Phụ nữ có HIV/AIDS: Cần nhiều hỗ trợ từ cộng đồng

Thời sự - 11/24/2024

Người có HIV/AIDS sẽ gặp khó khăn hơn ở tất cả các mặt của đời sống, đặc biệt là phụ nữ. Để góp tiếng nói, giúp cho họ có được mọi quyền lợi và sự bình đẳng, ngày 12/12, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với tổ chức UN Women thực hiện Tọa đàm 'Tăng cường tiếp cận dịch vụ hỗ trợ và việc làm đối với phụ nữ có HIV/AIDS'.

Phụ nữ có HIV/AIDS: Cần nhiều hỗ trợ từ cộng đồng

Tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hà Giang.

Những rào cản với phụ nữ nhiễm HIV

Tại Tọa đàm, vấn đề về việc lồng ghép đầy đủ các khía cạnh về giới trong việc đảm bảo quyền và nhu cầu về sức khỏe của con người; cũng như việc lên kế hoạch hành động cho giai đoạn tiếp theo của 'Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS đến 2020 và tầm nhìn 2030' đã được các đại biểu bàn luận và đưa ra nhiều đề xuất.

Theo báo cáo từ tổ chức UN Women: Trong một thời gian dài, phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm thiểu số tính dục dễ bị tổn thương khác có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có sự kỳ thị và phân biệt đối xử, đặc biệt khi họ sống chung với HIV. Hầu hết các ứng phó với HIV ở Việt Nam đều không cân nhắc đến những trải nghiệm, thực tế sống khác nhau của nam giới và phụ nữ, trẻ em trai và trẻ em gái, những người LGBT. Và những ứng phó cũng không đề cập đến các chiều cạnh, tầng lớp của sự lề hóa bắt nguồn từ sự giao thoa của các yếu tố khác nhau.

Báo cáo khẳng định, sự bất bình đẳng giới góp phần vào sự lây lan của HIV. Nó có thể làm tăng tỷ lệ lây nhiễm và làm giảm khả năng ứng phó với HIV ở phụ nữ và trẻ em gái.

Nói về rào cản đối với phụ nữ nhiễm HIV/AIDS, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai- Trưởng ban Gia đình - Xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho biết: Có rất nhiều yếu tố rào cản tác động đến nhu cầu tiếp cận của phụ nữ với các dịch vụ dự phòng, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Ví dụ như việc đáp ứng nhu cầu của phụ nữ về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản, đặc biệt ở nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ di cư, phụ nữ vùng biển đảo…

Bên cạnh đó là những khó khăn khác về mặt tài chính, thủ tục pháp lý. Theo bà Mai: 'Những khó khăn về mặt tài chính, thủ tục pháp lý khiến người nhiễm HIV phải bộc lộ tình trạng nhiễm HIV của mình. Đây là rào cản chính đối với việc mở rộng điều trị ARV bằng bảo hiểm y tế hiện nay. Sự kỳ thị cũng là nguyên nhân khiến người nhiễm HIV khó tiếp cận vốn vay theo quyết định số 29/2014/QĐ-TTg, nhất là phụ nữ'.

Một số khuyến nghị

Là Trưởng ban điều hành mạng lưới Hoa hướng dương, cũng là một phụ nữ dám công khai mình nhiễm HIV, chị Ngô Liên chia sẻ: Tình hình tìm kiếm việc làm của người nhiễm HIV vô cùng khó khăn. Hiện nay, trong mạng lưới Hoa hướng dương chỉ có 3% các chị em đang được làm việc tại các cơ quan nhà nước, 22% là thuộc các chị em tham gia kinh doanh có hiệu quả. Còn lại hơn 70% là lao động phổ thông. Nhiều chị em ở các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, một số tỉnh giáp với Trung Quốc đã chọn cách vượt biên qua Trung Quốc để làm thuê. Năng lực không có lại bị kỳ thị, chỉ còn cách kiếm tiền bằng cách này. 'Không công khai thì khó. Công khai mình bị nhiễm HIV rồi thì lại càng khó hơn' – chị Liên ngậm ngùi.

Từ những ý kiến của các đại biểu tham gia Tọa đàm, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổng kết lại 9 khuyến nghị cần thiết để đảm bảo quyền lợi, sự bình đẳng cho phụ nữ có HIV/AIDS. Trong đó có những nội dung như: Tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, huy động sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể và của toàn xã hội vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống HIV/AIDS có lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết, để đảm bảo rằng trọng tâm và mục tiêu về HIV có chú ý đến sự khác nhau về nhu cầu và trải nghiệm với HIV của phụ nữ và nam giới.

Các quy định về cấp BHYT tự nguyện cho người nhiễm HIV cần được điều chỉnh theo hướng giảm bớt các thủ tục hành chính, xác nhận nhân thân người nhiễm HIV.

Đặc biệt, trong các khuyến nghị có nội dung: Tìm kiếm và nhân rộng các mô hình hỗ trợ vốn, tạo sinh kế cho người nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt là các mô hình tạo sinh kế góp phần cải thiện cuộc sống và địa vị của người phụ nữ nhiễm HIV. Tập huấn và nâng cao năng lực cho cán bộ thẩm định, đánh giá các phương án vay vốn của người nhiễm HIV tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!