay, thở gấp, tê, ngứa môi và phía trong miệng, yếu, liệt cơ hoành và cơ ngực, hạ huyết áp, vỡ mạch máu… Nặng hơn là cảm giác chóng mặt, nghẹt thắt lồng ngực, chảy nước dãi, sùi bọt mép, run giật, cứng hàm, cứng lưỡi, đồng tử co, liệt vận động nhãn cầu. Hiện tượng nặng nhất, chiếm đến 60% là liệt toàn thân, chân tay không hoạt động, da tím tái, liệt cơ hô hấp, trụy tim mạch và tử vong. Hiện tượng tử vong có khi chỉ xảy ra vẻn vẹn từ 30 phút đến 1 giờ.
Phòng tránh ngộ độc cá nóc
- Nếu không may bị trúng độc cá nóc, người bệnh cần được uống than hoạt càng sớm càng tốt sẽ có hiệu quả cao trong việc chống độc lan vào cơ thể. Cụ thể:
Người lớn: 30g + 250 ml nước, quấy đều và uống.
Trẻ từ 1-12 tuổi: 25g + 200ml nước, quấy đều.
Trẻ dưới 1 tuổi: 1g/kg cân nặng của trẻ + 50ml nước, quấy đều và uống.
Ngoài ra, người lớn và trẻ em trên 12 tuổi có thể uống một lọ than hoạt nhũ 30ml.
Sau khi cho uống xong, người bệnh cần nhanh chóng được đưa đến cơ sở y tế. Than hoạt tính chống chỉ định cho những người bệnh đã hôn mê, rối loạn ý thức.
Trên đường đến bệnh viện, xe cấp cứu phải có dụng cụ đảm bảo hô hấp.
- Nếu bạn chưa từng bị trúng độc cá nóc, cách phòng tránh tốt nhất là không nên ăn loại cá này. Khoa học chưa có thông tin nào cho rằng cá nóc là loại cá thần kỳ cho sức khỏe nếu chế biến đúng cách, không bị ngộ độc. Còn việc ăn cá nóc khiến bạn cảm thấy thơm ngon hơn tất cả các loại cá khác thì là tùy thuộc vào cảm giác, khẩu vị của mỗi người. Đừng vì quảng cáo mật ngọt khi chưa hiểu rõ về nó mà chuốc họa vào thân.
Bạn cũng không nên ăn các loại cá mà nghi ngờ là cá nóc. Nếu không may khi ăn những loại cá này mà bạn cảm thấy ngứa họng, tê môi, tê lưỡi, hãy gây nôn bằng cách dùng tay ngoáy sâu vào họng, uống than hoạt tính giải độc và nhanh chóng đến bệnh viện.
Với ngư dân: nên loại bỏ cá nóc ngay khi kéo lưới, đánh bắt và khi phơi khô cá. Không làm chả cá nóc, bột cá nóc hoặc các sản phẩm khác từ cá nóc.
Nguyễn Hòa (tổng hợp)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!