Phong trào Anti tiêm vaccine dưới góc nhìn của một bác sĩ Nhật

Kiến Thức Y Học - 04/26/2024

Gần đây có nhiều thảo luận sôi động về những mặt lợi hại của việc tiêm chủng. Bs Phạm Nguyên Quý, đang công tác tại BV Đại học Kyoto, Nhật Bản cho biết, thật ra, khi nhiều bệnh được phòng tránh thành công bằng tiêm chủng, tiêm Vaccine vẫn là điều rất cần thiết trong việc bảo vệ trẻ em, bảo vệ cộng đồng.

Gần đây có nhiều thảo luận sôi động về những mặt lợi hại của việc tiêm chủng. Bs Phạm Nguyên Quý, đang công tác tại BV Đại học Kyoto, Nhật Bản cho biết, thật ra, khi nhiều bệnh được phòng tránh thành công bằng tiêm chủng, tiêm Vaccine vẫn là điều rất cần thiết trong việc bảo vệ trẻ em, bảo vệ cộng đồng.

Theo TS.BS. Phạm Nguyên Quý, hiện đang làm việc tại khoa Nội Tổng quát, Bệnh viện Trung Ương Kyoto Miniren và khoa Hóa trị, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản, thì gốc gác của vấn đề có thể nằm ở cảm nhận về những điều bất định và cần hòa giải những lo lắng ấy như thế nào để có thể đưa ra quyết định sáng suốt.

Sự bất định trong cuộc sống

Sự bất định là một đặc tính và cũng là quy luật của cuộc sống. Chúng ta có thể nhận ra nó trong các tình huống đời thường như khi chọn công việc, chọn mua nhà, và nhiều trường hợp khác.

Các can thiệp y khoa khác, từ tiêm chủng cho tới ngoại khoa đều như vậy, luôn kèm theo một sự bất định. Những phương pháp điều trị thật ra đều dựa trên các chứng cứ khoa học và kèm theo xác suất. “Thuốc A có khả năng diệt khuẩn trong 70-80% trường hợp” là cách nói mà các nghiên cứu hay dùng.

Thế nhưng chúng ta, nhất là trong xã hội hiện nay với kỳ vọng cao, dường như đã quên đi tính bất định này. “Thuốc A có tác dụng diệt khuẩn tốt!” tự nhiên thành một slogan và được truyền tai nhau như chân lý.

Người ta còn ít chấp nhận rủi ro hơn, nên số liệu về tác dụng phụ, hay biến chứng (thật ra cũng là xác suất) nhiều khi không được quan tâm hoặc bị thổi phồng quá mức.

Phong trào Anti tiêm vaccine dưới góc nhìn của một bác sĩ Nhật

Tiêm vaccine vẫn rất cần thiết.

Sự bất định liên quan tới tiêm chủng và phong trào anti tiêm vaccine

Tiêm phòng thật ra là một sự đầu tư cho tương lai. Lợi ích của việc phòng bệnh bằng vaccine đã được chứng minh từ lâu và chương trình tiêm chủng đã trở thành một phần không thể thiếu của mọi nền y tế.

Tuy nhiên, từ khoảng 10 năm nay, các phong trào chống đối tiêm chủng (anti-vaccine) đã xuất hiện ở nhiều nước tiên tiến bắt đầu có ảnh hưởng tới Việt Nam.

Sự do dự, chống đối tiêm chủng ở các nước phương Tây thường liên quan tới các yếu tố như:

Sự chủ quan: nghĩ rằng những rủi ro của bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine là thấp.

Sự tiện lợi: nghĩ rằng khi nào cũng có thể được khám và điều trị bệnh, có khả năng chi trả và tiếp cận y tế, bao gồm tiêm vaccine nếu muốn về sau.

Sự tin tưởng: lòng tin vào sự an toàn và hiệu quả của vaccine, niềm tin vào hệ thống chăm sóc sức khoẻ và các nhà hoạch định chính sách.

Nhiều người còn tin rằng sống thuận tự nhiên, để mắc bệnh tự nhiên tốt hơn là chủng ngừa.

Theo các số liệu tại Hoa Kỳ, những lo ngại về tính an toàn và tác dụng phụ chiếm khoảng 60-70% trường hợp yêu cầu không tiêm, bao gồm các tác dụng phụ cụ thể như hội chứng Guillain-Barré, lồng ruột, đau tại chỗ và những quan tâm tổng quát hơn như các tin đồn rằng tiêm quá nhiều vaccine làm quá tải hệ miễn dịch, có thể gây bệnh tự kỷ hay tự miễn...

Những phản đối khác có thể liên quan đến suy nghĩ rằng vaccine không cần thiết hoặc thiếu tự do lựa chọn. Thật ra, khi nhiều bệnh được phòng tránh thành công bằng chủng ngừa, tần suất bệnh hiếm đi và các bậc cha mẹ thường quên đi những ảnh hưởng tàn phá của chúng.

Họ có thể không nhận thức được những nguy cơ đối với con cái và cộng đồng khi từ chối tiêm phòng. Đối với những phụ huynh này, nguy cơ gặp tác dụng phụ có ý nghĩa quan trọng hơn những lợi ích tiềm năng.

Tại Việt Nam, hiện chưa có số liệu cụ thể về những lo lắng của cha mẹ khi mang con cái đi chủng ngừa. Tuy nhiên, qua các trao đổi trên một số diễn đàn, nhiều bậc phụ huynh đã nêu rõ các ý kiến và lo ngại như sau:

Việc tiêm vaccine thường được tổ chức đại trà; nhân viên y tế kêu gọi chích ngừa chung chung mà không dành đủ thời gian giải thích cụ thể các lợi ích và nguy cơ. Với sự phổ cập của internet và cải thiện dân trí, nhiều cha mẹ có nhu cầu được giải thích tường tận hơn. Ví dụ: Vaccine ngừa lao có khả năng bảo vệ bao nhiêu phần trăm? Vì sao có ca chích rồi vẫn mắc bệnh?

Quan ngại về các thành phần sử dụng trong vaccine, cũng như quy trình quản lý chất lượng vaccine ở một số cơ sở y tế. Lo lắng về cách ứng phó với các tác dụng phụ. Dù xảy ra với xác suất rất thấp, khi gặp tác dụng phụ người dân phải báo cho ai và đơn vị nào chịu trách nhiệm thu thập, phân tích và báo cáo các dữ liệu đó?

Nhiều báo ồ ạt đưa tin trẻ tử vong sau khi tiêm nhưng rồi nguyên nhân/quan hệ nhân quả với vaccine thế nào không được giải thích rõ.

Đối mặt với sự bất định và lo lắng liên quan tới chủng ngừa

Chủng ngừa là một sự đầu tư cho tương lai mà nhiều bậc cha mẹ đang đắn đo suy nghĩ. Không chích thì có nguy cơ gì? Nếu chích thì có nguy cơ gì? Rốt cuộc, có nên chủng ngừa hay không?

Phong trào Anti tiêm vaccine dưới góc nhìn của một bác sĩ Nhật

TS.BS. Phạm Nguyên Quý

William Osler, một bác sĩ được kính trọng trên toàn thế giới đã từng nói: “Y học là khoa học của sự bất định và là nghệ thuật của sự may rủi”.

Các bác sĩ và các nhân viên y tế không chỉ phải đối mặt với sự bất định trong khoa học (với các số liệu cụ thể) mà còn phải chăm sóc cho con người với những cảm nhận về may rủi khác nhau.

Đối với bệnh nhân A, xác suất 1% (100 người thì 1 người bị) là bình thường nhưng bệnh nhân B có thể cho rằng 0.01% (10000 người 1 người bị) là nguy cơ quá cao, không thể chấp nhận.

Cho dù tỉ lệ gặp tác dụng phụ được cho là rất thấp, một số cha mẹ vẫn lo sợ con mình rơi vào trường hợp đó. Không ai trách ai được vì đó là cảm nhận, là trải nghiệm cá nhân và chúng ta cũng cần tôn trọng cảm giác đó. Hóa giải bất an và hòa giải bất đồng là một nghệ thuật, không phải bao giờ cũng thực hiện được nhưng là thứ luôn phải hướng tới.

Việc tìm thông tin và tham vấn qua mạng đang dần trở nên phổ biến. Dù tiện lợi, chúng kèm theo nguy cơ, vì nhiều thông tin không được kiểm chứng và đôi khi chỉ phản ánh nhận định cá nhân mà không ai phải chịu trách nhiệm.

Chính vì thế, phát triển và phổ biến những kênh truyền thông chính thống với thông tin đầy đủ, xác thực, cập nhật về các bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng, kèm theo dịch vụ tư vấn riêng biệt để bệnh nhân an tâm và biết cách đối phó với các loại rủi ro là rất hữu ích và cấp thiết.

Bs. Phạm Nguyên Quý sinh tại Huế, tốt nghiệp Y Đa khoa năm 2009 và tốt nghiệp Tiến sĩ Y Khoa năm 2013 tại Đại học Y Nha Tokyo, Nhật Bản. Anh hiện đang làm việc tại khoa Nội Tổng quát, Bệnh viện Trung Ương Kyoto Miniren và khoa Hóa trị, Bệnh viện Đại học Kyoto.

Bác sĩ là một trong những người khởi xướng dự án Y học cùng cộng đồng để biên soạn và phổ biến rất nhiều bài viết về bệnh tật, cách bảo vệ sức khỏe với thông tin xác thực, theo hệ thống tham khảo cách làm việc của các website dành cho bệnh nhân uy tín ở nước ngoài qua website https://yhoccongdong.com/ và facebook

Theo Thời báo Doanh nhân

Xem thêm:

  • Những mũi tiêm phòng vaccine bắt buộc dànhcho trẻ sơ sinh
  • Tiêm phòng vaccine có ảnh hưởng đến sự pháttriển của trẻ không?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!