Phòng trị bệnh nhờ muối ăn

Bài thuốc dân gian - 05/02/2024

Khi cổ họng sưng, đỏ đau, hãy dùng muối cả hạt, ngậm cho tan, tiếp tục ngậm hạt khác.

Theo Đông y, muối ăn vị mặn, tính hàn, không độc; vào vị, thận, tâm và đại tiểu tràng. Có tác dụng thanh tâm, lương huyết, tả hỏa, tư thận, làm chặt răng lợi (kiện nha cổ xỉ), thông tiện, giải độc, nhuận táo, dẫn các thuốc vào kinh lạc. Muối dùng cho các trường hợp đau sưng họng, đau răng, chảy máu chân răng, đầy tức ngực lưng, táo bón, rối loạn tiêu hóa, đầy trướng (cho uống nước muối gây nôn thổ để giải độc...). Hằng ngày dùng 1 - 3g trong thức ăn, đồ uống; nếu để gây nôn mửa thì dùng 10 - 20g, uống 1 lần. Sau đây là một số cách dùng muối chữa bệnh.

Cổ họng sưng, đỏ đau: Dùng muối cả hạt, ngậm cho tan, tiếp tục ngậm hạt khác cho đến khi khỏi đau.

Chữa đau bụng: Muối sao thật nóng, đổ lên miếng vải, bọc lại, chườm lên rốn và lưng.

Phòng trị bệnh nhờ muối ăn

Lát chanh với muối chữa ho. Ảnh minh họa: Internet

Chữa ho cảm: Cắt miếng chanh nhỏ, chấm ít muối, ngậm cho tan dần muối và nước chanh.

Cháo muối: Muối trắng đem sao hoặc nướng cháy, tán mịn. Cho 1 - 2g vào cháo nóng, cho ăn. Dùng cho các trường hợp kiết lỵ đại tiện ra máu kéo dài.

Nước dấm muối: Muối 1 - 2g hòa nước dấm (10 - 20ml), khuấy đều uống. Dùng cho các trường hợp tiểu tiện khó, đau quặn.

Phòng trị bệnh nhờ muối ăn

Ảnh minh họa: Internet

Nước muối loãng: Muối ăn 1 - 2g, pha trong 1 cốc nước ấm, uống vào buổi sáng. Dùng cho các trường hợp táo bón kinh diễn, đau sưng họng.

Nước trà gừng muối: Muối ăn 4g, trà xanh 10g, gừng tươi 5g, thêm nước sắc lấy 500ml, cho uống nhiều lần trong ngày. Dùng cho các trường hợp sốt nóng vã mồ hôi, khát nước, tiêu chảy (trúng nhiệt, trúng thử).

Kiêng kỵ: Không dùng cho người huyết hư, ứ trệ; người bị phù nề, viêm thận cấp, mạn tính phải hạn chế.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!