Phòng tránh ngộ độc rượu ngày Tết

Cần biết - 11/24/2024

Uống rượu khai xuân từ lâu đã trở thành một nét văn hóa của người Việt.

Tuy nhiên, phong tục tốt đẹp này đang dần bị biến tướng và dẫn đến nhiều hệ lụy. Theo thống kê của các bệnh viện, số lượng người nhập viện trong mỗi dịp Tết Nguyên đán do ngộ độc rượu đang có xu hướng gia tăng. Đáng lo ngại hơn khi độ tuổi của các bệnh nhân ngộ độc rượu có dấu hiệu trẻ hóa, trung bình từ 20-50 tuổi.

Triệu chứng của ngộ độc rượu

Khi bị ngộ độc rượu cấp tính, đầu tiên, người bệnh có dấu hiệu hưng phấn, kích thích, nói nhiều, mất khả năng vận động tự chủ, mất cân bằng, ngồi không vững. Sau đó, khi đã ngấm vào cơ thể, rượu sẽ ức chế trung tâm hô hấp, thần kinh, khiến người bệnh giảm phản xạ cơ, xương, tri giác, có thể mất tri thức, hạ huyết áp, có thể rơi vào hôn mê. Lúc này, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong sẽ rất cao.

Nguyên nhân gây ngộ độc rượu

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngộ độc rượu trong dịp lễ Tết là do tình trạng lạm dụng rượu, vượt quá khả năng hấp thụ của cơ thể. Trên thế giới, ‘đơn vị rượu’ được dùng để quy đổi nồng độ của các loại rượu bia khác nhau. Ví dụ, 1 đơn vị rượu tương đương 270ml bia, 1 chén rượu vang 125ml hoặc 1 chén rượu mạnh 25ml. Theo các chuyên gia, dù rượu có chất lượng tốt, nam giới cũng không nên uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; mức an toàn cho nữ giới là 2 đơn vị rượu/ngày.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam, rượu giả, rượu kém chất lượng pha methanol với tỷ lệ cao tràn lan khắp nơi. Methanol là cồn công nghiệp, khi đi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành formaldehyt và  acid formic – 2 chất độc ảnh hưởng nặng nề đến gan và thận. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu tăng cao dịp Tết.

Phòng tránh ngộ độc rượu ngày Tết

Theo thống kê của các bệnh viện, số lượng người nhập viện trong mỗi dịp Tết Nguyên đán do ngộ độc rượu đang có xu hướng gia tăng

Những nguyên tắc khi uống rượu để không ngộ độc

- Chỉ uống các loại rượu có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng, có tem chứng nhận của các cơ quan chức năng.

- Không uống rượu tự pha chế, rượu tự ngâm với lá, rễ cây, động vật… mà không rõ thành phần, xuất xứ, công dụng.

- Không uống rượu có hàm lượng methanol >0,1%.

- Không nên uống quá nhiều rượu. Tốt nhất, mỗi người chỉ nên uống 1 đơn vị rượu/ngày. Cụ thể, chỉ nên uống 300-350ml bia (nồng độ 4%), 150-200ml rượu sâm banh (nồng độ 11%), 50ml rượu có màu (nồng độ 17-20%) và chỉ nên uống 25ml rượu trắng (nồng độ 35-40%).

- Không uống rượu khi đang đói.

- Không uống rượu kèm với các loại nước có gas.

- Tuyệt đối không uống rượu khi đang sử dụng các loại thuốc như: thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương, thuốc có tác dụng phụ ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc hạ huyết áp, thuốc hạ đường huyết, các nhóm kháng sinh cephalosporin, nhóm phenicol (chloramphenicol), nhóm azol (metronidazol, ketocanzol), thuốc kháng viêm không steroid thế hệ cũ.

Xử lý khi bị ngộ độc rượu

Khi gặp người bị ngộ độc rượu, cần tìm cách gây nôn để nạn nhân nôn hết, nhằm tránh chất độc ngấm và tích tụ trong cơ thể. Có thể cho nạn nhân uống trà đặc, sữa nóng để tăng khả năng thải độc của cơ thể. Lưu ý không cho bệnh nhân uống thuốc chống nôn và uống paracetamol vì có thể khiến tình trạng ngộ độc nặng hơn.

Sau đó, cởi bớt quần áo, khăn, thắt lưng, để nạn nhân nằm sấp, 2 tay xuôi, để đầu nghiêng về một bên ở nơi thoáng mát nhưng không có gió lùa. Trong trường hợp nạn nhân bị ngộ độc nặng, có biểu hiện co giật, hơi thở đứt quãng, hôn mê, thì phải đưa đến bệnh viện cấp cứu càng nhanh càng tốt.

Biết để sinh tồn: Cấp cứu nạn nhân ngộ độc rượu (Thực hiện bởi Songkhoe.vn)

Hà Vân

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!