Các nhà khoa học lấy mẫu máu chuột sau khi tiêm vaccine thử nghiệm.
Ngày 6/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, trong 4 đơn vị nghiên cứu vaccine của Việt Nam thì có 2 đơn vị dự kiến cuối năm 2020 sẽ bắt đầu thử nghiệm vòng 1 trên người, nếu thuận lợi, nhanh nhất thì cuối năm 2021 chúng ta mới sản xuất được vaccine ngừa Covid-19.
Hiện nay, Việt Nam có bốn nhà sản xuất vaccine Covid-19, đó là Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Công ty TNHH một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC), Công ty Công nghệ sinh học Dược Nanogen.
Theo Bộ Y tế, nơi này đang xem xét phê duyệt hồ sơ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên người của vaccine ngừa Covid-19 do Công ty Công nghệ sinh học Dược Nanogen nghiên cứu. Bộ Y tế cho biết sẽ hỗ trợ tối đa, thuận lợi nhất về thẩm định, phê duyệt để việc thử nghiệm vaccine Covid-19 được triển khai sớm nhất, dự kiến ngay trong tháng 11/2020.
Được biết, trong giai đoạn này, vaccine sẽ được sử dụng để tiêm thử nghiệm trên nhóm nhỏ gồm 20 người, sau đó đến giai đoạn 2 sẽ tiêm cho 400 người (thời gian bắt đầu giai đoạn 2 là 2 - 3 tháng kể từ khi người tình nguyện đầu tiên được tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên, cụ thể là đầu tháng 3/2021).
Thông tin từ Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen, đến nay đơn vị đã nghiên cứu sản xuất thành công 4 loại kháng thể dựa trên trình tự của 4 loại kháng thể được phân lập từ các bệnh nhân Covid-19 đã phục hồi. Trước đó đơn vị đã gửi mẫu cho Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương để đánh giá tính an toàn. Bước đầu, kết quả kiểm tra hoạt tính trung hòa trên virus của đơn vị đạt yêu cầu. Công ty này cho biết nếu tất cả mọi quy trình hoàn thành và được phê duyệt, dựa trên công nghệ sẵn có, đơn vị có thể sản xuất khoảng 20 triệu liều vaccine/tháng.
Cùng đó, Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đã bắt đầu thử nghiệm tiền lâm sàng vaccine Covid-19 trên khỉ. Đơn vị này thử nghiệm đồng thời trên khỉ và chuột. Dự kiến, sau khi tiêm xong, khỉ sẽ được theo dõi khoảng 3 tháng, sau đó tiếp tục lấy mẫu máu gửi về Hà Nội để làm các xét nghiệm.
Đồng thời, Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) cũng đang trong quá trình hoàn thiện đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19. Dự kiến, IVAC sẽ nộp hồ sơ thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, Việt Nam là một trong 42 quốc gia có thể tự sản xuất vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Đồng thời, chúng ta có cơ quan quản lý về vaccine đạt hai chuẩn của WHO. Vì vậy, thời gian qua Bộ Y tế đã chỉ đạo các nhà sản xuất trong nước tăng cường các hoạt động nghiên cứu, tập trung các nguồn lực sản xuất vaccine phòng Covid-19, dự kiến trong năm 2021 sẽ có ít nhất một nhà sản xuất tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3 tại Việt Nam.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lý giải, một vaccine bình thường thì 5-10 năm mới có, phải xem có tác dụng phòng bệnh, giữ chất phòng bệnh trong người bao lâu, có tác dụng phụ không?
Bên cạnh đó, mua vaccine các nước khác cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, WHO và Liên minh vaccine toàn cầu đưa ra sáng kiến COVAX giúp 92 nước có thu nhập thấp được tiếp cận vaccine chống Covid-19. Theo đó, 92 nước này, trong đó có Việt Nam, sẽ được hỗ trợ giá 4 USD cho 2 liều trên 1 người. Tuy nhiên, hiện nay chưa có công ty sản xuất vaccine nào cam kết bán vaccine cho liên minh này.
'Vì vậy giải pháp căn cơ nhất của Việt Nam vẫn là tiếp tục các giải pháp phòng dịch và chung sống an toàn với dịch' - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.
Còn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thì cho rằng, đeo khẩu trang là biện pháp quan trọng hàng đầu để phòng chống dịch Covid-19. Theo Ban Chỉ đạo, hiện nay, TP HCM, TP Hà Nội đã yêu cầu người dân bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, có biện pháp xử phạt các trường hợp vi phạm.
Thời gian tới, các tỉnh, thành phố cũng phải tăng cường kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm quy định đeo khẩu trang, đặc biệt tại cơ sở y tế; chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; phương tiện giao thông công cộng; cơ sở lưu trú, khách sạn; các cơ sở thực hiện cách ly; bến xe, cảng hàng không, ga tàu; nhà máy, xí nghiệp; các sự kiện văn hóa, thể thao tập trung đông người…
Thực hiện quy định bắt buộc đeo khẩu trang không chỉ ở những đô thị lớn, mật độ dân cư đông, người qua lại mà cả các những thị trấn...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!